Tác phẩm, tác giả

Đọc lại "Nắng mới" và nghĩ về mẹ

HẠ NGUYÊN 08/09/2024 11:07

Lưu Trọng Lư nổi tiếng với những vần thơ sầu mộng, lãng đãng, giàu tính nhạc. Gia tài thi ca của ông chủ yếu là thơ tình. Mà lạ thay, bài thơ tôi nhớ nhất, thương nhất của ông lại là một bài thơ về mẹ: “Nắng mới”.

Có lẽ “Nắng mới” là bài thơ diễn tả chính xác nhất nhận xét của Hoài Thanh về Lưu Trọng Lư trong “Thi nhân Việt Nam”: “Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy”. Có lẽ trong một buổi trưa quạnh vắng nào của tâm hồn, nỗi nhớ mẹ ngùi ngùi khiến Lưu Trọng Lư phải kể ra thành lời.

Mỗi lần nắng mới hắt bên song/Xao xác, gà trưa gáy não nùng/Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/Chập chờn sống lại những ngày không...” (trích Nắng mới).

Những khổ thơ vuông vắn, giản dị như mảnh vườn phẳng lặng. Nhiều lần tôi đọc bài thơ này, nhưng chỉ dành sự xót xa cho nỗi lòng của người con nhớ mẹ. Mỗi độ nắng về giòn tan sau những ngày ảm đạm, nhà thơ mãi thấy mình côi cút ở trên đời.

Vậy mà gần đây, mỗi khi lòng thầm đọc “Nắng mới”, tôi lại loay hoay nghĩ nhiều về hình ảnh người mẹ trong bài thơ. Tại sao giữa rất nhiều khoảnh khắc có mẹ trong đời, Lưu Trọng Lư lại vĩnh viễn “đóng khung” thước phim về mẹ ngày nắng mới reo trên đồng nội?

Ký ức của chúng ta không có những quy tắc rõ ràng như bộ phận kiểm duyệt của Cục Điện ảnh, nhiều khi nó lọc lại cho ta những hình ảnh không cơn cớ về một quá vãng xa xôi.

Ký ức Lưu Trọng Lư cũng vậy, ông không nhớ mẹ nhất lúc mẹ ôm ông vào lòng, vỗ về ông, hay dịu dàng chăm sóc cha con ông. Mà ký ức tươi rói về mẹ, là lúc mẹ riêng tây chỉ một mình trong nắng mới.

Với tôi, chân dung sắc nét nhất mà ông họa mẹ chính là “Nắng mới”. Phải chăng tâm hồn Lưu Trọng Lư “lọc” lại khoảnh khắc ông thấy mẹ thảnh thơi, rạng ngời, son trẻ nhất, lúc bà ngơi quên chuyện tam tòng, chỉ đắm chìm trong cõi riêng “thiếu nữ”…

Trong bài thơ, người mẹ hiện ra huy hoàng trong nắng mới: bà mang áo đỏ ra phơi trước giậu, lòng hân hoan hơn nắng. Chiếc áo đỏ mà bà nâng niu lẽ nào là áo cưới chăng? Tôi không chắc. Nhưng lòng thành kính, ấp iu cho thấy chiếc áo là cả một thời son trẻ, thiết tha.
Việc mang áo đỏ ra phơi mỗi lần giao mùa đã trở thành một nếp quen, một nghi thức. Có lẽ chiếc áo là cả một bầu trời xuân sắc, đắm say, đã cất giữ biết bao trìu mến. Đọng lại mãi một “nét cười đen nhánh sau tay áo”, bừng lên cùng với nắng giao mùa trong tâm tư người con trai suốt quãng dài mồ côi sau này.

Hình hài nụ cười bí ẩn ấy khiến tôi nghĩ nhiều về người mẹ. Có người mẹ nào không giấu thời con gái trong chiếc rương nữ trang, phấn sáp, cẩn thận khóa chặt lại, cất thật kỹ trong ngăn tủ, để bước vào quãng đời “làm mẹ”.

Chúng ta biết gì về mẹ của mình? Ta chỉ thấy mẹ ở quãng đời mẹ làm mẹ ta, với tảo tần, hy sinh, chịu đựng, cằn nhằn, đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Mẹ là ai trước khi làm mẹ ta? Mẹ có ước mơ không, trải bao nhiêu mối tình, bao lần đổ vỡ? Có phải ta đã thật hiểu mẹ mình không? Khi mẹ có cả một thời con gái, những “chiếc áo đỏ” mà mẹ muốn “hong khô” trong nắng mới…

Có lẽ tôi thương bài “Nắng mới” bằng những trường liên tưởng như vậy. Giây phút cậu con trai lên mười nhìn ngắm mẹ trong bài thơ không phải là một khoảnh khắc âu yếm thường ngày của tình mẫu tử.

Đó là một “cuộc gặp gỡ” rất khác của cậu trai bé bỏng ấy với một “mảnh đời con gái” của mẹ. Cậu bé không hiểu được hết niềm vui riêng tư của mẹ, nhưng cậu đã được thấy thời khắc huy hoàng nhất của mẹ.

Trong quãng đời được làm con của mẹ, có bao giờ bạn “gặp” mẹ trong một phần đời khác mà mẹ vẫn cất cho riêng mình?

HẠ NGUYÊN