Tác phẩm, tác giả

Shireen và tình yêu mỹ thuật Việt Nam

TUỆ LAM 08/09/2024 11:32

Một cuộc triển lãm với sự góp sức của 20 họa sĩ đến từ Thái Lan, Myanmar và Việt Nam vừa tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để tưởng nhớ tới một người giám tuyển đặc biệt: bà Shireen Naziree.

1-1721359884988.jpg
Giám tuyển Shireen Naziree. Ảnh tư liệu

Shireen Naziree (1947-2018) là một giám tuyển độc lập, một nhà nghiên cứu mỹ thuật có tầm ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á. Bà có một chặng đường dài gắn bó với hội họa châu Á và Việt Nam nói riêng. Nhiều họa sĩ vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn những tình cảm chân thành sâu đậm của bà.

Ấn tượng và biểu hiện của hội họa xứ sở

Shireen Naziree cho rằng các câu chuyện mang tính biểu tượng thường được sử dụng trong chủ đề của nghệ thuật Đông Nam Á và Việt Nam. Chúng luôn là các điểm nhấn thị giác. Các biểu tượng ấy còn thấm đẫm trong mình những tố chất thi ca, là dòng năng lượng dồi dào cho sự sáng tạo. Các biểu tượng được sử dụng trong mỹ thuật cổ cũng luôn xuất hiện trong những tác phẩm đương đại.

Cuốn sách “Impressions and Expressions – Vietnamese Contemporary Painting” (Ấn tượng và biểu hiện của Hội họa Việt Nam đương đại) do bà Shireen chấp bút cùng nhà phê bình Phan Cẩm Thượng xuất bản ở Bangkok năm 2006, được coi là một trong số những cuốn sách viết về nghệ thuật hội họa Việt Nam hay nhất trong thời gian đó.

Shireen Naziree rất đề cao hội họa đương đại Việt Nam và luôn đặt nó vào bối cảnh Đông Nam Á. Theo bà: “Sức mạnh từ nền tảng truyền thống cùng với khát vọng đương đại đã tạo ra động lực thúc đẩy nghệ thuật Đông Nam Á, rút ngắn khoảng cách vốn là vùng ngoại vi đến thị trường nghệ thuật toàn cầu”.

Đào hải Phong-Con Đường Xuân-80x100cm-SD-2020 - Copy
Đào Hải Phong - Con đường xuân - Tác phẩm tham gia triển lãm.

Bà Shireen luôn chú ý tới các họa sĩ có tính tiên phong, sáng tạo, có phong cách riêng và mang cá tính mạnh mẽ. Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung nhớ lại vào thập niên 80 - sau thời kỳ đổi mới, mỹ thuật Việt Nam bùng nổ với sự phát triển của kinh tế và mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài. Một trong những Gallery đầu tiên giới thiệu các gương mặt hội họa Việt Nam thời đổi mới đó là Thavibu Gallery. Và công sức rất lớn để tạo nên sự giao lưu hội họa đó chính là bà Shirreen.

Nhà phê bình mỹ thuật, giám tuyển Shireen đã nhận ra các họa sĩ Việt Nam mang vẻ đẹp tâm hồn, nét tài hoa, sự trắc ẩn sâu kín của con người Việt Nam dần hiện rõ sau một thời gian dài bị chìm lấp bởi chiến tranh và những biến cố lịch sử. Bà đã giới thiệu các tác phẩm hội họa ở khu vực và ra quốc tế với lòng hân hoan nhiệt thành.

Lát cắt về họa sĩ Việt Nam

Shireen đã làm việc, giới thiệu, giám tuyển cho nhiều nghệ sĩ Việt Nam, nhiều trong số họ hiện rất thành danh như: Lê Quảng Hà, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Phạm An Hải, Trịnh Tuân, Đinh Quân, Đào Hải Phong...

Bà là một nhà phê bình nghệ thuật rất tinh tế. Bà hiểu tận sâu bên trong ẩn ức của các họa sĩ, như Lê Quảng Hà, bà cho rằng: “Nghệ thuật của họa sĩ Lê Quảng Hà đã thị hiện trong một diễn ngôn tinh tế hòa trộn giữa thực tế của các giá trị truyền thống và hiện đại trong đời”.

Nguyễn Thị Châu Giang-nside of Us A-80x120cm- Lụa
Nguyễn Thị Châu Giang-nside of Us A-80x120cm- Lụa - Tác phẩm tham gia triển lãm.

Bà cũng nhận định: “Lương Xuân Đoàn là một nghệ sĩ, người viết phê bình và là một triết gia. Mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật của ông và các hình thức thể hiện, phản ánh mối quan tâm về học thuật và câu chuyện lịch sử được ông ghi lại bằng thủ pháp hội họa hiện đại nhưng vẫn đậm nét truyền thống”.

Bà rất khâm phục những sáng tác của họa sĩ Nguyễn Trung, một họa sĩ Việt Nam kỳ cựu không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Các tông màu cam chịu sự giản lược của cấu trúc hình học dạng lưới. Những bức tranh của ông đã đạt được mức giá đáng kể tại các sàn đấu giá nghệ thuật quốc tế.

Tuyển tập các bài viết của bà Shireen về họa sĩ Việt Nam cũng như một số bài nghiên cứu của bà về mỹ thuật Việt Nam đã được tập hợp, dịch sang tiếng Việt và in thành sách. Qua cuốn vựng tập này, nền nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới được tái hiện một cách thú vị qua các tác giả mà bà đề cập.

Có thể nói, từng lát cắt của cuộc đời Shireen chính là một phần của lịch sử mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới với sự phát triển của các tài năng văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại.

TUỆ LAM