Loay hoay bài toán du lịch đêm
Được xem là yếu tố quan trọng giúp giữ chân du khách lưu lại dài ngày, tuy nhiên nhiều năm qua hoạt động kinh tế đêm Quảng Nam vẫn chưa thể định hình rõ nét.
Lấn cấn…
Đầu tháng 8/2024, Công ty TNHH MTV Nhà hàng Cồn Nhàn xứ (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) bày tỏ ý định tổ chức các sự kiện âm nhạc, giải trí về đêm phục vụ khách du lịch.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ sắp xếp một không gian kín đáo cách xa khu dân cư trình diễn chương trình âm nhạc DJ và các hoạt động giải trí khác, khách vô cửa miễn phí, đơn vị chỉ bán nước và thức ăn theo yêu cầu.
“Nhiều đối tác nước ngoài đề nghị tôi nên tổ chức hoạt động gì đó về đêm cho khách có chỗ vui chơi, giải trí khi lưu lại Hội An, nhưng khi làm việc với Phòng VH-TT TP.Hội An để hỏi thủ tục xin phép thì được trả lời là thành phố không khuyến khích các hoạt động dịch vụ về đêm ở Cẩm Thanh vì sợ ồn ào ảnh hưởng cuộc sống người dân, dù rất tiếc nhưng tôi không làm nữa”, đại diện nhà hàng Cồn Nhàn nói.
Lâu nay, Hội An vẫn có một số hoạt động về đêm như tuyến phố ẩm thực, chợ đêm Nguyễn Hoàng, Đảo Ký ức Hội An hay Vinperl Nam Hội An… dù vậy thời gian tổ chức chủ yếu trong phạm vi hẹp và kết thúc trước 12 giờ khuya.
Thậm chí, dọc tuyến đường ven biển qua Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên vẫn chưa có điểm vui chơi giải trí về đêm đúng nghĩa. Dù khu vực này tập trung các khu du lịch lớn và nằm xa khu dân cư, thuận tiện để phát triển các sản phẩm du lịch đêm.
Từ khoảng 10 năm trước, khu phố chợ đêm Điện Dương (Điện Bàn) được đầu tư xây dựng nhằm hình thành địa điểm mua bán các sản vật địa phương dựa trên lợi thế trung điểm giữa TP.Hội An và TP.Đà Nẵng, mang tới kỳ vọng thúc đẩy du lịch đêm không chỉ Điện Bàn mà kể cả lượng khách từ Hội An ra.
Tuy nhiên, do vướng những quy định, thủ tục pháp lý, đặc biệt chưa có quy định pháp luật rõ ràng về loại hình chợ đêm khiến mục tiêu trên vẫn chưa thành hiện thực.
Thiếu chính sách và quy hoạch
Ngày 27/7/2020, Chính phủ ban hành Quyết định 1129 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam nhằm tận dụng tối đa thời gian, cơ hội, đa dạng các hoạt động kinh tế, giúp nâng cao thu nhập và đời sống người dân, phục vụ nhu cầu vật chất, tinh thần của người nước ngoài, nhất là du khách quốc tế.
Trong số các thành phố, trung tâm du lịch lớn Việt Nam như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… TP.Hội An cũng được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.
Sau khi Chính phủ có đề án phát triển kinh tế đêm và giao về các địa phương, UBND tỉnh cũng đã giao các sở ngành liên quan xây dựng phương án triển khai thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng.
Ông Lê Ngọc Thuận – chủ nhà hàng Deckhouse (Hội An) nhìn nhận, mặc dù chợ đêm đóng vai trò quan trọng để giữ khách lưu lại nhiều hơn, nhưng “nút thắt” hiện nay vẫn là cơ chế chính sách.
Năm 2020, lần đầu tiên ông Lê Ngọc Thuận đứng ra tổ chức Lễ hội ẩm thực và âm nhạc An Bàng nhằm tạo sân chơi cho du khách và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Sau 1 năm nghỉ dịch COVID-19, từ năm 2022 đến nay, lễ diễn ra đều đặn mỗi năm 1 lần.
Ông Lê Ngọc Thuận chia sẻ, bình quân mỗi sự kiện đơn vị bỏ ra 200 – 300 triệu đồng, thành phố hỗ trợ không nhiều, thậm chí có năm không hỗ trợ gì.
“Thật ra tôi làm vì đam mê và tạo sân chơi cho du khách và cộng đồng cùng vào kinh doanh buôn bán chứ nói về lợi nhuận thì không hiệu quả, chưa kể mỗi năm mình làm một lần thì không giải quyết điều gì.
Tôi nghĩ thành phố hoặc tỉnh phải có cơ chế chính sách, đặc biệt phải quy hoạch không gian địa điểm chuyên biệt như dọc sông Cổ Cò chẳng hạn để doanh nghiệp thuê tổ chức thường xuyên” – ông Thuận đề xuất.
Phát triển kinh tế đêm còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tập tính, văn hóa cộng đồng địa phương, tình hình an ninh, xã hội… và cần phải có phải có giải pháp phù hợp, dung hòa.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL, thời gian qua tỉnh cũng đã giao TP.Hội An nghiên cứu xây dựng thí điểm đề án phát triển các dịch vụ về đêm phục vụ du lịch như ẩm thực, lễ hội, âm nhạc… nhằm mang đến nhiều trải nghiệm, giữ chân khách ở lại Quảng Nam lâu hơn, chi tiêu, mua sắm nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Hồng thừa nhận, hiện tỉnh mới chỉ quy hoạch riêng lẻ sản phẩm dịch vụ về đêm ở Hội An và các vùng ven biển, chưa có quy hoạch riêng biệt cho sản phẩm dịch vụ về đêm trên địa bàn.
“Sắp tới, việc quy hoạch sẽ theo các hướng hoạt động tổng hợp như ẩm thực đêm, âm nhạc đêm, các dịch vụ vui chơi giải trí đêm để thu hút du khách. Trước mắt, tập trung vùng Hội An và các vệ tinh xung quanh ven biển (Thăng Bình, Duy Xuyên trở ra lấy Hội An làm trung tâm) từ đó lan tỏa nhân rộng ra các địa phương khác” – ông Hồng thông tin.