Thế giới

Nhật Bản gia tăng trồng lúa chịu nhiệt

KIM OANH 08/09/2024 16:25

(QNO) - Khi năng suất và chất lượng lúa gạo giảm sút do nắng nóng khốc liệt của những mùa hè gần đây, ngành nông nghiệp Nhật Bản dần chuyển sang trồng các giống lúa chịu nhiệt.

nb.jpg
Ông Hideki Taniyoshi - người đứng đầu Bộ phận quy hoạch nông nghiệp tại JA Alps khảo sát cánh đồng trồng giống lúa chịu nhiệt Fufufu tại tỉnh Toyama vào tháng 7/2024. Ảnh: Asahi

Các quan chức tỉnh Niigata cho biết, giống lúa chịu nhiệt Shinnosuke do chính quyền tỉnh phát triển được trồng trên 5.300 héc ta trong năm nay, tăng 20% so với năm trước.

Dù cần nhiều thời gian và công sức hơn để chăm sóc nhưng 94,7% lúa Shinnosuke thu hoạch được xếp hạng chất lượng loại một khi mùa hè năm ngoái cực kỳ nóng.

Bởi vậy, chính quyền Niigata khuyến khích nông dân chuyển sang canh tác giống lúa Shinnosuke và chú ý tưới tiêu, bón phân đầy đủ.

Tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) đưa tin, năm 2023, chỉ có 5% gạo giống Koshihikari (giống lúa chính hiện gieo trồng phổ biến ở Niigata) thu hoạch ở tỉnh Niigata đạt chất lượng loại một, gây chấn động trong ngành nông nghiệp vì tỷ lệ này thường vào khoảng 80%.

Trong khi đó, giống lúa chịu nhiệt Niji-no-kirameki do Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm quốc gia Nhật Bản phát triển gieo trồng trên diện tích khoảng 7.500 héc ta trong năm nay, tăng 1,5 lần so với năm 2023.

JA Alps - Hiệp hội Hợp tác xã nông nghiệp có trụ sở tại tỉnh Toyama thông báo tăng diện tích canh tác giống lúa chịu nhiệt Fufufu lên 25% so với năm ngoái, đạt 450 héc ta. Fufufu hiện chiếm hơn 10% diện tích đồng lúa tại khu vực của JA Alps.

Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản (MAFF) thống kê, các giống lúa chịu nhiệt chiếm 14,7% tổng sản lượng lúa gieo trồng ở Nhật Bản vào năm 2023 trong khi con số năm 2019 chỉ là 9,9%.

japan-agritrading.jpg
Thu hoạch lúa ở Nhật Bản. Ảnh: Japan-agritrading

Để ứng phó với thời tiết cực đoan, MAFF dành 270 triệu yên (1,75 triệu USD) trong ngân sách bổ sung năm tài chính 2023 để thử nghiệm kỹ thuật canh tác chịu nhiệt cho lúa, rau và các loại cây trồng khác bên cạnh 31 tỷ yên cho máy bay không người lái phun phân bón, máy tạo sương trong nhà kính...

Cạnh đó, MAFF kêu gọi nông dân thực hiện các biện pháp nhằm tránh và giảm thiểu thiệt hại do sóng nhiệt gồm bón phân kịp thời, đảm bảo tưới nước đầy đủ và tránh chậm trễ trong việc thu hoạch hoa màu.

Bên cạnh tổng diện tích đất trồng lúa ở Nhật Bản đang ngày càng giảm, thời tiết cực đoan, nhu cầu nội địa cao hơn - một phần là do lượng khách du lịch đến kỷ lục trong năm nay, tình trạng người dân tích trữ gạo quá mức đã khiến các kệ gạo tại nhiều siêu thị, cửa hàng ở Nhật Bản luôn trong tình trạng trống trơn, giá gạo tăng mạnh đến 30%, một số siêu thị áp dụng hạn ngạch về số lượng gạo khách hàng có thể mua.

MAFF khẳng định tình trạng thiếu gạo tại Nhật Bản sẽ giảm bớt vào tháng 9 này khi vụ lúa mới bước vào thời kỳ thu hoạch và tình trạng trên sẽ chấm dứt vào tháng 10 và tháng 11 tới.

Tại Nhật Bản, gạo là một trong số ít mặt hàng chủ lực do nông dân sản xuất và cung cấp với tỷ lệ tự cung tự cấp gần 100%.

KIM OANH