Diện mạo của dịch vụ công
Dịch vụ công là những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội và người dân; diện mạo của các loại hình dịch vụ này một phần phản ánh hình ảnh, trình độ phát triển của địa phương.
Sau một thời gian đưa vào hoạt động trở lại, tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng - Hội An đã gây ấn tượng bằng diện mạo mới với phương tiện hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp.
Cũng gây ấn tượng, nhưng tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng trước đây được nhiều hành khách nhắc đến với những hình ảnh không mấy thân thiện như phóng nhanh vượt ẩu, tài xế và phục vụ xe thường căng thẳng với người tham gia giao thông, xe quá cũ... Đây là một trong những nguyên nhân khiến tuyến này ế ẩm khách, phải tạm ngưng hoạt động.
Dù có thể không muốn nhưng các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh vẫn được xem là dịch vụ công và vẫn gánh vác sứ mệnh giữ gìn hình ảnh, thương hiệu của địa phương.
Bởi, diện mạo của phương tiện vận tải công cộng, một phần cho thấy hành trình văn minh của một đô thị, hay thậm chí được nhìn với góc độ bản sắc văn hóa.
Câu chuyện về tuyến tàu điện ở Hokkaido (Nhật Bản) cố ý kéo dài thời gian hoạt động để phục vụ hành khách duy nhất là nữ sinh trung học cho đến khi cô bé này tốt nghiệp được nhiều người nhắc đến, bởi đó không chỉ là biểu tượng văn minh của một loại hình dịch vụ công mà cho thấy tinh thần của người Nhật.
Dịch vụ công được hiểu là những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội và người dân; vì lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội; do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân thực hiện.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh, nhiều loại dịch vụ công, nhất là các dịch vụ công thiết yếu như khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo có sự cạnh tranh gay gắt giữa khu vực tư nhân và nhà nước.
Chẳng hạn ở lĩnh vực khám chữa bệnh, người dân thường “ghi điểm” cho bệnh viện tư bởi phòng ốc sạch sẽ mát mẻ hơn, cung cách phục vụ dễ chịu hơn; còn bệnh viện công thì được ghi nhận có thể đảm đương các ca bệnh khó do đội ngũ y bác sĩ hùng hậu và có kinh nghiệm.
Bệnh viện công thêm một lợi thế nữa là được tham gia các dự án phi chính phủ, chương trình đầu tư theo diện liên kết giữa các nước nên thường có được các quỹ hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân...
Dù vậy, để được “sạch sẽ mát mẻ hơn”, nhiều bệnh nhân vẫn chọn bệnh viện tư dù giá dịch vụ đắt đỏ; trong khi đó bệnh viện công thì đôi lúc phải “ấm ức” vì bị đẩy sang những ca bệnh khó.
Trong cuộc cạnh tranh thu hút khách, phần chiếm ưu thế có lẽ đã nghiên về bệnh viện tư, nhất là trong bối cảnh công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế vẫn chưa được suôn sẻ đối với bệnh viện công lập.
Trong khi chi phí điều trị của bệnh viện công rẻ hơn là một thế mạnh để cạnh tranh, nhưng dường như thế mạnh này vẫn chưa tạo được sức hút lớn đối với bệnh nhân bởi thực trạng “rẻ mà không ngon”.
Không ít người bệnh phản ánh điều kiện vật chất của nhiều cơ sở y tế công lập hiện vẫn chưa đảm bảo, nhất là phòng, giường điều trị bệnh cũ kỹ, hệ thống điều hòa nhiệt độ, công trình vệ sinh... chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, thái độ phục vụ người bệnh trong nhiều cơ sở y tế công lập được phản ánh vẫn còn “chểnh mảng”.
Cũng giống như việc đầu tư, vận hành công trình vệ sinh trong trường học công lập lâu nay, vẫn được chăng hay chớ khiến nhiều học sinh phải “nhịn”.
Đây là thực trạng chung khiến nhiều loại dịch vụ công do Nhà nước quản lý mất điểm so với tư nhân. Thậm chí đó còn là câu chuyện nan giải, cụ thể hóa cái tâm lý “cha chung không ai khóc” chưa thể xóa bỏ.
Diện mạo của dịch vụ công, theo các chuyên gia, đó là cách phản ánh dễ thấy nhất về tình hình phát triển xã hội. Để có một diện mạo khởi sắc, ngoài chú trọng đầu tư thì việc quản lý, tạo môi trường lành mạnh để gia tăng sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ là rất quan trọng.
Sự cạnh tranh đó phải đem lại nhiều lợi ích thiết thực “ngon, bổ, rẻ” cho người dân chứ không phải đơn thuần chỉ là có thêm một vế nữa để cho khách hàng lựa chọn theo kiểu “được cái này thì mất cái kia”.