Làm giàu từ mô hình kinh tế vườn
Mưa rừng vừa ngớt, Bh’nướch Thị Blắc - cô gái Cơ Tu ở thôn R’cung (xã Bha Lêê, Tây Giang) vội vã ngược núi mang thức ăn cho đàn gà được chăn nuôi trên đất rẫy. Nhiều năm qua, mảnh vườn rộng hơn 5ha của vợ chồng chị Blắc trở thành nơi gieo mầm cho hành trình phát triển kinh tế của gia đình.
Chị Bh’nướch Thị Blắc chia sẻ, hồi mới lập gia đình vào năm 2004, do điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị chỉ nuôi vài con heo đen để làm vốn.
Sau thời gian xoay vòng, chị dần dà mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời thu mua sản vật của người dân địa phương để mở hướng phát triển làm ăn giúp cuộc sống ngày càng khấm khá.
Từ vốn liếng dành dụm được, vài năm gần đây, vợ chồng chị Blắc quyết định mở trang trại chăn nuôi gà trên đất rẫy. Từ vài chục con ban đầu, đến nay đàn gà đã hơn 2.000 con, trở thành điểm cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện.
“Gà thả vườn nên chất lượng thịt thơm ngon, rất nhiều người dân ở khu vực huyện Tây Giang, Đông Giang, thậm chí là ở TP.Đà Nẵng đến tận nơi đặt mua. Mỗi năm, tôi xuất bán 3 - 4 lứa, mỗi lứa 300 - 500 con gà lấy thịt, đem về thu nhập đáng kể cho gia đình” - chị Blắc chia sẻ.
Từ nguồn thu của mô hình chăn nuôi gà thả vườn, chị Blắc tiếp tục đầu tư vào trồng cây ăn quả. Hiện gia đình chị sở hữu hơn 1,6ha cây ăn quả gồm cam, quýt, bưởi... cùng hơn 3ha quế đang quá trình sinh trưởng tốt, mở ra cơ hội làm giàu bằng mô hình kết hợp chăn nuôi - trang trại.
Ngoài ra, từ nguồn vốn tích lũy của gia đình, năm ngoái, vợ chồng chị Blắc đầu tư xe cơ giới để vận tải, san ủi đất vườn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của người dân địa phương.
Chị Blắc cho biết, từ các mô hình kinh tế trang trại kết hợp chăn nuôi tập trung này, mỗi năm gia đình chị thu về hơn 500 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, quán tạp hóa của gia đình chị Blắc cũng trở thành địa điểm lui tới của người địa phương, cùng học tập kinh nghiệm làm ăn bằng các mô hình sản xuất mới.
“Tất cả mọi người đến đây, tôi đều sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm về mô hình, kỹ thuật cũng như cách chăm sóc cây trồng, con vật nuôi. Hy vọng, những chia sẻ của tôi sẽ giúp nhiều người có thêm phương pháp làm ăn, phát triển kinh tế” - chị Blắc nói.
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, ngoài Bh’nướch Thị Blắc, ở địa phương hiện có nhiều hộ đồng bào Cơ Tu “bắt nhịp” làm ăn bằng các mô hình kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi tập trung.
Trong đó, ưu tiên phát triển cây đặc sản bản địa, khuyến khích xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững.