Kinh tế

Quảng Nam tập trung nhiệm vụ trọng tâm hoàn thành kế hoạch năm

THÀNH CÔNG 10/09/2024 08:03

Đôn đốc giải ngân và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh là hai trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng lưu ý tại phiên họp thường kỳ đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm vừa qua.

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Núi Thành báo cáo tiến độ, tình hình triển khai các dự án tại hiện trường. Ảnh: T.CÔNG
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng dẫn đầu tổ công tác của tỉnh kiểm tra tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Núi Thành. Ảnh: T.CÔNG

Áp lực giải ngân

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 8 tháng năm 2024 có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm 2023.

Các ngành dịch vụ tăng khá, khách quốc tế tăng cao, hoạt động xuất nhập khẩu nỗ lực phục hồi, sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn hiện hữu khi sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực nhưng còn chậm; doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới đều giảm về số lượng và số vốn đăng ký, số DN rút lui khỏi thị trường vẫn đang ở mức cao. Đặc biệt, kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Đại diện Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay, áp lực giải ngân cho các tháng còn lại rất lớn. Quảng Nam sắp bước vào mùa mưa, sẽ có thêm nhiều khó khăn cho các ngành, địa phương, đặc biệt là giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Với trách nhiệm được giao, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã nỗ lực phối hợp với ngành tài chính, kế hoạch đầu tư và các đơn vị, địa phương để thực hiện các giải pháp, tính toán điều chuyển vốn nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Đặc biệt, một số nguồn vốn chương trình mục tiêu thực hiện Nghị quyết 104, 108 kéo dài từ 2021 đến nay khó có thể kéo thêm được.

Trong tháng 8, UBND tỉnh đã thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm.

Khó khăn về đất đắp khiến tiến độ thi công chậm, ảnh hưởng đển giải ngân một số dự án. Ảnh: T.C
Nhiều địa phương vẫn đang gặp khó trong giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: T.C

Công tác rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 cũng được kiên quyết thực hiện đối với các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng vẫn bày tỏ nhiều quan ngại về tiến độ giải ngân vốn đầu tư hiện nay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, giai đoạn đầu gặp bất cập, vướng mắc, chồng chéo, tuy nhiên đã có những hướng tháo gỡ sau khi Nghị định 111 được ban hành.

“Cứ nói vướng mãi là không thuyết phục. Có những nguyên nhân cần rút kinh nghiệm, mà cụ thể là việc phân bổ vốn ngay từ đầu đã có những chỗ không hợp lý, không xuất phát từ thực tiễn.

Một số sở ngành, khi phân bổ vốn rồi không chịu làm, gần 2/3 thời gian đề nghị trả lại. Đã phân bổ vốn xong mà không làm thì phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật” - ông Lê Văn Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Quang Thử, tính đến ngày 31/8, toàn tỉnh chỉ giải ngân hơn 3.226 tỷ đồng, đạt 36,3%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn bình quân cả nước (37,01%). Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 giải ngân hơn 2.489,8 tỷ đồng, đạt 35,3% và kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 736,7 tỷ đồng, đạt 40,3%.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN

Không chỉ khó khăn ở giải ngân đầu tư công, tình hình hoạt động của DN cũng chưa thể phục hồi hoàn toàn trở lại. Số DN thành lập mới hiện giảm về số lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 762 DN đăng ký thành lập mới, giảm 8,1% với số vốn đăng ký 4,1 nghìn tỷ đồng (giảm 5,5%).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: T.C
Sắp đến, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại, gặp gỡ với từng ngành để tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh việc thực thi công vụ. Ảnh: T.C

Tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường là 1.137 (giảm 1,7%). Trong khi đó, tổng số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 1.220 (tăng 12,4%).

Đại diện Sở KH-ĐT thông tin, Quảng Nam đã và đang tăng cường quản lý và đẩy mạnh hỗ trợ các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung nhiệm vụ thu hút đầu tư; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề về đất đai, địa điểm, giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư, đặc biệt là những dự án có quy mô lớn, sản phẩm công nghệ cao, thu hút nhiều lao động, có khả năng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhận định, dấu hiệu phục hồi của kinh tế dù đạt nhiều kết quả song còn chậm. Nhiều DN lâm vào khó khăn, giải phóng mặt bằng các dự án và giải ngân vốn đầu tư còn quá chậm.

“Thời gian còn lại, các sở, ngành và địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường đầu tư thật tốt. Song song với đó, cần triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án 06, quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu ngành để đảm bảo các nhiệm vụ chiến lược thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

49b49f0decdb4e8517ca.jpg
Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó so với trước đây. Ảnh minh họa.

Khẳng định sắp đến lãnh đạo UBND tỉnh sẽ gặp gỡ, đối thoại với từng ngành, mà trước mắt là ngành giáo dục và TN-MT để tháo gỡ khó khăn, chấn chỉnh những tồn tại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho hay lãnh đạo tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý quyết liệt đối với các sở, ngành, địa phương chậm trễ trong thực hiện các tiến độ nhiệm vụ đề ra.

Thời gian còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu tập trung đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở nhà đầu tư không đúng quy định.

Các tổ công tác tích cực đôn đốc, kiểm tra chỉ đạo, sở ngành vào cuộc cùng UBND tỉnh và các địa phương trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

“Các địa phương tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm, giải quyết nhiệm vụ an sinh xã hội, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số. Toàn tỉnh thực hiện hiệu quả, nghiêm túc công tác luân chuyển, điều động cán bộ, đảm bảo tính hiệu quả trong bộ máy quản lý nhà nước…” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chỉ đạo.

THÀNH CÔNG