Nông nghiệp Quảng Nam nỗ lực chuyển đổi số
Công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam được thúc đẩy trong thời gian qua đã mang lại những kết quả nổi bật. Năm 2023, Sở NN&PTNT xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số.
Lan tỏa sản phẩm
Theo Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CĐS.
CĐS trong (NN&PTNT) là yêu cầu tất yếu khách quan, là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.
Trong đó, CĐS là một trong những xu thế tất yếu hiện nay để đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của Quảng Nam tiến xa hơn nữa trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Huỳnh Văn Trưởng - Giám đốc HTX Xanh (huyện Phú Ninh) cho biết, HTX Xanh hiện có các sản phẩm mật ong dú Kỳ Tân, mật ong dú ngâm sâm Ngọc Linh và rượu sâm, trong đó mật ong dú Kỳ Tân đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Thời gian qua, HTX Xanh ứng dụng CĐS trong bán hàng giúp phát triển kênh bán hàng, mở rộng tệp khách hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thông qua việc quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), giới thiệu trực tuyến trên các trang mạng xã hội, các sự kiện tại hội chợ…
“Việc đẩy mạnh CĐS, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp các hộ gia đình và HTX khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn, có giá trị cao…” - ông Trưởng chia sẻ.
Hội Nông dân TP.Tam Kỳ cho biết, đến nay toàn thành phố có 26 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm 4 sao và 17 sản phẩm 3 sao) và 25 sản phẩm công nghiệp - nông thôn tiêu biểu cấp thành phố, cấp tỉnh.
Thời gian qua, hội đã vận động các chủ thể, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia các hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm, nổi bật là việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.
Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác về việc “Hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022 - 2025” giữa Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh, đến nay 2 ngành đã phối hợp rà soát, đưa 3.307 hộ sản xuất nông nghiệp, có 167 sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn., Buudien.vn.
“Nhiều chủ thể khởi nghiệp, chủ thể OCOP đã mạnh dạn mua bán trên các sàn TMĐT; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử, sử dụng mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc... được ứng dụng ngày càng nhiều” - ông Út nói.
Bên cạnh mở nhiều lớp trang bị kỹ năng, kiến thức về CĐS trong nông nghiệp - nông dân - nông thôn, hội nông dân các cấp đã hướng dẫn hơn 30 nghìn người cài đặt, kích hoạt sử dụng ứng dụng số “Nông dân Việt Nam”...
Nâng cấp hạ tầng
Công tác CĐS ngành NN&PTNT Quảng Nam được quan tâm, đầu tư trong thời gian qua. Theo đó, Sở NN&PTNT đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông CĐS; tập trung phát triển dữ liệu số ngành nông nghiệp; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; thường xuyên hướng dẫn, triển khai sử dụng các nền tảng số…
Đến nay, 100% các văn bản đi, đến của Sở NN&PTNT đều được thực hiện trên môi trường điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đều sử dụng thư điện tử công vụ @quangnam.gov.vn để phục vụ công việc chuyên môn; 100% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi quản lý của sở đã được triển khai và cấu hình đầy đủ dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình, một phần. DVC trực tuyến cấp tỉnh có phát sinh hồ sơ 70/103 DVC; có 5.078/5.100 hồ sơ phát sinh trực tuyến (tỷ lệ 99,5%)…
Các hồ sơ TTHC của Sở NN&PNNT được tiếp nhận từ năm 2022 đến nay đã số hóa từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả có ký số đầy đủ. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến có phát sinh phí, lệ phí được thanh toán bằng hình thức trực tuyến đạt 74,2%.
Ông Phạm Đình Thành - Trưởng phòng Nghiệp vụ - tổng hợp Sở NN&PTNT cho biết, nhờ những nỗ lực công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành nên xếp hạng mức độ CĐS của Sở NN&PTNT được cải thiện, tăng dần qua các năm.
Nếu như năm 2022, Sở NN&PTNT được xếp hạng mức độ chuyển đổi số vị trí số 11 trong các sở, ban, ngành, với chỉ số DTI đạt 93.2%, thì năm 2023, sở được xếp hạng vị trí số 1 với chỉ số DTI đạt 95,26%.
Theo ông Thành, triển khai Đề án nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị CNTT phục vụ CĐS trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT được phân bổ hơn 7 tỷ đồng; đến nay sở đang hoàn chỉnh đề cương, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư làm cơ sở trình UBND tỉnh, Sở Tài chính bố trí kinh phí để triển khai thực hiện.
Thời gian đến, Sở NN&PTNT Quảng Nam tập trung xây dựng và phát triển nền tảng phục vụ CĐS nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gắn mã số vùng trồng; thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận VietGAP (tương đương), hữu cơ… tại vùng nguyên liệu; thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất nhằm hình thành chuỗi giá trị nông sản gắn kết với vùng nguyên liệu.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ số trong sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến; xây dựng nhật ký điện tử (số hóa dữ liệu vùng trồng, quy trình sản xuất…).
Tại buổi làm việc mới đây với Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị sở sáng tạo, học hỏi những mô hình, cách làm hiệu quả từ các địa phương để ứng dụng, triển khai CĐS hiệu quả ngành NN&PTNT Quảng Nam.
Xác định nông dân, doanh nghiệp, HTX, cộng đồng nông thôn là chủ thể, trung tâm để thực hiện CĐS trong sản xuất NN&PTNT. Thực hiện CĐS nông nghiệp phải làm sao cho người dân, doanh nghiệp sử dụng thuận lợi, góp phần phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập...