Khoa học - Công nghệ

‏Đại học Đà Nẵng tiên phong phát triển ngành chip bán dẫn ‏

NGUYỄN THANH BÌNH 10/09/2024 13:05

Thời gian qua, Đại học Đà Nẵng đã tiên phong đào tạo, nghiên cứu về chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thực hiện mục tiêu cung ứng 3.000 - 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn cho TP.Đà Nẵng từ nay đến năm 2030.

khởi động chuong trình đào tạo VMBD tại TP.đà nẵng
Đại học Đà Nẵng đồng hành với UBND TP.Đà Nẵng khởi động Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại thành phố. Ảnh N.T.B

“Mở đường” vi mạch bán dẫn

Thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 136 ngày 26/6/2024 về việc tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.

Trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn. Mục tiêu nhằm “trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”.

Đây là cơ hội đồng thời đặt ra thách thức không những đối với thành phố để tận dụng thời cơ, tạo đột phá mạnh mẽ mà còn đối với các trường đại học.

ĐHBK tiên phong mở lớp VMBD
Trường Đại học Bách khoa (ĐHĐN) tiên phong mở khóa đào tạo "Thiết kế vi mạch bán dẫn cơ bản" tại TP.Đà Nẵng. Ảnh N.T.B

Trong đó, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) với nhiệm vụ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực AI, chip vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây nguyên.

PGS-TS.Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN cho biết, ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, nhà trường đã đăng cai sự kiện thành lập Liên minh các đại học hàng đầu cùng Bộ GD-ĐT chủ trì, khởi xướng tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu về AI và chip bán dẫn trên toàn quốc.

Đồng thời, ĐHĐN đã ký kết và triển khai hợp tác với bang Oregon (Hoa Kỳ), trong đó có Đại học Portland là đối tác có tiềm lực, thương hiệu hàng đầu về chip bán dẫn.

Mặt khác, ĐHĐN chỉ đạo 3 trường đại học thành viên có truyền thống, thế mạnh trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ của ĐHĐN (gồm Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin & truyền thông Việt - Hàn) đồng loạt mở ngành, tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn trong năm học 2024 - 2025.

Phát triển hợp tác quốc tế

Thời gian qua, ĐHĐN kết nối và phát triển hợp tác với các doanh nghiệp uy tín của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và trong nước để tận dụng kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực, trong đó có việc triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, sinh viên các ngành gần.

vku.jpg
Sinh viên học tập tại Trung tâm Nghiên cứu và thực hành vi mạch bán dẫn. Ảnh N.T.B

Đặc biệt, tranh thủ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, khai trương Trung tâm Nghiên cứu vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh (Trường Đại học Công nghệ thông tin & truyền thông Việt - Hàn), Phòng Thực hành thiết kế vi mạch (Trường Đại học Bách khoa), Phòng Thí nghiệm, thực hành vi mạch bán dẫn (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật).

PGS-TS.Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật cho biết, nhà trường đang xúc tiến, tăng cường đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn - vừa tuyển sinh đầu tiên năm học 2024 - 2025.

Nhà trường mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp uy tín trong nước và quốc tế để đem lại một môi trường học tập, nghiên cứu tốt cho sinh viên, đặc biệt với chuyên ngành vi mạch bán dẫn.

Theo PGS-TS.Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin & truyền thông Việt - Hàn, mới đây, cả 3 trường đại học thành viên của ĐHĐN đã ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tập đoàn Synopsys (Hoa Kỳ).

Theo đó, tổ chức đào tạo khóa đầu cho 25 giảng viên nguồn thiết kế vi mạch bán dẫn của TP.Đà Nẵng, tổ chức lớp nâng cao kỹ năng - Up Skill cho 14 sinh viên các ngành gần; gắn kết tam giác “3 nhà” (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) cùng hợp lực phát triển các ngành mũi nhọn này.

Mục tiêu đến năm 2030, TP.Đà Nẵng đào tạo, cung ứng 3.000 - 5.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn là khả thi. Bởi chỉ riêng Trường Đại học Công nghệ thông tin & truyền thông Việt - Hàn đã công bố tuyển sinh đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn từ năm 2024, với tổng chỉ tiêu đến năm 2028, dự kiến từ 600 - 1.000 kỹ sư.

“Đặc biệt, tuyển sinh năm 2024, chuyên ngành Kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn của trường chúng tôi có 60 chỉ tiêu, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của thí sinh và phụ huynh với hơn 1.500 hồ sơ tổng các nguyện vọng, có kết quả điểm chuẩn đầu vào là 27 điểm (thuộc tốp đầu cả nước)” - ông Pháp chia sẻ.

NGUYỄN THANH BÌNH