Trải nghiệm món ăn ở Sa huyện
(VHQN) - Sa huyện (nay là quận Sa Huyện, thuộc thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) được mệnh danh là nơi chuyên bán các món ăn nhẹ nổi tiếng của quốc gia này.
Nổi tiếng với món ngon
Sa huyện thành lập từ đời Đông Tấn, nằm ở miền trung của tỉnh Phúc Kiến. Từ Bắc Kinh tới tỉnh Phúc Kiến hơn 4.500km, chủ yếu là đường núi. Dù là huyện nghèo nhưng nơi này lại nổi danh ở khắp Trung Quốc và trên thế giới với việc sở hữu thương hiệu nổi tiếng chuyên bán các món ăn nhẹ gồm mì, bánh, các loại đồ ăn vặt...
Người Sa huyện nấu rất ngon và biết cách nấu 240 món ăn nhẹ khác nhau. Những món ăn này giá rẻ, có từ đời Tần, Hán và phát triển cực thịnh vào đời Minh, Thanh, được truyền rộng rãi cho tới nay.
Mặc dù đã từng ăn món Sa huyện tại các quán phổ biến ở nhiều vùng của Trung Quốc trên đường du ngoạn xứ này, nhưng khi xe chạy qua Sa huyện, lập tức chúng tôi dừng xe để tìm quán ăn chính tông chuyên món ăn nhẹ nổi tiếng theo truyền thống đó.
Những quán bán món ăn này có khắp dọc đường trong các thị trấn của Sa huyện, và có cả ở thành phố Tam Minh. Du khách thưởng thức đông nườm nượp.
Quán ăn của họ đơn giản, bày bán rất nhiều món ăn nhẹ. Chúng tôi cũng chỉ ăn được chừng 5-6 món là no căng. Và món nào cũng ngon, từ bánh hấp, bánh bao, bánh quang, bánh đậu phụng, mì, há cảo...
Cực kỳ hấp dẫn với du khách là quán ăn có biểu diễn tất cả công đoạn chế biến trước mặt khách. Vùng này cũng đông du khách qua lại vì nằm trên đoạn đường thiên lý từ Thượng Hải đi Phúc Kiến.
Mở quán khắp thế giới
Dân trong vùng Sa huyện kể: Vào cuối những năm 1980, một tổ chức tài chính có tên “Biaohui” rất nổi tiếng ở Sa huyện. Vào thời kỳ đỉnh cao, hầu hết người dân ở huyện này đều tham gia. Năm 1992, chuỗi thu hút vốn của tổ chức bị phá vỡ, và một số lượng lớn người dân ở huyện Sa trở nên nghèo khó chỉ sau một đêm và buộc phải rời bỏ nhà cửa tìm đường tránh nợ, rồi mưu sinh.
Trong số đó có vợ chồng ông Đặng Thế Kỳ, chủ một quán bán món ăn nhẹ theo hương vị truyền thống ở Sa huyện do phá sản đã lên đường tới thành phố Hạ Môn, khi đó là Đặc khu kinh tế cách huyện nhà chừng 250km. Gia đình Đặng Thế Kỳ khi đó vỡ nợ mất 130 ngàn tệ, vốn liếng vay mượn đi kiếm cơm chỉ có 9.000 tệ, nên mở quán vỉa hè.
Châm ngôn của ông Kỳ khi đó là “Một nhân dân tệ đủ mua cơm, hai nhân dân tệ đủ ăn no, 5 nhân dân tệ được thưởng thức món ngon”. Quán bình dân nên người lao động vào ăn rất đông. Đắt khách, ông bèn mở nhiều quầy hàng hơn trong khắp thành phố Hạ Môn đang sôi sục không khí làm ăn thời mở cửa.
Bà con trong huyện đang vỡ hụi hết tiền, thấy vậy bèn học theo vợ chồng ông Kỳ và đi ra các thành phố lớn mở cửa hàng.
Từ đây, lãnh đạo Sa huyện bàn bạc với dân địa phương mở Hiệp hội món ăn nhẹ Sa huyện tại quê nhà và mở trung tâm kinh doanh. Đại thể trung tâm này không thành công lắm trong huyện, nhưng lại kích thích cho bà con huyện nhà làm ăn tích cực hơn.
Kết quả tới năm 2019 thì dân huyện này mở được 88.000 quầy hàng trên toàn Trung Quốc, đi ra cả Mỹ, Nhật, Philippines, Malaysia... Doanh thu năm 2019 là 50 tỷ nhân dân tệ. Riêng ông Đặng Thế Kỳ mở 200 cửa hàng.
Hiện nay, món ăn vặt Sa huyện đã ra nước ngoài, mở quán tại 66 nước và vùng lãnh thổ. Lượng nhà hàng, quán ăn của Sa huyện nhiều hơn cả McDonald’s (hiện có 38.695 nhà hàng) và cả với KFC (khoảng 27.000 nhà hàng) trên toàn cầu và trở thành món ăn ngon mới được người dân khắp nơi trên thế giới yêu thích. Chỉ riêng làng Ngư Bang thuộc Sa huyện đã có hơn 20 ngàn người đi khắp nơi mở cửa hàng món ăn quê nhà.
Sa huyện cũng thành lập một trung tâm đào tạo và trường dạy nấu ăn cho các món ăn nhẹ của huyện, biên soạn 8 bộ tài liệu giảng dạy và đăng ký nhãn hiệu “Món ăn vặt Sa huyện”, thúc đẩy Hiệp hội Công nghiệp đồ ăn nhẹ Sa huyện hoạt động tích cực, và xây dựng các tiêu chuẩn công nghiệp cho đồ ăn nhẹ Sa huyện.
Huyện sẽ trợ cấp một số tiền cho các cửa hàng đồ ăn nhẹ đã mở thành công trên toàn quốc. Người Sa huyện thậm chí còn chọn ngày 8/12 hàng năm là “Lễ hội văn hóa du lịch ăn vặt Sa huyện trên toàn quốc”.
Từ những cố gắng này, các cửa hàng bán đồ ăn nhẹ Sa huyện hiện rất đẹp đẽ, sạch sẽ, tuân thủ mọi quy chuẩn an toàn thực phẩm của địa phương và buôn bán tấp nập do giá rẻ, lại ngon. Họ cũng chỉ chọn ra 39 loại thức ăn dễ bán và hợp khẩu vị đại chúng nhất trong số 240 món ăn nhẹ của huyện nhà.
Ngay tại huyện Sa đã có 1 khu công nghiệp đồ ăn nhẹ Sa huyện thu hút hàng chục doanh nghiệp quê nhà đầu tư và kinh doanh rất thịnh vượng. Hiện huyện Sa đang tích cực mở ra mô hình nhượng quyền kinh doanh đồ ăn nhẹ của quê nhà đi khắp nơi, trước mắt sẽ mở thêm 2.000 cửa hàng theo cách này.
Kiểu làm ăn bằng nghề truyền thống của một huyện miền núi nghèo thuộc thành phố miền núi Tam Minh rất thú vị và đáng để suy ngẫm...