Đại Lộc cần tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản
(QNO) - Chiều 10/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam do ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn đầu có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản giai đoạn 2017 - 2023 tại huyện Đại Lộc.
Theo UBND huyện Đại Lộc, công tác quản lý nhà nước, bảo vệ tài nguyên chưa khai thác; kiểm tra, giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; giải quyết thủ tục hành chính,… của cơ quan, ban ngành và địa phương trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Hầu hết doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực khoáng sản chấp hành tốt các quy định của pháp luật đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ tài chính và tham gia công tác xã hội tại địa phương.
Tất cả đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác đều được triển khai cắm mốc ranh giới, bàn giao đất ngoài thực địa. Việc tổ chức khai thác khoáng sản thực hiện đúng theo trữ lượng khai thác hằng năm đã cấp phép.
Sau khi kết thúc thời hạn khai thác trong giấy phép, các đơn vị hoặc chủ đầu tư thực hiện các biện pháp dừng khai thác, san gạt, hoàn thổ và tiến hành thủ tục lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định.
Đa số chủ đầu tư tạo điều kiện, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Sử dụng nguồn lực cung ứng tại chỗ và kết nối với các hoạt động thương mại - dịch vụ góp phần tăng thu nhập cá nhân, hộ gia đình và doanh thu của ngành dịch vụ.
Các đơn vị, chủ đầu tư có dự án mỏ chú trọng hỗ trợ các hoạt động lễ hội, sinh hoạt cộng đồng khu dân cư. Trực tiếp tham gia duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Hỗ trợ xây dựng các hạng mục công trình công cộng, xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách...
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Hệ thống luật, văn bản pháp quy còn thiếu, chậm ban hành và chồng chéo. Đội ngũ cán bộ biến động liên tục, ít được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành có lúc chưa chặt chẽ.
Một số địa phương chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ và vai trò, trách nhiệm theo phân cấp. Một bộ phận doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật, để xảy ra sai phạm liên quan đến hồ sơ pháp lý, nhất là trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Chính quyền huyện Đại Lộc kiến nghị cần ban hành nhanh, kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành trên cơ sở tích hợp đồng bộ các nghị định, thông tư hướng dẫn các luật khác có liên quan. Nội dung hướng dẫn cần chi tiết, cụ thể, hạn chế tối đa việc chỉnh sửa, bổ sung nghị định, thông tư vừa mới ban hành để thuận lợi cho cấp cơ sở tổ chức thực hiện.
Bộ TN&MT xem xét ban hành văn bản hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về công cụ thiết bị, công nghệ, quy chuẩn, số lượng đối với hệ thống trạm cân, camera giám sát hoạt động khai thác mỏ cũng như số lượng hệ thống này đối với từng loại khoáng sản. Ngoài ra, quy định chế tài cụ thể đối với trường hợp không lắp đặt hoặc hư hỏng thiết bị hệ thống trạm cân ở một số thời điểm liên tục trong tháng.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của địa phương trong thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản. Đoàn giám sát yêu cầu địa phương tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, từ chính quyền, mặt trận, đoàn thể đối với hoạt động khai thác khoáng sản; tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Quan trọng hơn là cần gia tăng hoạt động tổ chức đấu giá, cấp quyền khai thác khoáng sản vật liệu thông thường, đáp ứng nhu cầu bức thiết hiện nay trên địa bàn huyện cũng như Quảng Nam.
Địa phương tiếp tục quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản; kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm; phối hợp các ngành, các cấp giải quyết những vướng mắc, tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, tránh thất thu ngân sách.