Duy Xuyên chủ động ứng phó thiên tai
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Duy Xuyên sớm chuẩn bị phương án thích ứng hiệu quả, quyết tâm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Là địa phương nằm ở khu vực cửa biển, xã Duy Hải sớm kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Ông Trần Văn Siêm - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, trước tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp tại bờ biển thôn Trung Phường, địa phương cắm biển cảnh báo, đồng thời nhiều lần vận động song vẫn còn 14 hộ, 57 nhân khẩu bám trụ.
“Một vấn đề rất đáng lo là toàn xã hiện có gần 500 nhà dân nằm trong vùng dự án Nam Hội An đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể sửa chữa, di dời đến nơi ở mới” - ông Siêm nói.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, huyện Duy Xuyên thông tin rộng rãi đến các ngành, địa phương và nhân dân về tình hình bão lũ.
Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, khi xuất hiện lũ lụt, đặc biệt đối với lũ dự báo xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3, huyện bố trí lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ và tổ chức sơ tán nhân dân ở những vùng ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, vùng trũng thấp đến nơi an toàn.
Vận động các hộ dân cư có nhà ven núi, nhà tạm di dời đến nhà cao hơn và các công trình kiên cố để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.
Ngoài ra, tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân sơ tán và ở những khu vực bị cô lập, chia cắt do lũ lụt.
Tổ chức canh gác, lập biển báo, chốt chặn trên các tuyến giao thông ngập sâu, chảy xiết, nhất là tại các xã Duy Trinh, Duy Sơn và Duy Trung. Mặt khác, các lực lượng xung kích ở các xã, thị trấn và thôn, khối phố đảm bảo trực 24/24 giờ để thực hiện cứu nạn, cứu hộ kịp thời.
Theo ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của trung ương, tỉnh để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai năm 2024.
Đặc biệt, bám sát phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Đổi mới tư duy cách tiếp cận theo tinh thần quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó và phục hồi.
“Mục tiêu cao nhất là giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân, bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão lũ, sạt lở đất, nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời” - ông Phúc nói.