Chuyện ít biết về Lê Văn Hiến với cách mạng xứ Quảng (bài cuối)
Bài cuối: Chủ hiệu sách Việt Quảng và phong trào “đón Gô Đa”
Từ xây dựng hiệu sách Việt Quảng là đầu mối tiếp nhận tài liệu của Đảng đến phong trào đón J.Godart (Gô Đa) - Trưởng phái bộ điều tra tình hình Đông Dương của Chính phủ Pháp tại Đà Nẵng vào năm 1937 để đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tố cáo cảnh sưu cao thuế nặng... có vai trò rất lớn của đồng chí Lê Văn Hiến.
Từ chủ hiệu sách Việt Quảng…
Sang năm 1936, phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp lên mạnh, nhiều anh em tù chính trị được thực dân Pháp thả khỏi nhà tù về lại Đà Nẵng. Thời gian này, Đảng chỉ đạo các tổ chức đảng tại Quảng Nam và Đà Nẵng làm 2 nhiệm vụ.
Đó là Lê Văn Hiến và Nguyễn Sơn Trà phải tham gia Chi bộ Đảng xã hội Pháp (Sfio) tại Đà Nẵng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đấu tranh chính trị công khai sắp diễn ra.
Đồng thời để cung cấp tài liệu cho Mặt trận bình dân Pháp đấu tranh đòi cải thiện chế độ chính trị ở Đông Dương, Lê Văn Hiến phải viết tập hồi ký tố cáo chính sách đàn áp dã man của thực dân Pháp ở nhà lao Kon Tum, để gửi sang Pháp.
Về vấn đề này, ông nhớ lại như sau: “Xứ ủy giao cho tôi viết lại cuộc khủng bố và các cuộc đấu tranh của nhà lao để góp phần vào bản yêu sách đòi cải thiện chế độ chính trị cho dân và cho cả tù chính trị. Tôi viết tài liệu “Ngục Kon Tum”.
Tôi viết xong, Xứ ủy đưa ra Hà Nội, thấy tài liệu tốt liền cho xuất bản thành sách và dịch ra tiếng Pháp do Đặng Thai Mai phụ trách. Một bản gửi sang cho Đảng cộng sản Pháp, một bản sẽ đưa tận tay Gô Đa kèm theo bản dân nguyện để chuyển đến chính phủ Bình dân Pháp”.
Sau đó, tập sách được Đảng cho in và phổ biến rộng rãi trong chi bộ Đảng cả nước. Hoạt động của Lê Văn Hiến và Nguyễn Sơn Trà có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, một báo cáo của mật thám Pháp cho biết: “Số người chịu ảnh hưởng của 2 tên đó (tức Nguyễn Sơn Trà, Lê Văn Hiến) là rất đông đảo, vì trong tất cả những nhà bị lục soát, người ta bắt được nhiều tác phẩm hay trích tác phẩm của Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà như “Ngục Kon Tum”, “Giai cấp là gì?”, “Chính trị là gì?”.
Và “Hiệu sách Việt Quảng - Chính ở nơi ấy là bản doanh của Đảng Cộng sản công khai và bí mật, tạo nên những cuộc biểu tình quần chúng, tất cả những cuộc bãi công của công nhân trong những năm gần đây.
Chính hiệu sách ấy đã phân phát một số lượng rất lớn sách báo phiến loạn, đã bị chính phủ Nam triều và chính phủ Đông Dương cấm. Cũng lại do hiệu sách ấy mà ở Đà Nẵng và Quảng Nam xuất hiện rất nhiều tổ chức cộng sản phụ thuộc. Số người chịu ảnh hưởng của 2 tên đó là rất đông đảo”...
Công trình “Ngục Kon Tum” của Lê Văn Hiến vừa có thể coi là một ký sự nhà tù, vừa là một cuốn hồi ký về quãng thời gian bị đày ải từ nhà lao Vinh (Nghệ An) đến nhà lao Kon Tum của chính tác giả - một chiến sĩ cách mạng đã từng là nạn nhân của chế độ nhà tù vô cùng dã man của thực dân Pháp.
Ngoài phần mở đầu cuốn sách với tiêu đề “Vì sao tôi xuất bản quyển Ngục Kon Tum”, nội dung chính của cuốn sách gồm 9 phần, tập trung vào các chủ điểm sau: tố cáo những hành động vô nhân đạo của bọn quan cai trị, chúa ngục và lính tráng… đã đánh đập, bắn giết, thủ tiêu những người con ưu tú của Việt Nam; nêu lên tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ trong những nơi “địa ngục trần gian” là nhà lao, nhà tù đó.
Lê Văn Hiến có công rất lớn trong việc thành lập ra hiệu sách Việt Quảng vừa làm kinh tài cho Đảng, vừa là nơi tiếp nhận tài liệu của Đảng từ Xứ ủy Trung Kỳ để gửi đến các tỉnh Nam Trung Bộ.
Mật thám Pháp cho rằng: “Thật ra số báo bán ra ở đây (tức Việt Quảng) là rất ít so với dân chúng và những người mua báo cũng rất hạn chế nhưng chỉ một hay hai tờ báo về đến một làng thì nó được chuyền từ tay này sang tay khác và trở thành đối tượng của những cuộc bình luận giữa một số người. Những cuộc bàn cãi, do các người đầu sỏ ở địa phương lãnh đạo, thoạt qua thấy không có gì nguy hiểm nhưng những người thôn giả dễ kích động”.
Mặc dù biết Việt Quảng là nơi ăn ở, đi lại hoạt động của các đồng chí Xứ ủy Trung Kỳ như: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp, Bùi San, Nguyễn Đức Thiệu, Trần Tống…; song, do theo quy chế của “nhượng địa” nên bọn mật thám Pháp không làm gì có thể dẹp bỏ được.
Nhiều lần mật thám Pháp ập vào Việt Quảng tịch thu sách và hăm dọa Lê Văn Hiến nhưng sau đó kiểm tra không có gì đáng ngờ, không có chứng cớ là ông đang hoạt động cộng sản nên đã phải trả lại sách.
Theo mật thám Pháp thì: “Lê Văn Hiến và Nguyễn Sơn Trà, là những người đảm nhận một vai trò hàng đầu và rất khả nghi, nhất là Hiến. Hiến và Trà không chỉ hạn chế chắc chắn hoạt động của chúng ở nhượng địa Pháp tại Đà Nẵng”.
…đến phong trào “đón Gô Đa”
Đầu năm 1937, phái bộ điều tra tình hình Đông Dương của Chính phủ Pháp do Gô Đa làm trưởng phái bộ sang Việt Nam. Ngày 28/2/1937, phái bộ Gô Đa từ Huế đáp tàu lửa vào Đà Nẵng.
Nhân dịp này, Tỉnh ủy Quảng Nam phát động nhân dân trong tỉnh xuống đường “đón Gô Đa” để đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Dọc đường Quai de Courbet (nay là đường Bạch Đằng, dọc bờ tây sông Hàn), từ ga Chợ, Sở Bưu điện đến tòa Đốc lý, hàng vạn quần chúng Đà Nẵng, Hòa Vang đứng chật hai bên đường hô vang khẩu hiệu đòi chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp mở rộng quyền dân sinh, dân chủ. Một cuộc tập hợp lực lượng xuống đường có khí thế và trật tự, gồm nhiều giới, nhiều tầng lớp lao động tham gia, số lượng lên đến gần 500 người.
Sau này, ông nhớ lại: “Khi Gô Đa đến, tòa sứ Đà Nẵng, tòa sứ Hội An, cùng Ngô Đình Khôi đón từ đèo Hải Vân. Ta có Ban đón tiếp: Tôi (Lê Văn Hiến), Trịnh Quang Xuân, Phan Bôi, Sơn Trà... Tôi làm Trưởng ban và đưa kiến nghị. Tên Gô Đa thấy ta có đoàn đón tiếp chặn nó đưa kiến nghị, buộc nó phải xuống xe đi bộ, quần chúng hô vang.
Khi qua Morin Rrères, có tên Pháp nhảy vào phá cuộc biểu tình hô khẩu hiệu đả đảo Gô Đa nhưng ta hô rầm lên “Vive GoĐa, vive le Front Populaire Fracaise!” áp đảo nó. Khi xuống đến tòa sứ, bọn mật thám theo dõi những người đi đón Gô Đa nhưng ta cứ phớt lờ.
Đến tòa sứ, Gô Đa tiếp rất đàng hoàng, mời lên gác tòa sứ có tôi, Trịnh Quang Xuân, Phan Bôi... Ta nói và đưa luôn tài liệu cho nó, không có một tên công sứ nào ở đó cả... Ta đạt yêu cầu nói chuyện và đưa nguyện vọng chính thức lên chính phủ bình dân Pháp, đưa khí thế quần chúng lên. Phong trào chưa lúc nào lớn như lúc đó”.
Báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng đã tường thuật phong trào đón Gô Đa tại Đà Nẵng là: “Hàng ngàn người trực tiếp gặp Gô Đa để đưa “dân nguyện”, tố cáo nỗi cực khổ của anh em công nhân đang làm việc trong sân bay Cẩm Lệ và tình cảnh sưu cao thuế nặng mà nhân dân Hòa Vang đang phải chịu”.
Sau phong trào tiếp đón Gô Đa, Việt Quảng tiếp tục là đầu mối liên lạc, theo dõi và vận động bầu Đại biểu Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 3/1937, Viện dân biểu Trung Kỳ mở cuộc tuyển cử dân biểu khóa III. Đảng ta quyết định tham gia cuộc tuyển cử nhằm mở rộng lực lượng của Mặt trận dân chủ, thông qua những người tiến bộ nói lên tiếng nói của Mặt trận trên diễn đàn nghị viện.
Đây cũng là dịp thuận lợi để mở rộng công tác tuyên truyền đường lối, chính sách và chủ trương đấu tranh của Đảng trong nhân dân. Việt Quảng, trong cuộc vận động chính trị này, cũng là trung tâm liên lạc, hướng dẫn phong trào.