Văn hóa

Tạc gỗ Songoku

MINH KHÔI - TRỌNG KHANG 11/09/2024 13:35

(VHQN) - Trần Duy tiếp nối mạch nguồn điêu khắc gỗ từ cha mình - nghệ nhân Trần Thu. Nhưng Duy lại bắc nhịp với thế giới nghệ thuật ở một chiều kích rộng hơn.

Trần Duy và những nhận vật hoạt hình anime Nhật Bản. Ảnh: FBNV
Trần Duy và những nhận vật hoạt hình anime Nhật Bản. Ảnh: FBNV

Năm 2019, những người trẻ Gen Z truyền nhau một clip đặc biệt - một chàng trai trẻ tạc tượng Songoku bằng gỗ với những chi tiết tinh xảo như vừa từ truyện tranh Nhật Bản bước ra. Kênh Youtube: Nghệ Nhân Âu Lạc Woodart Vietnam cũng đạt được hơn 5,4 triệu lượt xem clip này chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải.

Trần Duy được biết tên từ đó. Nhân vật Songoku của Dragon Balls là hiện tượng toàn cầu với lượng fan khổng lồ. Và đó có lẽ là lý do khiến bức tượng gỗ của nhân vật này cùng hành trình tạo tác của một người rất trẻ, thu hút người xem. Điều đặc biệt nữa, những clip của Duy đều sử dụng tiếng Anh. Nó mở hướng tiếp cận đến toàn thế giới thông qua ngôn ngữ phổ biến.

Trần Duy và tour Wood Carving Class tại điểm du lịch văn hóa Âu Lạc. Ảnh: L.T.K
Trần Duy và tour Wood Carving Class tại điểm du lịch văn hóa Âu Lạc. Ảnh: L.T.K

Năm 2022, Trần Duy tới Bhutan dạy điêu khắc theo lời mời của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bhutan. Trên trang cá nhân mình, chàng trai sinh năm 1997 viết rất hồn nhiên: “Mình tới Bhutan dạy điêu khắc. Hành trang mang theo là hai mươi ký hành lý, chất đầy niềm háo hức của thời cấp 3, là được đến, sống, và trải nghiệm tại vùng rẻo cao xứ tuyết, đồi núi trập trùng (....). Các bác bên đây, đã xem qua những video điêu khắc của mình trên YouTube. Họ muốn mình tới, truyền đạt lại cho các bạn trẻ. Không chỉ là kỹ năng, kinh nghiệm, mà còn là mindset (suy nghĩ) làm những điều mới lạ. Nên là mình đồng ý cái rụp, gói ghém đồ nghề, bỏ vào tay nải, lên ngựa đi thẳng một mạch tới Thimphu, Bhutan”.

Trần Duy và những người bạn nước ngoài hào hứng với sản phẩm chạm trổ. Ảnh: L.T.K
Trần Duy và những người bạn nước ngoài hào hứng với sản phẩm chạm trổ. Ảnh: L.T.K

Trần Duy mang thiên hướng của một nghệ sĩ và cả nghệ nhân. Cuộc bắt đầu với điêu khắc gỗ của chàng trai này tự nhiên như đến lúc cần phải vậy. Khi đã đủ chín và nhận ra thiên hướng của mình, thì say mê và bắt đầu là lẽ đương nhiên.

“Khi có quyết định theo nghề nghiêm túc, mình muốn “đổi gió” qua việc làm tượng. Nhưng thay vì học từ các anh thợ trong xưởng, mình tự dạy mình - tự tưởng tượng cấu trúc 3D, tự mang miếng gỗ vào trong bếp và tự đục. Mình làm vậy là vì thấy bản thân có xu hướng “anti-school” - tức mình sẽ không tiếp thu được nếu có người dạy, nhưng khi tự tìm tòi thì mình lại làm rất nhanh. Điều này sẽ không theo đúng nguyên tắc nhưng mình sẽ cố gắng bằng mọi cách để đạt được mục tiêu và thứ mình muốn” - Duy từng chia sẻ.

Cha con nghệ nhân Trần Thu và Trần Duy. Ảnh: L.T.K
Cha con nghệ nhân Trần Thu và Trần Duy. Ảnh: L.T.K

Bây giờ, những tác phẩm điêu khắc gỗ của Duy đa dạng, ở cả dòng tranh lẫn tượng gỗ. Nét khắc của Duy tỉ mỉ, sắc sảo và có một chất riêng - không giống với nét chạm trổ đôi phần nghiêm cẩn của cha mình. Cảm xúc theo mạch gỗ, có lẽ bắt đầu cất tiếng từ ngày ấu thơ - dẫu lúc ấy, Duy thừa nhận mình rất ghét tiếng đục đẽo cưa bào.

Bây giờ, xưởng gỗ mỹ nghệ Âu Lạc trở thành điểm du lịch văn hóa Âu Lạc, nằm giữa làng quê Gò Nổi. Cũng từ Duy, một trải nghiệm học làm điêu khắc gỗ - Wood Carving Class ra đời ngay tại đây. Tiếng cười giòn tan vang lên. “Tự nhiên thấy sau lũy tre làng, tiếng Tây tiếng ta vang lên cũng vui tai quá trời quá đất…”, như lời Duy thổ lộ trên trang cá nhân.

Thông điệp mang điêu khắc Việt đến gần hơn với bạn bè thế giới, phải chăng là tiếp nối tinh thần “viết ca dao bằng gỗ” từ người cha mình?

MINH KHÔI - TRỌNG KHANG