Dân vận khéo ở Tiên Phước qua mô hình “Ngày thứ Sáu trong dân”
(QNO) - Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và học hỏi dân”, từ cuối năm 2021, Hội Nông dân huyện Tiên Phước triển khai mô hình dân vận khéo thông qua hoạt động “Ngày thứ Sáu trong dân”.
Từ cơ sở
Qua nhiều lần đi công tác cơ sở, cán bộ Hội Nông dân huyện Tiên Phước nhận thấy nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến với người dân còn chậm, do vậy nguồn hỗ trợ thì có nhưng người dân chưa được hưởng lợi. Từ thực tiễn đó, Hội Nông dân huyện Tiên phước nảy sinh sáng kiến “Ngày thứ Sáu trong dân” để hỗ trợ nông dân, lắng nghe, gần gũi hơn với tâm tư, nguyện vọng của nông dân.
“Vào ngày thứ Sáu, trung tuần tháng 4/2021 chúng tôi tổ chức ngày sinh hoạt đầu tiên tại thôn tại thôn Cẩm Tây (Tiên Cẩm). Lúc bấy giờ ngày mùa bận rộn, lo thất bại nhưng kết quả mang lại thật bất ngờ. Buổi sáng có 30 hội viên nông dân tập trung tại nhà văn hoá thôn từ sớm để dọn dẹp vệ sinh và chuẩn bị các điều kiện cho sinh hoạt “Ngày thứ Sáu trong dân” kết hợp phát động xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” - ông Nguyễn Đình Tứ, Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Kỳ, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước kể lại.
Từ đó đến nay, đều đặn hằng tuần vào ngày thứ Sáu, theo nhu cầu thực tế từ cơ sở, cán bộ Hội Nông dân huyện Tiên Phước trực tiếp đến từng thôn, cụm dân cư để sinh hoạt với nông dân. Nội dung sinh hoạt theo nhu cầu của nông dân, nhưng phần lớn là tập trung tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thông tin các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đến với hội viên, nông dân.
Cạnh đó, phát hiện tiềm năng của mỗi hộ để có hình thức hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế ngay tại vườn nhà của mình.
Từ những “Ngày thứ Sáu trong dân” Hội Nông dân huyện tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, tính khả thi để xây dựng các mô hình phù hợp; gặp gỡ hội viên, nông dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ gia đình để định hướng, tư vấn, hướng dẫn đầu tư những hạng mục, những công việc tham gia mô hình; tổ chức sinh hoạt nhóm hộ để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện; nếu có yêu cầu cần thiết trong chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành liên qua tổ chức tập huấn, đào tạo nghề...
Từ đây, nhiều mô hình câu lạc bộ, cụm, tổ dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, nhóm hộ liên kết chỉnh trang vườn nhà, liên kết thực hiện đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; du lịch sinh thái mang đặc trưng trung du xứ Quảng; xây dựng các loại hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp (tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; nhóm sở thích...) được thành lập.
Kết quả mang lại
Thông qua hoạt động “Ngày thứ sáu trong dân” đến nay Hội Nông dân huyện phát động xây dựng được 73 cụm, tổ dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với hơn 2 nghìn hộ nông dân tham gia. Trong đó có 5 mô hình dân vận khéo về học Bác với 5 cụm dân cư nông thôn mới kiểu mẫu cấp huyện tại các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Lập, Tiên Cảnh và Tiên Châu với kinh phí hỗ trợ 1,2 tỷ đồng.
Việc triển khai hình thành cụm, tổ dân cư nông thôn mới kiểu mẫu được bà con nông dân hưởng ứng tích cực, theo đó đã sửa chữa, nâng cấp 55,21km đường bê tông; lắp đặt hơn 1.200 bóng đèn chiếu sáng; trồng 33,68km đường hoa và cây xanh; có 733 hộ chỉnh trang vườn nhà, 846 hộ có hàng rào, cổng ngõ xanh; gần 2 nghìn hộ có tủ thuốc y tế gia đình; 1.923 hộ có giỏ xử lý rác sinh hoạt với tổng kinh phí gần 5,7 tỷ đồng, trong đó hội viên nông dân tự nguyện đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, thông qua sinh hoạt “Ngày thứ Sáu trong dân” đã tổ chức 328 buổi tập huấn cho gần 12 nghìn lượt hội viên nông dân, về các biện pháp nhận biết, phòng chống, điều trị dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, về những nội dung liên quan đến nhu cầu phục vụ sản xuất của nông dân; hình thành 73 câu lạc bộ bảo vệ môi trường, 45 câu lạc bộ an ninh trật tự, 26 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; 14 chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Ông Phạm Văn Nhung - Phó Chủ tịch HND huyện Tiên Phước cho biết: "Tiên Phước là huyện có lợi thế trong việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, thuận lợi trong việc hưởng cơ chế, chính sách của nhà nước, tuy nhiên lâu nay người dân xây dựng các mô hình theo hướng truyền thống, sở thích nên khi đi khảo sát để hướng dẫn lập thủ tục hưởng cơ chế thì không đúng quy định. Vì vậy thông qua sinh hoạt “Ngày thứ Sáu trong dân” chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình đảm bảo quy định để được hưởng các cơ chế chính sách của nhà nước sau đầu tư.
Nhờ đó, đã có 1.832 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp được hưởng cơ chế hỗ trợ của nhà nước thông qua kênh hội gần 90 tỷ đồng; trong đó đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; du lịch sinh thái mang đặc trưng trung du xứ Quảng của huyện gần 60 tỷ đồng, Nghị quyết 35 HĐND tỉnh trên 30 tỷ đồng".
Với kết quả đạt được từ phong trào dân vận khéo thông qua hoạt động “Ngày thứ Sáu trong dân” đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hội viên nông dân, từ đó các phong trào thi đua yêu nước của Hội được triển khai thành công.
“Trước đây, việc tập hợp sinh hoạt hội viên nông dân chưa đạt yêu cầu nên nhiều chủ trương chính sách nhất là những cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới… hội viên, nông dân tiếp cận còn hạn chế. Nay nhờ làm tốt công tác dân vận, nông dân thấy được quyền lợi của họ được tổ chức hội bảo vệ, chăm lo hợp pháp, chính đáng nên việc tổ chức sinh hoạt chi, tổ hội có đến 80% hội viên tham gia, từ đó công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào các hoạt động của Hội ngày càng dễ dàng” - ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước chia sẻ.
“Điều quan trọng nữa là thông qua hoạt động “Ngày thứ Sáu trong dân” đã giúp đội ngũ cán bộ hội thêm năng động, linh hoạt trong mọi hoạt động, ví dụ như phải nghiên cứu để am hiểu khoa học kỹ thuật, phải có kinh nghiệm thực tiễn, sâu sát, tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu đối với hội viên nông dân” - ông Thắng cho biết thêm.