Nhà nước và cử tri

Quảng Nam đã phân bổ hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ làng nghề theo Nghị quyết số 38

T.BÌNH 11/09/2024 10:13

Từ sau đại dịch COVID-19, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong quá trình duy trì và phát triển sản xuất... Cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các làng nghề phục hồi và phát triển sản xuất, nhất là kết hợp phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Về vấn đề này, trong Báo cáo trả lời ý kiến cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, UBND tỉnh cho biết, sau đại dịch COVID-19, Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 38 ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn (gọi chung là cơ sở ngành nghề nông thôn).

Bao gồm: doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo quy định của pháp luật đóng trên địa bàn các xã, phường, thị trấn của tỉnh; các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh quyết định công nhận hoặc ủy quyền công nhận; các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết số 38 cũng quy định nội dung và mức hỗ trợ cụ thể. Bao gồm, hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất: mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn là tổ hợp tác, hộ gia đình và không quá 250 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã.

Hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường: mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 240 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn.

Hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua nguyên vật liệu; đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ: mức hỗ trợ tối đa 50% lãi suất cho các khoản vay trong thời hạn 2 năm đầu nhưng không quá 400 triệu đồng/cơ sở ngành nghề nông thôn.

Hỗ trợ mở lớp truyền nghề: các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề được hỗ trợ chi phí lớp học. Mức hỗ trợ bằng 100% định mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đang hoạt động ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống: mức hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm, kể từ ngày thụ hưởng chính sách.

Hỗ trợ tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận và xây dựng cổng chào sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống: nghề truyền thống (mức hỗ trợ 45 triệu đồng/nghề); làng nghề (mức hỗ trợ 75 triệu đồng/làng nghề); làng nghề truyền thống (mức hỗ trợ 90 triệu đồng/làng nghề).

Năm 2024, UBND tỉnh đã phân bổ 5,066 tỷ đồng để các địa phương thực hiện cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 38. Hiện nay, các địa phương đang triển khai và thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí từ ngân sách cấp huyện, các chương trình, đề án, dự án khác; vốn huy động từ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đề nghị các địa phương chủ động rà soát nhu cầu kinh phí gửi Sở NN&PTNT tổng hợp để đưa vào kế hoạch phân bổ kinh phí hằng năm.

T.BÌNH