Dưới những gốc thị cổ thụ làng Hưng Mỹ
(QNO) - Như chứng nhân lịch sử, những cây thị trong khuôn viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) đã tồn tại vững chãi qua mấy trăm năm. Chính quyền địa phương đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ chứng nhận những cây thị này thành Cây di sản.
Chứng nhân lịch sử
Ngày khai trường, học sinh Trường TH Lê Hồng Phong lại quây quần dưới những gốc thị cổ thụ giờ ra chơi ngày nắng nóng. Chúng tôi gặp bác bảo vệ Hồ Xuân (SN 1946, tổ 3, thôn Hưng Mỹ), người đã gắn bó với mảnh đất, ngôi trường và những cây thị này ngót nghét gần 80 năm.
Nhà cách trường vài bước chân, ký ức thời thơ ấu của người “gác cổng trường, canh gốc thị” ấy là những ngày trèo thị hái bán vài ngàn đồngmột chục.
Nhắc về gốc tích của những cây thị cổ thụ làng mình, ông Xuân hồi tưởng: “Thuở bé, cứ trưa trưa bọn con nít trong làng lại cùng nhau trèo thị chơi. Những nhánh thị vững chắc, cành đan vào nhau, chúng tôi trèo từ cây này chuyền sang cây kia không hề sợ rơi xuống đất bởi tán cây đan xen vào nhau vững chắc. Tôi cũng từng hỏi ông bà mình về người trồng ra những cây thị này. Nhưng không ai rõ. Từ hồi nhỏ ông bà tôi đã thấy cây cao lớn như vậy rồi”.
Nghẹn ngào kể về quá khứ, ông Xuân cho biết thêm, dưới 16 gốc thị làng Hưng Mỹ trước đây, biết bao chiến sĩ đã hy sinh. Bởi trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là một trại giam của địch, đã có nhiều chiến sĩ bị tra tấn, tử hình.
Bước sang tuổi 93, ông Bùi Lộc (tổ 6, thôn Hưng Mỹ) cho biết: “Chắc hơn 300 năm rồi. Ba mẹ tôi còn không biết có từ khi nào. Chỉ nhớ trước năm 1975, tôi đã ra những gốc thị cổ ấy chơi, trái non ăn hột, trái chín để bán. Đi đâu xa lại nhớ làng, nhớ thị”.
Theo chân những cụ già làng Hưng Mỹ, chúng tôi bước vào khuôn viên Trường TH Lê Hồng Phong. Hương thị thoang thoảng, dịu nhẹ. Bóng thị che mát cả khoảng sân rộng lớn. Những cây thị cao khoảng 30 mét, 4 - 5 người ôm không xuể. Nhiều cây đã mục thân, rỗng tuếch; có cây còn hằn những vết tích chiến tranh, bị khuyết đi một phần do bom đạn. Nhưng 15 cây thị còn lại, qua bão giông năm tháng vẫn đứng thẳng, xếp thành hàng từ cổng ra tận sau trường.
Từng có 41 năm giảng dạy và làm hiệu trưởng tại ngôi trường này, thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc xúc động kể về thời gian đã gắn bó với những cây thị cổ thụ: “Cha tôi ngày xưa là một trong những người xây trường, nhưng không biết những cây thị này do ai trồng, từ đâu có. Đến thời tôi, giảng dạy, làm hiệu phó, hiệu trưởng gắn bó dưới mái Trường trung học tỉnh hạt Bình Triều, sau đó đổi thành Trường Tiểu học Lê Hồng Phong... Bao lớp học trò đi qua, dưới gốc thị là biết bao kỷ niệm về những tiết chào cờ, những buổi sinh hoạt ngoại khóa, bao buồn vui của tuổi học trò đều có bóng thị che mát…”
[VIDEO] - Các cụ cao niên chia sẻ về lịch sử và nguồn gốc vườn thị cổ thụ tại làng Hưng Mỹ:
Kỳ vọng thành cây di sản
Đã qua hai cuộc chiến tranh, qua bao lần nâng cấp xây dựng trường, đường giao thông mở rộng, làng xóm chỉnh trang, song những cây thị cổ thụ vẫn sừng sững. Ý thức được giá trị của những gốc thị, người dân cũng như các cấp chính quyền địa phương vẫn giữ nguyên hiện trạng khuôn viên khu đất, bảo tồn những cây thị, không chặt phá.
Ông Huỳnh Viết Tiến - Bí thư chi bộ thôn Hưng Mỹ cho biết: “Những cây thị làng Hưng Mỹ không chỉ là cây di tích mà còn là biểu trưng cho hình ảnh con người Hưng Mỹ dạn dày với thiên nhiên, hiên ngang với quân thù, luôn bám đất giữ làng suốt chiều dài lịch sử.
Để hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới, làng quê văn hóa, đặc biệt là chủ trương bảo tồn, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa, chúng tôi đã khảo sát, làm hồ sơ đăng ký những cây thị thôn Hưng Mỹ là Cây di sản Việt Nam”.
Sáng kiến bảo tồn Cây di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động ngày 18/3/2010 nhân dịp năm mở đầu Thập kỷ đa dạng sinh học do Liên hợp quốc khởi xướng.
Để công nhận Cây di sản, cây cổ thụ phải đáp ứng các tiêu chí: Đối với cây mọc tự nhiên, sống trên 200 năm, cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa, si. Đối với cây trồng, sống trên 100 năm, cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 20m, chu vi trên 10 m, đối với cây đa, si. Cây có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử). Nếu cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu, nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch sử, hoặc văn hoá, hoặc mỹ quan có thể xem xét.
Theo ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều, cách đây hơn 10 năm, địa phương đã quan tâm, rà soát các cây thị làng Hưng Mỹ. Đến năm 2022, tiếp nhận nguyện vọng của nhân dân, UBND xã Bình Triều làm tờ trình, đề xuất lên cấp trên về việc công nhận cây thị trở thành Cây di sản Việt Nam. Và khi nhận được công văn của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thăng Bình đề nghị UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, lập hồ sơ đăng ký Cây di sản Việt Nam, UBND xã Bình Triều đã nghiêm túc thực hiện.
“Để nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo tồn thiên nhiên, phát triển đa dạng sinh học và cải thiện môi trường tự nhiên, phát triển du lịch địa phương, chúng tôi đang nghiên cứu kỹ càng kích thước, chiều cao, tọa độ… quy trình làm hồ sơ công nhận cây thị thành Cây di sản Việt Nam. Dự định cuối tháng 9/2024 sẽ hoàn thiện” - ông Ba nói.