Chính quyền - đoàn thể

Tây Giang phát huy vai trò Mặt trận trong sắp xếp dân cư

ĐĂNG NGỌC 12/09/2024 07:45

Nhờ linh hoạt triển khai các giải pháp, đặc biệt là quy chế phối hợp giữa các ngành, Mặt trận - đoàn thể gắn với phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng giúp công tác quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư tại huyện Tây Giang đạt nhiều kết quả.

Việc điều chỉnh nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh tại các địa phương miền núi. Ảnh: Đ.N
Quá trình sắp xếp dân cư ở miền núi Tây Giang có vai trò rất lớn của già làng, người có uy tín. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Vì mục tiêu chung

Kể từ khi tái lập huyện vào năm 2003, Tây Giang bắt tay ngay vào công cuộc đổi mới diện mạo, bắt đầu từ việc quy hoạch, sắp xếp và bố trí dân cư tập trung. Sau hơn 20 năm triển khai, hàng chục khu tái định cư được xây dựng và hình thành, tạo môi trường sống ổn định ngay ở vùng biên giới xa xôi giáp nước bạn Lào.

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, để triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn huyện gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ hỗ trợ chuyên môn cấp huyện để triển khai thực hiện các Nghị quyết số 12, 23 của HĐND tỉnh.

Đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cấp xã; trong đó mời Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, cùng trưởng các đoàn thể nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên tham gia thành viên.

Việc hình thành tổ chức bộ máy đồng bộ từ huyện đến xã và sự phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên giữa cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước với Mặt trận, các đoàn thể đã đạt được kết quả rất ấn tượng.

Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2024 địa phương bố trí, sắp xếp dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới 1.248 hộ dân; trong đó sắp xếp tập trung 1.058 hộ và xen ghép 190 hộ, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 65,2 tỷ đồng.

“Tất cả vì mục tiêu chung. Quá trình triển khai, chúng tôi luôn nhận được được sự ủng hộ, hưởng ứng, đồng tình của người dân và cộng đồng. Những kết quả này là kinh nghiệm được đúc kết từ nhiều năm của Tây Giang trong công tác sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đây vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, mang đậm dấu ấn trong triển khai cơ chế, chính sách các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư mặt bằng dân cư tập trung, vừa giúp đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân” - ông Ta chia sẻ.

977a7475.jpg
Các già làng luôn là chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng Tây Giang. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Đề cao vai trò người uy tín

Ông Briu Quân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho hay, quá trình triển khai chính sách, địa phương ưu tiên nguồn lực để tạo mặt bằng dân cư tại những nơi bị đe dọa bởi thiên tai.

Bằng cách làm linh hoạt, đảm bảo theo các quy định của pháp luật, từ năm 2019 đến nay, địa phương đã đầu tư 25 mặt bằng khu dân cư tập trung tại các xã; trong đó có 6 mặt bằng lồng ghép với cơ chế sắp xếp, ổn định dân cư theo cơ chế của tỉnh.

Theo ông Quân, quá trình triển khai, địa phương hỗ trợ bố trí đất ở tối thiểu bình quân mỗi hộ 200m2; đồng thời bố trí quỹ đất công cộng phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, từ giao thông nội bộ, mương tiêu thoát nước, điểm trường thôn và các thiết chế văn hóa khác phục vụ nhu cầu dân sinh.

Để sắp xếp, ổn định dân cư, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, Ủy ban MTTQ huyện Tây Giang đặc biệt chú trọng vai trò người có uy tín, già làng trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư gắn với phát triển bền vững. Nhờ đó, cuộc sống người dân huyện Tây Giang từng bước ổn định, hạn chế rủi ro từ thiên tai, có cơ hội tiếp cận các điều kiện hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất.

Phát huy vai trò của lực lượng người có uy tín, bằng tinh thần nêu gương, thời gian qua các già làng và người có uy tín ở Tây Giang luôn tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn, vận động con cháu trong gia đình, cộng đồng hưởng ứng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, các già làng, người có uy tín vận động nhân dân hiến hơn 25ha đất, cùng hàng nghìn cây cối, hoa màu, vật kiến trúc... với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra, giúp nhau hơn 1.000 ngày công để di chuyển, làm mới nhà cửa tại các khu định cư mới.

“Nhờ phát huy vai trò người có uy tín, già làng trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện thực hiện chủ trương sắp xếp, ổn định dân cư gắn với phát triển bền vững đã tạo nên những đổi thay trên các bản làng vùng biên giới phía tây của tỉnh.

Nhiều khu dân cư mới khang trang, sắp xếp, bố trí nhà ở, cơ sở hạ tầng khoa học; cuộc sống người dân từng bước ổn định… Tây Giang đã và đang trở thành một trong những điểm đến của du khách gần xa trong phát triển kinh tế vườn - rừng - du lịch” - ông Briu Quân nói.

ĐĂNG NGỌC