Thị trấn Nam Phước hướng đến đô thị kiểu mẫu
Thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) đang quyết tâm trở thành đô thị loại IV vào năm 2025. Một đô thị văn minh dần được hiện thực hóa bằng những chương trình hành động cụ thể.
Kinh tế tăng trưởng ấn tượng
Ngày 29/8/1994, thị trấn Nam Phước được thành lập theo Nghị định số 102 của Chính phủ với diện tích tự nhiên khoảng 14,5km2, dân số khoảng 26,6 nghìn người, trên cơ sở xã Duy An trước đây.
Thời điểm đó, quy mô nền kinh tế thị trấn còn rất nhỏ bé, hầu hết nhân dân Nam Phước chủ yếu sống bằng nông nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Toàn thị trấn chỉ có 2 tuyến đường nhựa chạy ngang và dọc là quốc lộ 1 và ĐT610, các tuyến giao thông khác là đường đất.
Ông Nguyễn Thành Tự - nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Phước cho biết, ngay sau khi thành lập, Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 1994 - 1996 xác định tập trung khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Đồng thời từng bước đi lên sản xuất hàng hóa theo cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
“30 năm qua, từ một thị trấn nghèo, Nam Phước vươn mình trở thành đô thị trẻ, năng động, có tốc độ đô thị hóa nhanh song song với việc đảm bảo chất lượng và đời sống nhân dân” - ông Tự nói.
Thị trấn Nam Phước hiện có 10 khối phố với khoảng 7.000 hộ dân, gần 30.000 nhân khẩu thường trú và 4.000 người tạm trú dài hạn làm việc trên địa bàn.
Ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, năm 2023 giá trị sản xuất toàn nền kinh tế đạt 4.500 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; trong đó ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 2/3 tổng giá trị sản xuất.
Thị trấn Nam Phước hiện có mặt hầu hết định chế tài chính lớn, gồm 12 chi nhánh ngân hàng thương mại, 8 chi nhánh bảo hiểm và chi nhánh của các tập đoàn, tổng công ty lớn, đảm bảo nguồn tài chính, dịch vụ thanh toán cho các nhà đầu tư sản xuất - kinh doanh và người dân. Các dịch vụ vận tải, khách sạn, y tế ngày càng phát triển.
“Đặc biệt, thị trấn Nam Phước luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào dạy và học 30 năm qua của huyện Duy Xuyên. Quy mô, mạng lưới trường, lớp, nhóm trẻ tiếp tục được mở rộng.
Ngoài ra, thị trấn có 1 bệnh viện công, 1 bệnh viện tư, 2 phòng khám đa khoa kỹ thuật cao, khoảng 100 phòng khám tư nhân và trạm y tế cơ sở được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân” - ông Thanh nói.
Hướng đến đô thị kiểu mẫu
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra nhiều thời cơ và vận hội mới để Duy Xuyên nói chung và thị trấn Nam Phước nói riêng tăng tốc phát triển bền vững.
Ông Văn Bá Thanh cho biết, thời gian đến, địa phương tiếp tục xây dựng khu phố chợ Nam Phước và chợ Nam Phước trở thành một trong những điểm nhấn có sức thu hút lớn.
Bên cạnh đó, khu đô thị thương mại Đông Cầu Chìm và chợ Huyện, khu dân cư Xuyên Tây tiếp tục được đầu tư. Các dự án như khu đô thị Tây Khương, khu tái định cư Châu Hiệp sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, thị trấn phối hợp cùng các ngành chức năng của huyện Duy Xuyên và các nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ phát triển thêm các khu đô thị khác trên địa bàn như khu đô thị Mỹ Hòa, khu đô thị Bình An, khu phức hợp thương mại thể thao phía tây, khu đô thị phía đông nam Nam Phước rộng 46ha và khu đô thị cảnh quan dọc sông Đào.
“Song song với tập trung phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công tác văn hóa xã hội luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị với mục tiêu là chuyển dần từ nếp sống nông dân sang nếp sống và tư duy thị dân cho phù hợp với xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng cao” - ông Thanh nói.
Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, địa phương tiếp tục điều chỉnh quy hoạch chung của thị trấn Nam Phước phù hợp với thực tế, thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn, nhất là dự án nhà ở thương mại, gắn với phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ.
“Trước vận hội mới với nhiều thuận lợi và khó khăn, song với khát vọng vươn lên, nhất định Nam Phước sớm đạt được những thành tựu mới” - ông Cảnh nói.
Với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, từ chỗ chỉ có 2 tuyến đường nhựa, các tuyến còn lại là đường đất của 30 năm trước, đến nay thị trấn Nam Phước có 108 đường có tên và số nhà, trong đó 45 tuyến đường nhựa, 63 tuyến đường bê tông có chiều rộng mặt đường từ 5,5 - 7,5m.
Để thực hiện được mục tiêu về mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông, trong 45 tuyến đường được nhựa hóa, nhân dân hiến gần 8ha “đất vàng” và gần 1.600 hộ dân đóng góp bình quân 25 triệu đồng/hộ để di dời tường rào - cổng ngõ và xây dựng mới.