Yêu thổ cẩm cùng Ava
(VHQN) - Aldegonde Van Alsenoy, mọi người quen gọi AVA, gắn cuộc đời mình với nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu Quảng Nam.
AVA sinh năm 1972 tại Antwerp, quốc tịch Bỉ. Năm 2003, Ava phát triển sự nghiệp của mình và trở thành nhà tạo mẫu thời trang cao cấp nổi tiếng, mở rộng thị trường từ Antwerp đến nhiều nơi trên thế giới với thương hiệu AVANA.
Cảm hứng từ người phụ nữ Cơ Tu
Ava tâm sự, bà đến Việt Nam năm 2005 và bắt đầu yêu thích đất nước xinh đẹp này. Sau nhiều lần đi về, năm 2010, bà quyết định định cư ở Hội An và mở cửa hàng thời trang với thương hiệu AVANA.
Đầu năm 2012, thông qua việc làm tư vấn dự án cho Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ava có cơ hội tiếp cận nghề dệt thổ cẩm từ nhóm phụ nữ người Cơ Tu, sống ở làng Dhrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang. Nơi này, các bé gái từ 7 - 8 tuổi đã được bà, mẹ, chị dạy dệt thổ cẩm.
Tổ hợp tác Yaya Cotu thành lập đầu năm 2013. Đây là tổ hợp tác đầu tiên nhằm bảo hộ thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và hướng tới mục tiêu chia sẻ lợi ích cộng đồng. Năm 2014, Quảng Nam đăng ký nhãn hiệu “Cotu Yaya Dhroong” với 6 nhóm sản phẩm sản xuất tại Tổ hợp tác này và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp bằng công nhận.
Bề dày kinh nghiệm dệt thủ công từ thời sống ở phương Tây giúp Ava phát hiện ra những vẻ đẹp của thổ cẩm người Cơ Tu. Ava nói, bản thân những nghệ nhân Cơ Tu rất tuyệt vời và đầy sáng tạo. Bà cảm nhận ở họ tinh thần đoàn kết. Những người phụ nữ đã rất tự hào về sản phẩm của nhau.
Họ chào đón và thân thiện với Ava. Bà đến làng làm việc cùng một nhà thiết kế nữa tên là Nele Block, người Bỉ. “Chúng tôi tìm được từ nhóm phụ nữ ở đây nguồn cảm hứng. Vì vậy chúng tôi quyết định chọn ngôi làng này để bắt đầu một dự án hợp tác” - Ava nói.
Trong mắt của Ava, “người Cơ Tu dệt vải bằng cả cơ thể, những màu sắc hoa văn thay đổi theo ý thích của họ, đặc biệt là những hạt cườm, chúng được dệt vào trong nền tấm vải”. Với Ava, tất cả phụ nữ ở đây đều là những “nhà thiết kế”. Và “sẽ thật tiếc nếu những tấm vải tốt chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo của họ không được nhiều người biết đến”. Vậy là Ava bắt đầu hành trình tìm kiếm thị trường cho thổ cẩm Cơ Tu.
Kết giao thổ cẩm
Ava bắt tay làm việc với 18 nghệ nhân để đa dạng mẫu mã, xây dựng thương hiệu. Ava làm cho trang phục thổ cẩm trở nên thanh thoát hơn, đơn giản hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc và tiếp cận được với nhiều người. Ava đã chỉnh sửa kích cỡ, phối màu, xử lý kỹ thuật đính cườm... và cho ra bộ sưu tập “Cotu yaya”.
Trên các sản phẩm của “Cotu yaya”, các hạt cườm đính tinh tế minh chứng cho việc cần dùng công nghệ cao cho những sản phẩm truyền thống, nhất là khi hướng đến khách hàng nước ngoài.
Ava muốn có sự pha trộn giữa thiết kế châu Âu với thổ cẩm Cơ Tu. Do vậy, khi thực hiện các mẫu này, chị sử dụng hoa văn thổ cẩm làm điểm nhấn như cổ áo, tay áo, gấu váy, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai... trên tổng thể các bộ trang phục bằng tơ lụa.
Thổ cẩm và lụa cùng dung hòa trên một sản phẩm thời trang. Nét truyền thống và hiện đại xen lẫn như nguồn cảm hứng của các nghệ nhân truyền tới Ava và ngược lại. Họ liên tục bàn thảo để chọn ra những phương án thích hợp nhất.
Ava nói rằng, cầm một sản phẩm thủ công phải cảm nhận được công sức, thời gian và trí tuệ của nghệ nhân làm ra nó, cảm nhận được nền văn hóa mà nó đại diện. Mong muốn truyền cảm hứng đặc biệt ấy đến khách hàng nên mỗi sản phẩm của Ava đều là độc bản. Có thể cùng chất liệu nhưng họ sẽ phối hợp các yếu tố khác nhau, tạo kiểu dáng khác nhau.
Triết lý của Ava là thời trang bền vững. Tính bền vững còn được thể hiện trong phương thức bà làm việc với các gia đình người địa phương để tận dụng nguồn lực tại chỗ, nguyên liệu tại chỗ nhưng với tầm nhìn mở rộng ra bên ngoài. Nghĩa là giúp người dân tạo sinh kế bền vững đi liền với việc gìn giữ văn hóa bản địa, tri thức bản địa.
Thời trang đẳng cấp
Ngoài Avana, Ava còn mở thương hiệu Co’tu,re - một sự chơi chữ của Cơ Tu và haute couture (thời trang đẳng cấp). Các mẫu thiết kế pha trộn giữa thổ cẩm Cơ Tu và hơi thở thời trang hiện đại thành một dòng thời trang cao cấp của Ava được thực hiện từ ý tưởng chung với nhà tạo mẫu người Bỉ đang sống ở Bồ Đào Nha là bà Nele de Block. Sản phẩm của họ tung ra các thị trường khác nhau: Bỉ, Việt Nam, Nhật Bản, Pháp, Ý... Bộ sưu tập của họ đa dạng sản phẩm, từ váy, áo, quần, giày, túi xách, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn...
Ava tâm sự, nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu, Quảng Nam đã... có tương lai. Với tư cách là một trong những dân tộc thiểu số tuyệt vời nhất Việt Nam, họ có khả năng thể hiện bản thân qua nghề dệt thủ công của chính mình. Và nghề dệt thủ công có cơ hội tồn tại lâu dài hơn nữa khi những người làm nghề tham gia vào cộng đồng kinh tế.
Sự kết hợp của truyền thống Cơ Tu và thời trang hiện đại đã tạo ra sinh kế bền vững cho phụ nữ Cơ Tu ở làng Dhrôồng. Mỗi ngày, mỗi chị em có người thu nhập khoảng 400 - 500 nghìn đồng. Với những sản phẩm bán chạy trên thị trường, họ còn được chia thêm lợi nhuận.
Đầu tháng 9 năm nay, sau một thời gian gián đoạn vì đại dịch COVID-19, nhóm của Ava sẽ làm việc trở lại. Hiện tại, họ tập trung sản xuất cho bộ sưu tập mới. Làng Đhroồng cũng vận hành trở lại, xưởng dệt cũng như cửa hàng thủ công của họ đang được xây dựng lại. “Nhóm thợ dệt vẫn phát triển ổn định. Chúng tôi có hơn 3 thế hệ dệt và tôi tin tổng số lượng thợ dệt sẽ tăng lên 40 người” - Ava nói.
Năm ngoái (2023), trong Tuần lễ thiết kế Việt Nam, Ava đã hợp tác với các nghệ nhân, nhà thiết kế và nghệ sĩ địa phương để kết hợp hình tượng Ya Ya vào bộ sưu tập mới nhất của Avana. Họ cho ra mắt bộ sưu tập YaYa SaRong do nhà thiết kế Ava hợp tác với Kon Gauss và nghệ nhân dệt thổ cẩm Cơ Tu tham gia dự thi. Và bộ sưu tập YaYa Sa Rong của họ đã vào top 25 trong 150 tác phẩm dự thi do Ban giám khảo cuộc thi tại Tuần lễ thiết kế Việt Nam bình chọn.
Cũng giữa tháng 9 này, Ava sẽ khai trương một không gian sản xuất và shop kinh doanh thời trang nhỏ thứ hai ở Hội An. Không gian này, chắc chắn sẽ dành phần lớn diện tích cho thổ cẩm Cơ Tu.