Mở lối cho làng nghề
(QNO) - Cùng với các chính sách, chương trình hỗ trợ, thúc đẩy của chính quyền các cấp, một trong những yếu tố quan trọng để bảo tồn, phát triển làng nghề, nghề truyền thống xứ Quảng là tâm huyết của các thế hệ nghệ nhân.
Trăm năm vang vọng tiếng nghề
Theo dấu chân của những bậc tiền nhân mở cõi, văn hóa phương Bắc hòa với điều kiện tự nhiên, đời sống cư dân bản địa… dần hình thành những nghề truyền thống, gắn với tên đất, tên làng. Từ thuở thương cảng Hội An hưng thịnh, con đường giao thương xuôi ngược trên những dòng sông dần hình thành, đã mở ra thời kỳ hội nhập cho làng nghề xứ Quảng. Qua bao bận thịnh suy trước chuyển biến của thời cuộc, song làng nghề truyền thống vẫn sống với thời gian…
Trên phía thượng nguồn, cộng đồng cư dân bản địa là đồng bào Cơ Tu, từ thuở cổ xưa đã có nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống. Xuôi theo con nước về với miền trung du xứ Quảng có các nghề trồng cây ăn quả Đại Bình, trầm hương Nông Sơn, phở sắn Đông Phú, làng nghề nón lá Quế Minh,…
Còn khu vực đồng bằng, ven biển, làng nghề xứ Quảng xuất hiện nhiều hơn, mỗi nơi mỗi bản sắc riêng. Phía tả ngạn sông Thu là làng nghề trống Lâm Yên, nghề bánh tráng Đại Lộc. Phía bờ đối diện là những triền dâu trù phú dọc theo bãi bồi đoạn qua vùng Tây Duy Xuyên, nơi có nghề dệt vải Phú Bông và làng nghề tơ lụa Mã Châu.
Phía hạ lưu là tam giác di sản gồm: Duy Xuyên – Hội An – Điện Bàn nức tiếng gần xa. Nếu phía Duy Xuyên nổi tiếng với làng nghề dệt chiếu An Phước, Bàn Thạch cùng các nghề truyền thống chế biến hải sản, nước mắm ở Duy Hải, Duy Nghĩa; thì phía Điện Phương (thị xã Điện Bàn) lại hội tụ 3 làng nghề trứ danh là chiếu chẻ Triêm Tây, đúc đồng Phước Kiều và bánh tráng Phú Triêm, cùng với 2 nghề đất nung và gỗ mỹ nghệ độc đáo.
Riêng với Hội An, vùng đất giao thoa nhiều nền văn hoá, giao thương tấp nập từ hàng thế kỷ trước, đã hình thành nhiều làng nghề di sản như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế hay các nghề trồng quật Cẩm Hà, nghề tre dừa Cẩm Thanh,....
Xuôi về phía Nam của tỉnh, người dân vùng ven biển, ven sông vẫn gìn giữ nghề truyền thống dệt chiếu cối Thạch Tân, bún Phương Hòa, rèn Hồng Lư, hến Tân Phú hay các làng nghề nước mắm trải dài từ Cửa Khe (Thăng Bình), Tam Ấp (Tam Thanh, TP.Tam Kỳ), Tam Tiến (Núi Thành),…
Toàn tỉnh có 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận.
Trong số các làng nghề được công nhận:
- 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.
-4 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
- 15 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
Theo ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT, trong tổng số 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, có 16 làng nghề hoạt động duy trì ở mức độ ổn định, chủ yếu tập trung ở những làng nghề như mộc mỹ nghệ, chổi đót, làm hương, chế biến nước mắm, chế biến hải sản… Đáng nói, có 14 làng nghề hoạt động sản xuất cầm chừng, không duy trì thường xuyên, một số làng nghề khả năng mai một là rất lớn.
[VIDEO] - Đặc sắc làng nghề xứ Quảng:
Nỗ lực khôi phục làng nghề
Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, làng nghề có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi miền quê, tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch.
Song, thời gian qua, việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay, sản xuất ngành nghề, làng nghề nông thôn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiết bị công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thủ công. Nhiều ngành nghề truyền thống gặp khó về nguyên liệu, mở rộng sản xuất, tiếp cận vốn vay.
Cạnh đó, phần lớn lao động tại các làng nghề đều ở tuổi trung niên, lớn tuổi, già yếu, mất sức lao động; tư duy sản xuất tiểu nông, sản xuất theo kiểu lấy công làm lời, tâm lý ngại thay đổi. Sản phẩm làng nghề tương tự nhau, mẫu mã kiểu dáng còn đơn điệu, giá bán sản phẩm còn cao. Trong khi đó đó nhu cầu của người tiêu dùng đã thay đổi, chuyển sang sử dụng những sản phẩm tiện lợi hơn. Điều này khiến sản phẩm làng nghề làm ra tiêu thụ chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước khả năng mai một…
Để bảo tồn, phát triển làng nghề, những năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn. Đáng chú ý, năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2022 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025.
Theo nội dung nghị quyết sẽ hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất; xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường. Hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua nguyên vật liệu; đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ. Hỗ trợ mở lớp truyền nghề; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú…
[VIDEO] - Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ về nỗ lực của Quảng Nam trong việc bảo tồn làng nghề:
Năm 2024, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 5 tỷ đồng để các địa phương thực hiện cơ chế theo Nghị quyết số 38. Các địa phương đang tích cực triển khai và thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí từ ngân sách cấp huyện, các chương trình, đề án, dự án khác và vốn huy động từ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề…
Riêng về công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, trong năm 2023, Sở NN&PTNT đã công nhận 6 nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Bao gồm: nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm, nghề tre dừa Cẩm Thanh, nghề trồng quật Cẩm Hà (Hội An); nghề đan lát Bhơ Hôồng, nghề đan lát ARéh Đhrồng (Đông Giang); nghề hến Tân Phú (Tam Kỳ).
Đáng mừng, có 4 nghề truyền thống đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Nam Giang), nghề mộc Kim Bồng xã Cẩm Kim, nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm, nghề tre dừa Cẩm Thanh (Hội An).
Việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển được nhiều nghề truyền thống và phát triển các nghề mới. Các làng nghề ngoài việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
[VIDEO] - Bà Đặng Thị Thủy - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đánh giá về nỗ lực bảo tồn, phát triển làng nghề ở Quảng Nam:
Để làng nghề phát triển bền vững
Nâng cao sản phẩm làng nghề
Theo ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã ưu tiên phát triển những sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn mang giá trị văn hóa truyền thống, địa phương. Trong đó, Quảng Nam tập trung phát triển sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Nhờ đó rất nhiều sản phẩm OCOP từ 3-4 sao được hình thành từ các sản phẩm làng nghề, gắn với phát triển du lịch, mang đậm dấu ấn vùng miền. Tiêu biểu như các sản phẩm làng nghề làm mắm huyện Thăng Bình, Tam Kỳ; nghề dệt lụa ở Duy Xuyên, thủ công mỹ nghệ ở Điện Bàn, nghề làm quế ở Bắc Trà My...
Bà Phan Thị Á Kim – Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, làng nghề là loại hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho một bộ phận dân cư, cần được hỗ trợ phát triển. Do đó, ngành KH-CN tỉnh đã có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ áp dụng khoa học, kỹ thuật trong phát triển sản phẩm làng nghề.
Từ năm 2010 đến nay, ngành đã triển khai 5 đề tài nghiên cứu KH-CN cấp tỉnh liên quan đến nghề, làng nghề. Nổi bật là nghiên cứu xây dựng mô hình hỗ trợ kỹ thuật làng nghề dệt thổ cẩm xã Tabhing (Nam Giang) và hỗ trợ kỹ thuật làng nghề sản xuất hương tại Quán Hương (Thăng Bình); nghiên cứu phát triển công nghệ nhuộm màu tự nhiên tại làng nghề Tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên)…
Đáng chú ý, từ năm 2019 đến nay, triển khai thực hiện các Nghị quyết 02/2019, 09/2020, 01/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển KH-CN và đổi mới sáng tại trên địa bàn tỉnh, Sở KH-CN đã đã hỗ trợ 2 dự án “Ứng dụng năng lượng mặt trời và hệ thống đảo tự động trong nâng cao hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống” tại xã Bình Dương (Thăng Bình) và Tam Thanh (TP.Tam Kỳ).
Ngoài ra, Sở KH-CN đã hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 26 làng nghề, ngành nghề truyền thống. Một số sản phẩm làng nghề sau khi đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đã tạo được ưu thế trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng như nước mắm Cửa Khe, đúc đồng Phước Kiều, lụa Mã Châu, đèn lồng Hội An, nước mắm Tam Thanh,…
Toàn tỉnh hiện có 96 HTX và 61 tổ hợp tác tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, mặt hàng, các ngành nghề ở các làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động thường xuyên và hơn 3.000 lao động không thường xuyên với mức thu nhập bình quân hơn 5,2 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Đức Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cho biết sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề ngày càng khẳng định giá trị tinh hoa, nghệ thuật cao, đúc kết từ quá trình lao động miệt mài, sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân. Khi đưa ra thị trường, sản phẩm đều được thị trường đón nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên để mở rộng sản xuất, việc cần thiết đối với làng nghề, nghệ nhân là đầu tư máy móc, công nghệ để hỗ trợ một số khâu trong quy trình sản xuất. Đồng thời tích cực tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường để sáng tạo sản phẩm phù hợp.
Phát triển du lịch làng nghề
Cùng với việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, việc phát triển du lịch làng nghề đã, đang góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững. Đây là cơ hội giúp mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống.
Hiện nay, du lịch làng quê, làng nghề đang trở thành xu hướng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo khảo sát của các đơn vị lữ hành, du khách nước ngoài muốn tìm đến những giá trị văn hóa làng nghề, trải nghiệm tay nghề tinh xảo của nghệ nhân và tìm hiểu quá trình sản xuất sản phẩm đặc sắc bản địa. Minh chứng là du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề trong thời gian qua là một trong những sản phẩm thu hút khách du lịch của tỉnh.
Một số mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề hiệu quả như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng (TP.Hội An); làng trồng cây ăn quả Đại Bình (Nông Sơn); làng chiếu chẻ Triêm Tây (Điện Bàn), các làng nghề dệt thổ cẩm Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang.
Các sản phẩm làng nghề truyền thống đồng thời trở thành sản phẩm thu hút thêm chi tiêu của du khách tại các điểm du lịch cộng đồng như sản phẩm nước mắm của làng nghề nước mắm Tam Ấp (TP.Tam Kỳ), làng Cửa Khe (Thăng Bình); nghề đan võng từ vỏ cây ngô đồng ở đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An). Ước tính, trong trong tổng số lượt du khách đến Quảng Nam năm 2023 là hơn 7,5 triệu lượt thì du khách có tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề đang chiếm 15%.
“Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề tỉnh Quảng Nam gắn với phát triển kinh tế du lịch là cách giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền, địa phương khác nhau. Đồng thời khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của địa phương và quốc gia thông qua phát triển sản phẩm của các làng nghề, đặc biệt là các sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo.
Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam
Để thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, Sở VH-TT&DL và các địa phương liên quan có nhiều nỗ lực trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch làng nghề; tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ làm du lịch cho chủ thể làng nghề; mời các đoàn Famtrip, Fresstrip đến trải nghiệm làng nghề; trình diễn nghề, bày bán sản phẩm làng nghề trong các sự kiện du lịch…
Tuy nhiên, trong số 30 làng nghề, ngành nghề truyền thống thì chỉ khoảng 10 làng nghề phát triển gắn với du lịch, chủ yếu tập trung vùng phụ cận Hội An. Rào cản hiện nay của làng nghề là khó khăn về không gian, cơ sở hạ tầng, môi trường chưa đảm bảo,… Đáng nói, một số làng nghề định hướng phát triển gắn với du lịch, song quy mô nhỏ, sản phẩm còn đơn điệu, vẫn chưa thật sự thu hút, như tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên), chiếu cói Thạch Tân (TP.Tam Kỳ) hay mộc Vân Hà (Phú Ninh),…
Theo Sở VH-TT&DL, để gỡ khó cho phát triển làng nghề, một trong nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến là xây dựng, ban hành đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ thí điểm đầu tư một số mô hình gắn với làng nghề trọng điểm.
Quan trọng vẫn là truyền nghề
Nghệ nhân, thợ giỏi là linh hồn của làng nghề, là người lưu giữ tinh hoa dân tộc. Đội ngũ này ngoài việc không ngừng học tập, lao động, sáng tạo thì việc truyền nghề đóng vai trò quan trọng để phát triển làng nghề. Thực tế, rất nhiều làng nghề gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ mai một, sản xuất cầm chừng do không thể đào tạo đội ngũ kế cận.
Hiện toàn tỉnh có 54 nghệ nhân, thợ giỏi, tập trung nhiều ở các địa phương Hội An, Điện Bàn và Duy Xuyên. Trong đó, nghệ nhân nhân dân có 2 người: ông Huỳnh Ri ở làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An) và ông Nguyễn Văn Tiếp ở làng mộc Đông Khương (thị xã Điện Bàn). Cạnh đó còn có 9 nghệ nhân ưu tú; 23 nghệ nhân và 20 thợ giỏi. Như lời nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp, để xứng đáng với 2 chữ nghệ nhân, thợ giỏi thì chủ nhân làng nghề hôm nay phải biết cách đào tạo nghề cho thế hệ tiếp theo.
Thợ giỏi Nguyễn Viết Lâm (26 tuổi) là một trong những truyền nhân trẻ tuổi nhất của làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An). Thừa kế tay nghề khéo léo của các thế hệ trong gia đình, cùng với tư duy đổi mới, sáng tạo, Lâm đang thành công với dòng sản phẩm gốm tráng men độc đáo. Và để sản phẩm đi xa hơn, chàng trai trẻ này đang tìm cách truyền nghề cho nhiều học trò trong làng.
Là người con làng nghề gốm Thanh Hà, tình yêu màu đất, màu gốm nhen nhóm từ thuở nhỏ và lớn dần theo năm tháng. Rất nhiều người bạn của tôi đã rời làng tìm cơ hội mới, còn tôi vẫn bám trụ với làng nghề, phát triển các sản phẩm truyền thống từ chính tình yêu làng nghề đó. Do vậy, tôi nghĩ, để phát triển làng nghề, cần thiết phải khơi dậy tình yêu làng nghề của người trẻ.
Thợ giỏi Nguyễn Viết Lâm - làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An)
Niềm trăn trở với làng nghề cũng thôi thúc nhiều người trẻ “bỏ phố về quê” khởi nghiệp. Có một bạn trẻ Võ Nguyên Tùng – xã Bình Dương, Thăng Bình về quê, kêu gọi hàng chục người trẻ ở làng mắm Cửa Khe xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng.
Hay chị Phạm Thị Công (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) đang từng bước khôi phục nghề dệt chiếu cói truyền thống; chị Trần Thị Yến (thị trấn Nam Phước) đang miệt mài cùng người cha đã luống tuổi khôi phục sản phẩm tơ lụa Mã Châu; chị Lê Thị Ngọc Tầm (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) đang trên hành trình phát triển du lịch trải nghiệm làng mắm Tam Ấp… Họ đang thổi những luồng gió mới, mở ra hướng phát triển bền vững cho làng nghề.
[VIDEO] - Ông Lê Đức Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam chia sẻ về việc hỗ trợ nâng cao tay nghề nghệ nhân và công tác truyền nghề:
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nói, để bảo tồn, phát triển làng nghề thì yếu tố con người phải đặt trên hết. Con người làm ra nghề và chỉ có con người mới duy trì, tiếp nối nghề truyền thống.
[VIDEO] - Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ về định hướng xây dựng thương hiệu làng nghề Quảng Nam: