Chính trị

Chuẩn bị nội dung Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030):Tận dụng cơ hội, khai thác tốt tiềm năng để bứt phá phát triển

N.ĐOAN 13/09/2024 07:40

Chủ trì cuộc họp cho ý kiến lần thứ nhất về dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội, phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu nghiên cứu các giải pháp, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để bứt phá phát triển trong giai đoạn mới.

bai giang
UBND tỉnh họp lần thứ nhất cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Ảnh: N.Đ

Dự kiến những chỉ tiêu chưa đạt

Dự thảo báo cáo của UBND tỉnh dự kiến đến năm 2025, trong 53 chỉ tiêu thành phần thuộc 24 chỉ tiêu (riêng chỉ tiêu xây dựng Đảng không đưa vào báo cáo), có 6 chỉ tiêu thành phần vượt, 20 chỉ tiêu đạt, 26 chỉ tiêu không đạt.

Chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội không đánh giá vì theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, không còn khái niệm tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội nên không có cơ sở để đánh giá chỉ tiêu này.

Đối với 26 chỉ tiêu thành phần không đạt (thuộc 15 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII), Sở KH&DT cho biết, hầu hết thuộc chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu liên quan tới chỉ tiêu tăng trưởng, như: cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân, thu ngân sách, số lượt khách du lịch đến năm 2025…

Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm (2025 - 2030), trong chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, dự thảo đề xuất mức tăng trưởng GRDP bình quân đạt hơn 8%/năm.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 đối với khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9 - 9,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5 - 37,8%; dịch vụ chiếm khoảng 36 - 37%.

Giải trình về các chỉ tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2025 - 2030 được đề ra tại dự thảo báo cáo, theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT, căn cứ chủ yếu là Quyết định số 72 ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đơn cử như đến năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%; năm 2030 thu hút hơn 15 triệu lượt khách và có 16 bác sĩ/vạn dân, 48 giường bệnh/vạn dân; hay chỉ tiêu thu ngân sách bình quân hơn 10%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hơn 15%/năm…

Trong khi đó, các ngành liên quan đề xuất chỉ tiêu thấp hơn, có sự chênh lệch nhiều so với Quyết định 72 ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ông Thử đề nghị các ngành cần tiếp tục có sự trao đổi để thống nhất, chuẩn hóa số liệu chỉ tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2025 - 2030.

Vì mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước

Dự thảo báo cáo đánh giá, hoạt động thương mại - dịch vụ phục hồi mạnh mẽ sau dịch và từng bước phát triển ổn định, đạt tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 gần 4,9%/năm.

z5336409763887_4c342eda5c7607db97cbe05d3c345608.jpg
Theo dự thảo kinh tế - xã hội 5 năm (2025 - 2030), cơ cấu kinh tế đến năm 2030 đối với khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9 - 9,5% (ảnh minh họa). Ảnh: Hà Quang

Với đánh giá này, ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, ngành dịch vụ có điểm số tăng trưởng cao nhất, đã khẳng định việc lựa chọn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và du lịch của Quảng Nam là đúng đắn.

Theo đó, ông Phong đề nghị cần có đánh giá kết quả chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế này rõ nét hơn, nhằm có cơ sở tiếp tục lựa chọn chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ ở nhiệm kỳ tới đây.

Việc xác định tỷ trọng công nghiệp cao hơn như dự thảo sẽ không phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay, chắc chắn xu hướng là phải lựa chọn thương mại - dịch vụ.

Việc lựa chọn định hướng, xác định chỉ tiêu phát triển KT-XH ở giai đoạn 2025 - 2030 của Quảng Nam có thuận lợi khi đồng thời triển khai cụ thể hóa Quyết định 72 ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng lưu ý các ngành, đây chỉ là một nội dung, là cơ sở để nghiên cứu tham mưu văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh; còn nếu bám hoàn toàn vào thì sẽ không đạt yêu cầu.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến nhiều chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) dự kiến sẽ không đạt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, so với nhiều địa phương, dư địa phát triển của Quảng Nam còn rất lớn.

Các lợi thế về không gian phát triển dọc ven biển, sân bay, cảng biển, giao thông đường bộ, dược liệu… nếu được kêu gọi đầu tư khai thác hiệu quả thì nền kinh tế của tỉnh sẽ vực dậy phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư cũng đang rất mong muốn đầu tư vào Quảng Nam, đây là cơ hội lớn của tỉnh.

“Ở giai đoạn 2025 - 2030, sẽ có nhiều thời cơ rộng mở để Quảng Nam đầu tư phát triển kinh tế phát triển tốt hơn. Các ngành tập trung nghiên cứu tính toán số liệu, chỉ tiêu, tham mưu định hướng phát triển sát với thực tiễn của tỉnh, vì mục tiêu rất lớn là xây dựng Quảng Nam phát triển thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.

Gợi mở thêm về hướng xác định chỉ tiêu phát triển KT-XH nhiệm kỳ mới, theo đồng chí Lê Văn Dũng, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ cao hơn so với dự thảo đề ra là hoàn toàn có cơ sở.

Đối với các chỉ tiêu xã hội, tỉnh quyết tâm đến năm 2030, cơ bản không còn nhà tạm, không còn hộ nghèo, 100% hộ có điện thắp sáng; ưu tiên đầu tư nguồn lực chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và văn hóa tinh thần trong xã hội; việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia…

N.ĐOAN