Bảo tồn di tích ở Điện Bàn
Với những cách làm hay và cơ chế hỗ trợ tốt, công tác bảo tồn di tích ở thị xã Điện Bàn đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần gìn giữ, bảo tồn hàng chục di tích trước nguy cơ bị xâm phạm, xuống cấp.
Xã hội hóa chăm sóc di tích
Đầu năm 2023, UBND xã Điện Trung quyết định giao các di tích, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn xã về cho các họ tộc, chi hội, đoàn thể, thôn, trường học cùng chăm sóc, quản lý.
Theo đó, tổng cộng 10 tổ công tác được thành lập, mỗi tổ có sự tham gia của 2 - 3 hội, đoàn thể hoặc trường học nhằm chăm sóc 10 di tích, nghĩa trang của xã. Định kỳ hàng tháng hoặc lễ, tết những tổ này sẽ có trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh di tích.
Bà Nguyễn Vân Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung cho biết, cách làm này giúp phân công trách nhiệm cụ thể rõ ràng cho từng hội, đoàn thể, trường học cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ di tích. Theo đó, mỗi tổ sẽ đảm nhận một di tích nên việc chăm sóc không bị chồng chéo và kết quả rất tốt.
Thị xã Điện Bàn có 71 di tích được xếp hạng (7 di tích quốc gia) phần lớn ở vị trí ngoài trời nên cây cỏ, bụi dại dễ dàng mọc, nếu không kịp thời xử lý, dọn dẹp sẽ dễ tác động đến di tích, gây hư hại, xuống cấp.
Theo Quyết định 08 của UBND tỉnh (2/5/2019), di tích cấp tỉnh được giao về xã, phường quản lý; di tích cấp quốc gia được giao cấp huyện quản lý (ủy quyền phòng VH-TT quản lý).
Từ chủ trương này, nhiều xã, phường ở Điện Bàn đã giao di tích cho các thôn, hội, đoàn thể, trường học chăm sóc, bảo vệ. Qua đó không chỉ đảm bảo di tích được theo dõi, vệ sinh thường xuyên mà còn góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước đối với các thế hệ trẻ…
Tại xã Điện Phong, từ 5 năm trước Đoàn Thanh niên xã đã tập hợp các chi đoàn trường học, thôn… nhằm chăm sóc cảnh quan di tích; đồng thời triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như viếng hương, sinh hoạt, tìm hiểu lịch sử di tích, kết nạp đoàn viên tại di tích…
Ngoài ra, các hội, đoàn thể các thôn cũng tổ chức những việc làm thiết thực như trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh… góp phần giữ cho di tích sạch sẽ, trang nghiêm.
Một số xã, phường của Điện Bàn làm khá tốt công tác này. Ngoài xã Điện Trung, Điện Phong có thể kể đến các xã Điện Quang, Điện Phước, Điện Tiến, phường Điện Ngọc…
Bố trí kinh phí hàng năm
Nếu như việc xã hội hóa chăm sóc di tích chủ yếu huy động con người cùng cộng đồng trách nhiệm, thì việc bảo tồn, trùng tu các di tích luôn gặp khó khăn do vấn đề kinh phí.
Mặc dù năm 2022, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 13 về các mức hỗ trợ cho di tích xuống cấp nhưng so với yêu cầu thực tế cũng như số lượng di tích trên địa bàn tỉnh nhiều, khiến khả năng thụ hưởng của các địa phương có di tích như Điện Bàn còn khiêm tốn.
Trước tình hình này, năm 2022 HĐND thị xã Điện Bàn đã ban hành Nghị quyết 11 về hỗ trợ trùng tu di tích trên địa bàn. Theo đó, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ phân bổ 2 tỷ đồng nhằm cải tạo cảnh quan, sửa chữa nhỏ 10 di tích (bình quân mỗi di tích 200 triệu đồng). Tới nay, khoảng 21 di tích của Điện Bàn đã được tu bổ hoặc đang triển khai các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ thi công.
Một số di tích được quan tâm chăm sóc từ Nghị quyết 11 có thể kể đến như mộ Phạm Phú Thứ (Điện Trung), Đình Cẩm Lậu (Điện Phong), Nhà thờ Hà Đức (Điện Thắng Nam), di tích Đình Diệm Sơn (Điện Tiến), Đình làng An Nhơn (Điện Phương)…
Ông Phạm Văn Ba - Trưởng phòng VH-TT thị xã nhìn nhận, mức hỗ trợ 200 triệu đồng tuy không quá nhiều so với một số di tích thuộc công trình kiến trúc, thậm chí không đủ để tu bổ nhưng rất ý nghĩa bởi giúp Điện Bàn chủ động trong các vấn đề bảo tồn, sửa chữa nhỏ di tích xuống cấp.
Đến nay, hầu như trên địa bàn thị xã không còn di tích bị bỏ hoang, bỏ phế xuống cấp, tất cả đều được bảo vệ, gìn giữ tốt. Đây là kết quả rõ nét của việc triển khai đồng bộ các giải pháp và nguồn lực hiệu quả, kịp thời mà Điện Bàn đã thực hiện thời gian qua trong công tác bảo tồn di tích.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương có di tích tăng cường hơn nữa việc phát huy giá trị di tích, nhất là các di tích quốc gia như tập huấn thuyết minh.
Đặc biệt, ngoài đầu tư công của Nhà nước, trong năm 2024 Phòng VH-TT thị xã Điện Bàn cũng đã trích nguồn kinh phí sự nghiệp đơn vị hợp đồng thuê nhân công dọn dẹp vệ sinh hàng tháng tại các di tích quốc gia trên địa bàn nhằm đảm bảo di tích luôn trang nghiêm và sạch sẽ” - ông Ba nói.