Cộng đồng miền núi Quảng Nam xây dựng "thế trận" vùng biên
Cộng đồng miền núi Quảng Nam đã và đang xây dựng một “thế trận” vùng biên vững chắc khi ngày càng có nhiều mô hình tập thể, cá nhân cùng góp sức vào mục tiêu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Từ sức mạnh đoàn kết
Hành trình phát triển miền núi, ngoài những chính sách của Nhà nước, còn có yếu tố từ sức mạnh đại đoàn kết. Phát huy tinh thần cộng đồng, những năm qua, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, tiến bộ.
Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, đại đoàn kết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thời gian qua, Nam Giang chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Ðảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực. Đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo ông Ngọ, từ 2019 đến nay, địa phương tuyên truyền hơn 1.880 buổi/42.475 lượt người tham gia liên quan các nội dung về Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Qua đó, giúp duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả, tiêu biểu như “Tộc họ tự quản về an ninh trật tự”, “Camera giám sát an ninh”, “Tiếng mỏ an ninh”, “Lá chắn vùng biên”...; cung cấp cho lực lượng chức năng 135 tin có giá trị, vận động thu hồi 2.717 khẩu súng tự chế, 3.150 vũ khí thô sơ các loại và 713 bộ sò kích điện.
“Thực hiện các chính sách dân tộc, đoàn kết dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thời gian qua, chúng tôi tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng gỗ lớn và phát triển các mô hình, chuỗi giá trị sản xuất trong nhân dân.
Đến nay, Nam Giang trồng hơn 1.500ha rừng, kết nối đầu tư phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp gắn với chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao” - ông Ngọ chia sẻ.
Để phát huy vai trò, tiếng nói của người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong đoàn kết dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh thường xuyên gặp mặt, thăm hỏi, trao đổi thông tin với người có uy tín, Nam Giang quan tâm tổ chức các hoạt động nghệ thuật, thông qua lễ hội cồng chiêng, phục dựng và tái hiện các nghi thức, nghi lễ độc đáo của đồng bào các DTTS sinh sống trên địa bàn huyện.
Những người đồng hành
Xuyên suốt trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển khu vực biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh được xem như những người đồng hành, hỗ trợ nhân dân, nhất là đồng bào DTTS xác lập vị trí cộng cư, đổi mới tư duy phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nơi phên giậu của Tổ quốc.
Sau những cuộc đồng hành, nhận thức chính trị, ý thức cảnh giác của nhân dân dần được nâng cao, giúp hình thành nên 212 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với gần 5.000 thành viên tham gia.
Chưa kể, có khoảng 1.000 đoàn viên thanh niên và quần chúng đăng ký tự quản hơn 157km đường biên với 60 cột mốc và 7 cọc dấu, tạo nên một “lá chắn thép” vùng biên vững chắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, đến nay, đơn vị triển khai phối hợp và thực hiện có hiệu quả phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, mô hình “Nuôi bò sinh sản, nuôi heo sinh sản”, “Đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới”...
Bằng vai trò kết nối, BĐBP hỗ trợ xây dựng 42 nhà tình nghĩa, nhà mái ấm biên cương; tặng hơn 5.700 suất quà cho gia đình khó khăn, học bổng cho học sinh hiếu học với tổng trị giá hơn 5,1 tỷ đồng.
Hằng năm, vào dịp Ngày biên phòng toàn dân (3/3), BĐBP tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS ở khu vực biên giới của đơn vị, nhân dân trên địa bàn luôn sát cánh cùng lực lượng BĐBP đấu tranh, phòng chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới.
“Những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của BĐBP tỉnh đã không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân nói chung và đồng bào DTTS ở khu vực biên giới nói riêng với Đảng, Nhà nước, mối quan hệ đoàn kết quân - dân gắn bó mật thiết.
Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đồng bào trong lao động, sản xuất; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tích cực tham gia có hiệu quả cùng BĐBP và các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói.