Bến Hiên ngày ấy, bây giờ
(QNO) - Vùng núi phía tây bắc của tỉnh Quảng Nam là vùng đất của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống từ xưa, trong đó đồng bào Cơ Tu chiếm đa số. Do là nơi giao lưu buôn bán giữa miền xuôi với miền ngược, trên bến - dưới thuyền, nên xuất hiện các địa danh như Bến Hiên, Bến Giằng...
Bến Hiên là một bãi bồi rộng ở vùng đất nơi ngã ba sông Trăng chảy vào sông Con (nay thuộc thôn Bến Hiên, xã Kà Dăng, huyện Đông Giang). Chuyện kể rằng, vào đầu thế kỷ XX, có một người miền xuôi lên đây vỡ hoang trồng lúa, bắp... Ghe lái buôn chở hàng từ hạ lưu lên trao đổi với người Cơ Tu đều ghé vào đây. Người Cơ Tu đem lâm sản từ các buôn làng đổi lấy muối, vải…
Bến Hiên - căn cứ địa cách mạng thời kháng chiến
Ngày 1/10/1950, nhằm tăng cường xây dựng căn cứ địa miền núi phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp, huyện Bến Hiên được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Đại Lộc. Cùng với đó, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định thành lập Đảng bộ huyện Bến Hiên.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, huyện Bến Hiên là căn cứ địa của Liên khu ủy 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tháng 4/1955, Trung ương quyết định chuyển các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế về Liên khu 5. Liên khu 5 trở thành một địa bàn rộng lớn từ vĩ tuyến 17 đến Đông Nam Bộ, bao gồm 14 tỉnh. Để thuận lợi trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng lúc bấy giờ, cuối năm 1955, Liên khu ủy 5 quyết định chuyển cơ quan từ tây Thừa Thiên Huế vào hoạt động tại vùng Bến Hiên.
Trong thời gian 1955-1957, cơ quan Liên khu ủy di chuyển theo hướng Tà Lang (nay thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), ban đầu đóng quân ở làng Lồ Ô (nay thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Tiếp sau đó lần lượt chuyển đến làng Vàu rồi làng Điềm (nay thuộc xã Tư, huyện Đông Giang), rồi làng Bhơlô Sơn (nay là thôn Sơn, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang).
Bước sang năm 1958, do địch tăng cường đánh phá gắt gao, chiếm đóng một số chốt điểm ở vùng thấp Bến Hiên, để đảm bảo an toàn, cơ quan Liên khu ủy chuyển lên các làng A Vương, Man Tra (xã A Vương), A Bươp (nay là thôn Rbượp xã ATiêng, huyện Tây Giang), rồi đến làng Pơr’ning (nay thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang).
Vào giữa năm 1958, hội nghị Liên khu ủy 5 được tổ chức tại làng Pơr’ning. Sau hội nghị này một thời gian, cơ quan Liên khu ủy dần chuyển lên làng Đăk Năng, huyện Bến Giằng (nay thuộc xã Đăk Pre, huyện Nam Giang).
Trong khoảng từ năm 1955-1959, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chủ trương xây dựng khu vực Trung Mang thành khu căn cứ cách mạng vững chắc, để phục vụ lâu dài cho sự nghiệp kháng chiến. Tháng 1/1960, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV trên bờ sông A Vương, tại thôn Adhur, xã Arooi, huyện Đông Giang. Tại đại hội này, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã chủ trương sáp nhập Bến Hiên, Bến Giằng thành huyện Thống Nhất.
Tháng 12/1962, Khu ủy 5 quyết định tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà. Sau chia tách, Tỉnh ủy Quảng Đà về đóng tại làng Đào (nay thuộc xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) để tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà lần thứ V, rồi về đóng tại làng Xuồng (nay thuộc thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang). Đến ngày 10/3/1963, Tỉnh ủy Quảng Đà chủ trương tách huyện Thống Nhất để thành lập các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang.
Hơn 60 năm qua, hai huyện Đông Giang và Tây Giang cũng đã diễn ra mấy lần nhập, tách. Ngày 17/11/1974, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định nhập huyện Đông Giang và Tây Giang thành huyện Đông - Tây Giang. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), đổi tên thành huyện Hiên. Đến 20/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2003/NĐ-CP, chia tách huyện Hiên thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang như ngày nay.
Lo định canh, định cư, bảo vệ rừng sau hơn 20 năm tái lập...
Nhờ được đầu tư phát triển toàn diện, nên sau hơn 20 năm tái lập (2003-2023), các huyện Đông Giang và Tây Giang đã có sự thay đổi rất lớn từ bộ mặt đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, nhất là giao thông đã kết nối với thành phố Đà Nẵng với quốc lộ 14G, ĐT606 nối với huyện Kà Lùm, nước bạn Lào tại của khẩu Ch’Ơm.
Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn 2 huyện Tây Giang và Đông Giang kết nối với các huyện phía tây nam của tỉnh và lên Tây Nguyên; tuyến đường ĐT609 đã được mở rộng kết nối huyện Đại Lộc với huyện Đông Giang.
Công việc mà các địa phương tiến hành ròng rã suốt gần 50 năm, nay đã hoàn thành, đó là công tác định canh, định cư. Đến năm 2024, Tây Giang đã bố trí sắp xếp được 123 điểm tái định cư cho 63 thôn, Đông Giang - 40 thôn. Tất cả các điểm dân cư đều ở cạnh đường ô tô và tại các điểm dân cư đều có đường đi vào các nơi sản xuất. Nhiều nơi đã sản xuất ổn định lúa nước, trồng cây dược liệu, chăn nuôi tập trung... Tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch và phủ sóng điện thoại đạt gần 100%.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế được chú ý đầu tư và phát triển. Hiện nay, ở Tây Giang có 23 trường, trong đó có 12 trường đạt chuẩn quốc gia; ở Đông Giang có 28 trường, trong đó có 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống y tế của các huyện được phủ hết các xã. Riêng ở Tây Giang, ngoài các trạm y tế, huyện có 1 phòng khám đa khoa quân dân y. Các trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ dân tham gia BHYT đạt gần 100%.
Điều đáng chú ý, sau 20 năm phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của các huyện đều tăng gấp 17,5 lần (Tây Giang từ 1,4 triệu đồng/người lên 24,5 triệu đồng/người; Đông Giang từ 2 triệu đồng/người lên 35 triệu đồng/người, phấn đấu năm 2024, đạt 42 triệu đồng/người).
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp uỷ đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Tây Giang đưa ra phương châm "Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong". Hiện nay, toàn huyện Tây Giang có diện tích rừng hơn 91.300ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 74% diện tích, với nhiều cánh rừng quý như khu rừng pơ-mu, lim, rừng đỗ quyên cùng với sự đa dạng của hệ thống động thực vật quý hiếm, với hơn 2.000 cây có tuổi đời từ vài trăm năm đến cả nghìn năm.
Đến bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, phát triển kinh tế hàng hóa...
Dân số Tây Giang và Đông Giang chủ yếu là đồng bào Cơ Tu (Tây Giang có 96%, Đông Giang - hơn 70% dân số là Cơ Tu). Nhìn chung, sau hơn 20 năm tái lập, bộ mặt của các địa phương có nhiều đổi thay, các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư lớn, nhưng dân vẫn chưa thể thoát nghèo. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Tây Giang theo tiêu chí đa chiều vẫn chiếm tỷ lệ cao: 50,31%, riêng tỷ lệ hộ nghèo của 47 thôn ở 8 xã biên giới có tỷ lệ 50,64%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Đông Giang thấp hơn: 37,46%. Vì vậy, trăn trở của lãnh đạo các huyện là làm thế nào để phát triển, giảm nhanh chóng tỷ lệ hộ nghèo.
Chủ trương của Huyện ủy Tây Giang và Đông Giang đều lấy văn hóa Cơ Tu làm nền tảng phát triển và đã chủ trương “lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định xã hội; lấy văn hóa đoàn kết dân tộc; lấy văn hóa củng cố tổ chức cơ sở Đảng, giữ gìn tốt an ninh trật tự; lấy văn hóa phát triển văn hóa và lấy văn hóa thu hút đầu tư và du lịch”. Vì vậy, đã có nhiều mô hình kinh tế, du lịch nói chung bước đầu đạt kết quả tốt như Khu du lịch sinh thái Cổng Trời, các mô hình du lịch cộng đồng, gắn với khai thác tiềm năng văn hoá Cơ Tu, nghề truyền thống Bhơhồông, xã Sông Kôn và Đhơrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang; các điểm du lịch tại rừng pơ-mu, Đỉnh Quế, làng truyền thống Cơ Tu và các khu du lịch sinh thái tại xã A Tiêng, xã Lăng, huyện Đông Giang.
Những năm qua, các huyện Đông Giang và Tây Giang đều quan tâm định hướng phát triển kinh tế trong nhân dân với các phong trào khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm OCOP trên cơ sở phát huy thế mạnh về đất đai, đa dạng sinh học của địa phương. Đến nay, có hàng chục sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đạt chuẩn 3-4 sao, có thị trường tiêu thụ như chè dây Ra Zéh, ớt muối Ariêu của Đông Giang; đảng sâm sấy dẻo, táo mèo sấy khô, tinh dầu sả Java của Tây Giang; cùng với đó là quan tâm phát triển kinh tế tập thể.
Ông Bh’riu Liếc - nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Huyện uỷ Tây Giang khẳng định: “Việc phát triển kinh tế hợp tác, sản xuất hàng hoá ở miền núi nói chung, ở Tây Giang nói riêng là con đường tất yếu và hiệu quả”. Những năm qua, bênh cạnh cổ phần hoá Nông trường Quyết Thắng, trên địa bàn huyện Đông Giang đã hình thành các hợp tác xã hoạt động có kết quả như Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp và Du lịch cộng đồng sinh thái Sông Kôn, Hợp tác xã Nông – Lâm nghiệp xã Tư... Riêng ở Tây Giang đã xây dựng khoảng 10 hợp tác xã và gần 50 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực dược liệu, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động. Nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ sản xuất đẳng sâm như gia đình ông Alăng Lơ (thôn A Choong, xã Ch’Ơm, Tây Giang).
Tuy vậy, việc phát triển kinh tế hợp tác ở Đông - Tây Giang có những vướng mắc cần tháo gỡ như việc tiếp cận đất đai sản xuất, trong đó có mặt bằng để mở nhà xưởng, việc hỗ trợ của các cơ quan sau chuyển giao công nghệ khi thiết bị, máy móc hỏng hóc… như ông Bh’ríu Tư, Phó Giám đốc Hợp tác xã NLN – Du lịch Cộng đồng sinh thái Sông Kôn cho biết.
Còn ông Bhling Mia - Bí thư Huyện uỷ Tây Giang cho rằng, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện cũng có nhiều vướng mắc như việc lồng ghép các chương trình, việc xác định các đối tượng hưởng chính sách, tập tục (thói quen) trong sinh hoạt và sản xuất, nhận thức của đồng bào, nhất là lớp trẻ chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế. Ông cũng canh cánh trong lòng mình: “Qua hơn 20 năm tái lập, bộ mặt Tây Giang có nhiều đổi thay, nhiều lĩnh vực phát triển, nhưng làm thế nào để tăng thu nhập cho nhân dân trong thời gian đến là nhiệm vụ quan trọng!”.