Băng biển Nam Cực thấp kỷ lục
(QNO) - Các nhà khoa học Australia thông tin, băng biển bao quanh Nam Cực vừa đạt mức thấp kỷ lục vào mùa đông trong năm thứ hai liên tiếp.
Năm ngoái, băng biển Nam Cực thấp hơn mức trung bình 1,6 triệu kilomet vuông - bằng diện tích của Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha cộng lại. Tuần này, thậm chí băng biển ở đây còn thấp hơn nữa.
Khu vực Nam Cực từng trải qua sự biến đổi đột ngột và bất thường vào năm 2023 khi lớp băng biển bao quanh lục địa sụp đổ trong sáu tháng liên tiếp.
Các nhà khoa học Australia thông báo dữ liệu mới nhất cho thấy điều này lặp lại vào năm 2024. Vào ngày 7/9/2024, lượng băng đóng băng ở đại dương ít hơn cùng ngày năm ngoái.
"Những gì chúng ta thực sự đang nói đến là hai sự kiện cực đoan đáng kinh ngạc. Năm ngoái diễn ra bất thường và điều này lại xảy ra một lần nữa" - Tiến sĩ Will Hobbs - nhà nghiên cứu về băng biển tại Đại học Tasmania (Australia) nói.
Tiến sĩ Will Hobbs nói thêm, thế giới ghi nhận hai năm qua là hai năm ấm nhất đối với hành tinh với nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Sự ấm lên toàn cầu hiện thấy rõ trong các đại dương xung quanh Nam Cực khi băng biển tan kỷ lục.
Trong khi các nhà khoa học phát hiện tác động đáng kể của mức băng biển thấp đối với thời tiết và khí hậu, các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu góp phần làm tăng các trận mưa vào mùa hè và những ngày mùa đông khô ráo ở Australia nói riêng, tại nhiều nơi trên thế giới nói chung.
Ngoài ra, các nhà khoa học từ của Anh phát hiện sự sụt giảm kỷ lục của băng biển Nam Cực vào cuối năm 2022 có thể dẫn đến cái chết của hàng nghìn chú chim cánh cụt hoàng đế con.
Tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học cảnh báo đợt nắng nóng phá kỷ lục diễn ra vào thời điểm thường là lạnh nhất ở nơi lạnh nhất trên trái đất - Nam Cực làm dấy lên lo ngại về tác động đối với "sức khỏe" trong tương lai của lục địa Nam cực, trái đất và hậu quả có thể gây ra cho hàng triệu người trên toàn cầu.
Dù viễn cảnh rất tồi tệ, nhân loại chưa thể từ bỏ việc cắt giảm lượng khí thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính khiến nhiệt độ toàn cầu tăng.
Tính đến ngày 7/9/2024, diện tích băng biển tại Nam Cực chỉ đạt 17 triệu kilomet vuông. Trước đó, mốc thấp kỷ lục 17,1 triệu kilomet vuông ghi nhận vào ngày 7/9/2023. Tiến sĩ Will Hobbs nói có thể mất hàng thập kỷ để băng biển Nam Cực phục hồi sau sự kiện năm ngoái và đến lúc đó, tác động lâu dài của tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ trở nên rõ ràng.