Đời sống

Ám ảnh trận lụt năm Thìn

PHẠM LÂM 14/09/2024 09:09

Một đời người có hằng hà sa số sự kiện đi qua, nhưng với tôi, trận lụt năm Giáp Thìn 1964 là nỗi ám ảnh kinh hoàng không thể nào phai.

459-202407011533201.jpg
Ông Nguyễn Văn Tàu (làng An Toàn) hồi tưởng lại trận lụt năm Giáp Thìn - 1964. Ảnh: PL

Trận lụt “bất quá”

Làng tôi nằm bên bờ sông Tranh, xã Sơn Bình (Hiệp Đức). Ngày 15/9 âm lịch của 60 năm trước, cơn lũ đầu mùa xuất hiện. Nước dâng lên ruộng, cá lội đầy đồng. Người dân trong làng vác dao, vác rựa đua nhau bì bõm để mang về những chú cá của cơn lụt đầu mùa về làm cơm.

Vài ngày sau đó, trời dần tạnh mưa, nhưng nước lũ ở các chân ruộng vẫn chưa chịu rút về lòng sông. Rồi những ngày kế tiếp trời lại đổ những cơn mưa vừa, nước lũ lại dâng cao rồi xuống thấp, cứ lai rai cho đến ngày mùng 4/10. Sang ngày mùng 5, trời bắt đầu đổ những cơn mưa lớn, rồi mưa dồn dập, mưa càng ngày càng dữ dội hơn.

Nước lũ bắt đầu lên nhanh, nhanh đến mức không tưởng tượng được. Những nhà ở nơi trũng thấp bắt đầu dọn dẹp đồ đạc, heo, gà để đưa lên những nhà ở nơi cao hơn. Chưa dọn dẹp xong thì nước lên sân, vào nhà. Những nhà ở cao hơn tiếp tục chạy, và lúc này gần như không ai kịp dọn đồ đạc nữa, ngoài việc mang theo những bộ quần áo trong tay.

Trong lúc dọn dẹp đồ đạc, ai nấy cũng cho rằng, “bất quá” nước đến sân, rồi “bất quá” nước khỏa nền nhà, người khác lại bảo “bất quá” nước lên nửa phên là cùng (lúc bấy giờ chủ yếu là nhà phên tre). Bởi vì hàng trăm năm nay nhiều nhà chưa bao giờ nước lũ đến. Vì vậy, về sau người dân quê tôi gọi trận lụt này là trận lụt “bất quá”.

Chiều hôm đó, trời tiếp tục mưa, nước tiếp tục dâng cao, đến tối, gần như toàn bộ những ngôi làng dọc bờ sông Tranh chìm trong biển nước. Vậy là trong đêm tối, tất cả người dân trong làng tiếp tục dìu dắt nhau leo lên những đồi cao để trú ngụ.

Cách xóm tôi chừng độ 500 mét về hướng Tây Bắc, có hai cái gò liền kề nhau, người dân thường gọi là Cấm Làng và Vườn Giao. Những người dân ở dọc bờ sông Tranh khi chiều đã kéo nhau lên trú ngụ ở đó. Họ nghĩ rằng nước lũ không bao giờ dâng ngập nơi đây.

Nhưng đến khoảng 12 giờ đêm thì nước bắt đầu tràn ngập. Mọi người cùng nắm tay nhau quyết trụ lại trước giờ sinh tử. Nước tiếp tục dâng lên. Những người già yếu bu bám vào thân cây, những trẻ em bám trên lưng cha mẹ lần lượt thả tay, rồi trôi theo dòng nước.

Giỗ chung cả làng

Ông Phạm Văn Dõng, sinh năm 1953, lúc đó 11 tuổi, là một trong những người còn sống sót qua đêm hôm đó. Ông kể lại, nhìn thấy những đứa em mình, những người thân trong gia đình mình và hàng xóm lần lượt buông tay, bị dòng nước cuốn trôi mà cam chịu. Khi nghĩ mình cũng sắp sửa ra đi, nhưng may thay, mức nước dâng lên độ cao khoảng chừng trên một mét thì dừng lại, không dâng thêm nữa.

459-202407011533202.jpg
Làng An Toàn (xã Hiệp Thuận) sau trận lụt Giáp Thìn - 1964. Ảnh: PL

Suốt trong sáu, bảy tiếng đồng hồ, ông nắm chặt tay người cha mình, cho đến khi trời sáng, được một số ghe thuyền đến cứu vớt. Qua một đêm chống chọi với thủy thần trên đỉnh Cấm Làng và Vườn Giao, làng tôi có 18 người vĩnh viễn ra đi. Riêng gia đình anh Phạm Văn Dõng đã có đến 5 người bị dòng nước cuốn trôi.

Đến khoảng 9 giờ sáng ngày mùng 7, nước lại tiếp tục dâng cao, gần như cả xã Sơn Bình, làng Đông An, một phần xã Quế Thọ và toàn bộ xã Hiệp Thuận, xã Hiệp Hòa bị chìm trong biển nước. Nước lênh láng, mênh mông.

Nước đổ cuồn cuộn, cây vườn, cây rừng, cây nhỏ, cây to, đến những cây cổ thụ, cả những bụi tre cổ xưa đều bật gốc trơ cành. Những ngôi nhà tranh, những mái chuồng trâu, chuồng bò nhào lộn theo dòng nước, thỉnh thoảng có những người còn bu bám trên những nóc nhà đang nhào lộn giữa dòng thác lũ kêu cứu trong tuyệt vọng.

Làng An Toàn là một vùng đất màu mỡ thuộc xã Hiệp Thuận. Phía ngoài là dòng sông Tranh, phía trong là vùng trũng thấp bao bọc từ đầu làng đến cuối làng.

Ông Nguyễn Văn Tàu, năm nay đã ngoài 75 tuổi, một trong những người còn sống sót kể lại rằng: Lúc bấy giờ, làng An Toàn có khoảng hơn 100 hộ với gần 500 người dân sinh sống. Vậy mà chỉ trong một đêm ngày mùng 6/10 năm ấy đã cướp đi mạng sống của 473 người và 32 người lính của một trung đội nghĩa quân thuộc chính quyền cũ. Như vậy, sau trận lụt đó chỉ một thôn mà đã có hơn 500 người ra đi.

Sau khi nước lũ rút đi, cả vùng đất Hiệp Đức dọc đôi bờ sông Tranh trơ trụi. Không một bóng cây, không một nóc nhà, chỉ còn lại một lớp bùn bồi đắp cao từ một đến hai mét, không còn nhận ra đường đi lối về.

Tại thôn An Toàn, những người còn sống sót, những người làm ăn sinh sống các nơi quay về tìm kiếm, chôn cất người thân của mình đang bị vùi lấp trong lòng đất. Rồi họ dựng tạm những ngôi nhà tranh tre nứa lá, lập bàn thờ, thờ cúng vong linh những người đã khuất.

Trong đó có rất nhiều gia đình không còn một ai sống sót, và rất nhiều người vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng sông hay biển cả.
Kể từ đó, hằng năm, cứ vào ngày mùng 4 và mùng 5 tháng 10 âm lịch, cả làng đều giỗ chung, chong hương đèn suốt trong hai ngày liền để tưởng nhớ vong linh những người đã khuất.

Từ nỗi đau của trận lụt ấy, ông Đỗ Tấn Đệ ở xã Sơn Bình đã viết nên một bài văn tế, nhưng tiếc rằng không còn ai nhớ trọn vẹn: “Hỡi ôi, sóng vỗ Đồi Sơn/Mây giăng núi Lớn, gió vờn đồng quê/Cả bốn hướng tứ bề ngập hết/Nước giăng giăng như thác lũ tràn về...”.

PHẠM LÂM