Thế giới

Bài học về quảng bá văn hóa

PHÚC QUÂN 14/09/2024 08:30

Quảng bá văn hóa qua các phương tiện truyền thông và nghệ thuật trở thành chiến lược quan trọng để xây dựng hình ảnh quốc gia. Một trong những minh chứng điển hình gần đây là sự ra đời của Black Myth: Wu Kong, tựa game AAA đầu tiên của Trung Quốc.

Hình ảnh trong Black Myth: Wu Kong mô phỏng các địa danh du lịch nổi tiếng Trung Quốc
Hình ảnh trong Black Myth: Wu Kong mô phỏng các địa danh du lịch nổi tiếng Trung Quốc

Game AAA là thuật ngữ dùng để chỉ những trò chơi có chất lượng cao nhất, thường được phát triển bởi các studio lớn với ngân sách khổng lồ và thời gian phát triển kéo dài. Mặc dù tiềm năng lợi nhuận lớn, nhưng rủi ro cũng rất cao. Nếu game không thành công, các khoản đầu tư khổng lồ có thể dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng cho nhà phát triển.

Black Myth: Wu Kong là một dự án game hành động nhập vai được phát triển bởi Game Science, một studio game độc lập tại Trung Quốc. Lấy cảm hứng từ “Tây du ký” - một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc cùng đồ họa ấn tượng và gameplay đặc sắc, Black Myth: Wu Kong đã xô đổ mọi kỷ lục để trở thành trò chơi điện tử bán chạy nhất mọi thời đại.

Đã có hơn 10 triệu bản game bán ra trong tuần đầu tiên, tạo nên cơn sốt phấn khích trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội.

Tân Hoa Xã và Thời báo Hoàn Cầu liên tục ca ngợi game là cột mốc không chỉ của ngành công nghiệp sản xuất trò chơi điện tử mà là của cả văn hóa và nghệ thuật Trung Quốc.

Sự thành công của Black Myth: Wu Kong phải kể đến vai trò của các chính sách hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc, nổi bật là các khoản vay ưu đãi và giảm thuế cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và giải trí số.

Ngoài ra, chính phủ này cũng khuyến khích và hỗ trợ các nhà phát triển game khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống, như lịch sử, văn học và huyền thoại dân gian, trong các sản phẩm của mình.

Điều đáng nói là chỉ cách đây một thời gian ngắn, trò chơi điện tử vẫn bị chính phủ Trung Quốc coi là “tệ nạn”, với hàng loạt quy định ràng buộc cũng như thủ tục cấp phép khó khăn.

Không chỉ đem lại thành công cho nhà phát triển, Black Myth: Wu Kong đã thổi luồng sinh khí mới vào ngành du lịch văn hóa của Trung Quốc.

Trò chơi tái hiện sống động 36 danh thắng nổi tiếng trên khắp Trung Quốc, sau sự ra mắt vô cùng thành công, các cơ quan quản lý văn hóa và du lịch nhanh chóng chớp thời cơ quảng bá các điểm tham quan liên quan.

Khu danh thắng Vân Trung Đại Kỷ ở Chiết Giang tặng vé vào cửa miễn phí cho người chơi đã hoàn thành chương thứ tư của trò chơi, nơi có địa danh này xuất hiện.

Tương tự, chùa Linh Nham ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, cũng miễn phí vé vào cửa cho những ai hoàn thành chương thứ ba. Ban quản lý Núi Hoa Quả ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô cũng thông báo tất cả người chơi hoàn thành trò chơi đều được mời đến thăm quê hương của Tôn Ngộ Không miễn phí.

Tại tỉnh Sơn Tây ở miền Bắc Trung Quốc, nơi có nhiều địa điểm lịch sử xuất hiện trong trò chơi, bộ phận văn hóa và du lịch địa phương đã phát động sáng kiến “Du lịch với Ngộ Không tại Sơn Tây”, cung cấp các tuyến du lịch đặc biệt kết nối du khách với các địa điểm trong trò chơi. Đây là ví dụ điển hình cho việc sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số hiện đại để quảng bá và nâng cao trải nghiệm văn hóa truyền thống.

Sự thành công của Black Myth: Wu Kong đã chứng minh rằng, khi văn hóa và công nghệ kết hợp, có thể tạo ra những sản phẩm không chỉ mang tính giải trí mà còn có giá trị văn hóa to lớn. Đây cũng là bài học trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông và giải trí số để xây dựng và quảng bá hình ảnh văn hóa quốc gia.

PHÚC QUÂN