Tư duy làng nghề thời hội nhập
(VHQN) - Có những hoài vọng, tiếc nuối. Có những trăn trở, âu lo. Có cả những nỗ lực và khát vọng. Nghề thủ công và làng nghề truyền thống luôn mang trong mình dấu ấn văn hóa của mỗi làng quê, mỗi vùng đất.
Nhưng trên hết và trước hết, hoạt động của làng nghề là hoạt động kinh tế. Mà quy luật kinh tế thì không phụ thuộc ý muốn chủ quan của con người.
Trăm năm dâu bể
Tuổi nhỏ của tôi đã quen thuộc với thanh âm rộn rã trên khúc sông quê sau những buổi chiều tà. Mỗi ngày, khi mặt trời vừa khuất núi, cũng là lúc một quãng sông bình yên trở nên sôi động lạ thường.
Hàng chục, có khi cả trăm người làng cùng đổ ra bến sông, lỉnh kỉnh công cụ hành nghề thô sơ như: nơm, lờ, đó, ục ục, nhũi, rớ, rập… (các công cụ đánh bắt tôm cá). Tiếng nói, tiếng cười và đủ loại âm thanh va đập từ các công cụ làm nghề xuống mặt nước rộn vang cả một đoạn sông.
Làng nghề đan tre Xóm Bàu (xã Duy Thành, Duy Xuyên) hồi đó nổi tiếng cả vùng. Hầu như già, trẻ, gái, trai đều tham gia các công đoạn sản xuất sản phẩm của làng nghề.
Đủ loại: từ dụng cụ phục vụ sinh hoạt gia đình hằng ngày đến công cụ lao động sản xuất, đánh bắt tôm cá đều từ cây tre; và hàng trăm loại sản phẩm của làng tỏa đi khắp nẻo.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới và quá trình hội nhập, phát triển kinh tế ngày càng sôi động diễn ra song hành với sự suy thoái, lụi tàn của làng nghề đan tre ở Xóm Bàu. Làng tôi và nhiều làng quê khác, những hàng tre dần thưa thớt.
Các cụ già tỏ ra tiếc nuối, muốn giữ lại nơi vườn nhà vài bụi tre, để khi chết có cái lạt “bó quan”, cuối cùng cũng không giữ nổi. Theo thời gian, “quan” đã không còn cần lạt tre để bó, cũng như trẻ thơ đã không còn cần những chiếc nôi tre…
Đầu năm 1990, tôi có chuyến thực tập tốt nghiệp tại làng mộc mỹ nghệ Kim Bồng (Hội An). Mới bắt đầu công cuộc đổi mới ít năm, nhưng những lão nghệ nhân của làng đã bày tỏ lo âu vì sự thiếu vắng của lớp kế nghiệp của một làng nghề đã nổi tiếng hàng mấy trăm năm.
“Bây giờ bọn trẻ có nhiều việc để làm, sẽ đến lúc không còn ai theo nghề của cha ông nữa”- một lão nghệ nhân ngậm ngùi.
Chiếu cói Duy Vinh; mộc Văn Hà; đan tre Xóm Bàu, Tam Vinh; ươm tơ dệt lụa Duy Trinh;… và bao làng nghề truyền thống nổi tiếng khác khắp xứ Quảng đã lụi tàn, biến mất, hoặc đang dần thoi thóp?
Giữ “lửa” và phát triển làng nghề
Sự đa dạng trong quá trình hình thành nguồn gốc cư dân cùng những bước tiến kinh tế, công nghệ, văn hóa, giao lưu, hội nhập đã giúp xứ Quảng nổi danh là “đất trăm nghề”. Đó là niềm tự hào, là vốn văn hóa và hành trang vật chất quan trọng để Quảng Nam tiếp tục tiến bước trên hành trình công nghiệp hóa và hội nhập.
Đã có nhiều đề án, dự án và rất nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương cùng với người dân nhằm khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề.
Nhưng trước hết, và trên hết là sự ra đời, tồn tại, phát triển hay diệt vong của sản phẩm làng nghề, nghề thủ công luôn gắn liền với bước chuyển của đời sống kinh tế - xã hội và văn minh nhân loại. Hội nhập, giao lưu quốc tế càng mở rộng, cơ hội và thách thức đối với mỗi làng nghề càng nhiều hơn.
Nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống đúc đồng Điện Phương và nhiều “nhà” tương tự ở các làng nghề khác trong tỉnh từ vài chục năm trước, mỗi cái tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, bao năm nay trở nên vắng vẻ.
Nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất được đầu tư ở làng chiếu cói Duy Vinh, dệt Nam Phước không còn hữu dụng. Chưa kể, có thêm nhiều hình thức hỗ trợ khác nhằm khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống ở các địa phương nhưng cũng không cứu nổi sự tồn tại của nhiều làng nghề.
Gần đây, nhiều ý kiến tiếp tục kêu gọi hỗ trợ các làng nghề về vốn vay ưu đãi, đăng ký nhãn hiệu, quảng cáo sản phẩm, nhất là đầu tư thiết bị đổi mới công nghệ để gia tăng năng lực sản xuất và cạnh tranh trên thị trường.
Lý do là các chủ thể sản xuất của làng nghề (hợp tác xã, hộ sản xuất) đều là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nên rất cần được hỗ trợ nhiều. Liệu có đúng và cần thiết với tất cả làng nghề?
Câu trả lời có lẽ nên bắt đầu từ những tín hiệu của thị trường và các giá trị văn hóa ẩn chứa trong mỗi sản phẩm của làng nghề, nghề truyền thống. Về cơ bản, sự tồn tại và phát triển của mỗi làng nghề là khác nhau. Nó phụ thuộc những yếu tố đầu vào riêng có của mỗi làng nghề (nguyên liệu sản xuất, trình độ tay nghề, bản sắc văn hóa).
Đặc biệt, đầu ra sản phẩm của đa số làng nghề thủ công truyền thống là những thị trường ngách, không phải phục vụ đại trà như hàng công nghiệp. Bởi vậy, không phải tất cả làng nghề đều cần thiết đầu tư với những cách giống nhau.
Cũng không nên gắng gượng đổ vốn vào các làng nghề mà sản phẩm đã không còn lý do nào để tồn tại trên thương trường. Càng không cần thiết những dự án đầu tư hỗ trợ làng nghề một cách nóng vội, hời hợt, chủ quan, đo may “đồng phục” cho các làng nghề.
Vĩ thanh…
Cuối năm rồi, dạo qua hội chợ xuân tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, tôi tình cờ gặp được một hậu nhân của làng mộc Kim Bồng. Một bạn trẻ trình làng bằng những sản phẩm gỗ nghệ thuật điêu khắc độc đáo, hoàn toàn thủ công. “Em vẫn theo nghề mộc của cha ông, nhưng hàng của em là độc bản, kén khách. Tuy vậy, vẫn có đầu ra”- bạn trẻ tự hào.
Nghề đan tre ở nhiều làng quê xứ Quảng hoặc đã lụi tàn, hoặc đang èo uột, nhưng nhiều thợ tre ở làng quê Cẩm Thanh (Hội An) vẫn đang sống khỏe với những sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre, hay các công trình khách sạn, nhà hàng mọc lên ngày càng nhiều ở Hội An, Đà Nẵng,…
Ngược lên làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), gần đây xuất hiện một làng nghề thủ công hoàn toàn mới lạ - nghề sản xuất các sản phẩm dân dụng từ… mo cau!
Nhớ lại cách đây hơn mười năm, tôi có dịp tham quan một xưởng sản xuất sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống ở Hàng Châu (Trung Quốc).
Chỉ là một cơ sở nhỏ, vài chục người làm nghề, nhưng điều bất ngờ là câu chuyện về sự ra đời, lịch sử phát triển và các công đoạn làm ra sản phẩm được tái hiện vô cùng sinh động, cuốn hút qua nhiều hình ảnh trực quan nơi đây.
Đến nỗi, mỗi du khách trong đoàn, trước khi rời đi đều có trong tay vài thứ, dẫu biết rằng rất đắt đỏ so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường ra đời từ các nhà máy công nghiệp.
Và trong thời đại của công nghệ điện tử, công nghệ số, ở xứ sở đồng hồ Thụy Sĩ, những người thợ thủ công vẫn miệt mài, tỉ mỉ chế tác những chiếc đồng hồ có giá bán lên đến hàng chục ngàn đô la.
Một cách nào đó, làng nghề truyền thống và nghề thủ công luôn có lối đi riêng….
Vấn đề là cách thức chúng ta tiếp cận, thúc đẩy và thậm chí không cần níu kéo.