Văn hóa

Đá thức

HỨA XUYÊN HUỲNH 15/09/2024 08:47

Sau giấc ngủ dài vì bị khuất lấp đâu đó, những khối đá lạ lẫm lại thức dậy để làm chứng cho lịch sử hàng triệu triệu năm tồn tại. Và những bí ẩn của quá khứ, cũng lần hồi được giở ra.

3.jpg
Đá ở gành Đá Đĩa (Phú Yên) không chỉ được khoanh vùng bảo vệ mà còn lưu truyền những câu chuyện dân gian. (ẢNH: H.X.H)

“Nên tôn kính thiên nhiên”

Khi dạo bước đến gần cuối con đường lát gỗ trong khu di sản thiên nhiên thế giới Cửu Trại Câu rộng mênh mông ở phía bắc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), tôi thấy tấm bảng giới thiệu song ngữ Trung – Anh về một hiện vật mang cái tên khá lạ: “8.8 石”, “8.8 Rock”, tức tảng đá ngày 8 tháng 8. Tảng đá ấy nằm nghiêng cách đó tầm 15 mét, sát mép nước suối mùa cạn.

Đoạn ghi chú bằng tiếng Anh dài 109 chữ mô tả ngắn gọn “lý lịch” tảng đá ấy. Cao 9,2 mét, thể tích 163 mét khối, trọng lượng 522 tấn, tảng đá được hình thành trong môi trường biển cách đây 320 triệu năm, là một loại đá vôi. Tảng đá rơi từ độ cao 2.654 mét xuống thung lũng sau trận động đất 7 độ Richter xảy ra tối 8/8/2017.

“Trận động đất khiến tảng đá vỡ ra khỏi núi và đổ xuống, phá hủy thảm thực vật và đào một rãnh lớn dọc đường đi của nó”, dòng ghi chú in trên bảng giới thiệu.

1.jpg
Du khách chụp ảnh "đá 8.8" trong khu Cửu Trại Câu, Trung Quốc (ẢNH: H.X.H)

“Đá 8.8” như một nhân chứng nhắc nhớ lại vụ thiên tai năm 2017 khiến 24 người tử nạn, hàng trăm người bị thương, khu danh thắng tổn hại nghiêm trọng.

Nhiều ngôi nhà ở huyện Cửu Trại Câu bị sập tường, và bản tin trên Sichuan Daily dẫn thêm chi tiết: “Con đường dẫn từ huyện tới khu danh thắng có đá rơi”. Trong những viên đá rơi hôm ấy, có tảng đá lớn được đặt tên “đá 8.8” dù rơi âm thầm bên trong Cửu Trại Câu.

Không quên trận thiên tai trong quá khứ, nhưng thật thú vị khi chuyện về tảng đá rơi, vết xước để lại trên sườn núi, cả sự hiện diện của tảng đá ấy bên bờ suối nay còn trở thành một điểm check-in. Và càng ngạc nhiên hơn khi tảng đá còn mang theo một thông điệp.

Tôi đọc thấy câu cuối cùng này trên bảng giới thiệu: “Đá khắc 8.8 gợi ý rằng chúng ta nên tôn kính thiên nhiên”.

Văn hóa đá

Một ngày giữa cuối tháng 9 cách đây 5 năm, các công nhân điều khiển xe múc trong khu vực khai thác mỏ đá trên vùng núi ở địa phận TP.Tuy Hòa (Phú Yên) phát hiện vỉa đá lạ bên dưới. Và rồi, mỏ đá ấy được gọi tên mới, “gành Đá Đĩa 2”, bởi hình dạng có nhiều điểm tương đồng với đá đĩa ở danh thắng quốc gia gành Đá Đĩa sát mép biển ở phía bắc huyện Tuy An.

Vỉa đá đĩa ấy thức giấc như một cơ duyên. Trước khi xe múc thọc sâu xuống lòng đất, những viên đá lạ lẫm này đã từng được nhiếp ảnh gia ở Phú Yên bắt gặp trong một lần săn ảnh cách đó ngót 15 năm, nhưng chỉ là vạt rất nhỏ lộ thiên và không gây nhiều chú ý.

Ngay trong khu vực gành Đá Đĩa ngoài mép biển Tuy An, vẫn có vỉa đá lẩn khuất đâu đó chờ ngày phát lộ. Cách không xa lối đi xuống gành Đá Đĩa, cây bụi và lớp đất bề mặt đã “giấu” một vỉa đá tuyệt đẹp như thế, rộng hơn 500m2, cho mãi đến tháng 8/2018 mới được nhà khoa học và cán bộ ngành văn hóa Phú Yên phát hiện.

Tôi nhớ đến gành Đá Đĩa ở Phú Yên, nhất là “gành Đá Đĩa 2” vì vừa phát lộ dãy núi đá đĩa ở vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam), bởi nhận thấy một số điểm tương đồng lý thú.

2.jpg
"Đá 8.8" được giới thiệu chi tiết kèm thông điệp. (ẢNH: H.X.H)

Ngoài hình dạng cột đá, tên gọi ban đầu, cùng ở trên núi… thì giữa vách đá đĩa Phước Sơn và “gành Đá Đĩa 2” Phú Yên còn giống ở cách thức lộ diện: được công nhân tình cờ phát hiện.

Vách đá Phước Sơn nằm gần nơi đặt turbin thủy điện Nước Chè, chỉ có một ít lộ thiên nhưng cũng bị cây cối che khuất. Mãi đến khi công nhân đào đường dẫn nước từ đập chính đến turbin, vách núi lạ kỳ ấy mới lộ ra với hình dạng kỳ thú dạng cột, hình tứ giác, lục giác, vuông, tròn, kéo dài gần 1km.

Cũng như chuyện ở “gành Đá Đĩa 2” cách đây 5 năm, giờ đây chính quyền huyện Phước Sơn đã vào cuộc khảo sát, khoanh vùng bảo vệ, đề xuất quy hoạch. Những ý tưởng về du lịch cũng dần nảy sinh.

Bởi không có cơ hội nào tốt hơn khi ở vùng cao Quảng Nam lại xuất hiện những cột đá lạ, có thể là đá bazan, có thể đá ấy đang cất giấu lịch sử hàng triệu năm hình thành từ dòng dung nham núi lửa, có thể gợi mở thêm góc nhìn mới về địa chất, có thể sẽ làm nên điểm đến mới…

Nhưng đá không chỉ gợi mở về địa chất và du lịch. Đá còn gợi mở về văn hóa.

Tôi còn nhớ nhà văn – nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển khi ngang qua vùng quê Tiên Phước nhìn thấy những ngõ đá, hàng rào đá, bậc thang đá, mộ đá, bẫy đá, cả những tảng đá kỳ bí ở Lò Thung… đã cao hứng luận về “một dạng văn hóa dân gian trên 500 năm”. Và ông gọi đó là văn-hóa-đá.

Đá Tiên Phước đã đi vào ca dao, “có duyên lấy được chồng nguồn/ ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui”, đi vào thơ của cụ Huỳnh Thúc Kháng khi vịnh đá Lò Thung. Còn đá đĩa Phú Yên cũng đã kịp “tương tác” với dân gian về nguồn gốc gành đá, để có câu chuyện kể cho du khách nghe về truyền thuyết kho tàng biến thành đá, hay những chén vàng đĩa ngọc do thần tiên giáng trần mở tiệc rồi bỏ quên…

*
* *

Đá vôi rơi ở Tứ Xuyên nhắc nhớ con người nên tôn kính thiên nhiên. Đá đĩa ở Phú Yên tiết lộ về một vùng nham thạch và công viên địa chất. Ở Quảng Nam, đá nổi bên suối và đá chẻ dọc đường làng Tiên Phước gợi về một vùng văn hóa.

Liệu vách đá đĩa ở vùng cao Phước Sơn có sớm tạo được sự cộng hưởng giữa địa chất và sinh hoạt cộng đồng, để từ đó cùng ngành du lịch nối dài đời sống của kiệt tác thiên nhiên?

HỨA XUYÊN HUỲNH