Ẩm thực

Thức quà mùa trăng

LÊ NGỌC 15/09/2024 08:00

Lớp ký ức tuổi thơ sáng trong đầy màu sắc về dịp Tết Trung thu, khi quây quần bên gia đình yêu thương cùng những thức quà bình dị, như lần giở ra mỗi độ trăng rằm tháng Tám.

2 (1)
Thưởng trà dùng bánh trung thu trong đêm trăng rằm. Ảnh: L.N

Ký ức gắn nếp nhà

Mỗi năm đến Tết Trung thu, dọc hai bên đường Sài Gòn xuất hiện rất nhiều lồng đèn đủ mọi kiểu dáng, sắc màu.

Là một đứa trẻ thành thị may mắn, mỗi dịp Trung thu về, tôi lại được cha mẹ mua cho chiếc lồng đèn mới, háo hức chờ đến đêm Trung thu để rước đèn với lũ trẻ hàng xóm.

Những năm 1990, tuy túi tiền chẳng mấy khi rủng rỉnh, nhưng cha mẹ thường chắt chiu mua vài chiếc bánh trung thu để cả nhà cùng thưởng thức. Vì Tết Trung thu đâu thể thiếu bánh trung thu.

Mong chờ là thế, vậy mà, đêm trăng rằm tháng Tám nào trời cũng mưa rả rích. Mấy đứa trẻ con chúng tôi sẽ tập trung ở sân nhà một ai đó (và thông thường là sân nhà tôi), khoe nhau những chiếc lồng đèn xinh xắn, nhảy nhót, trò chuyện líu lo.

Bao giờ chạy nhảy chán, chúng tôi ngồi tụm năm tụm bảy giữa sân, đốt những cây nến nhỏ màu đỏ, xếp chúng thành một vòng tròn hoặc thành hình trái tim.

Những chiếc đầu bé xíu vừa ngắm ánh sáng ấm áp tỏa ra từ những ngọn nến, vừa lắc lư theo giai điệu “tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh…”.

Trong lúc bọn trẻ con vui vầy với nhau, căn bếp của mỗi gia đình đang đỏ lửa. Người lớn chuẩn bị cơm tối xong sẽ gọi bọn trẻ í ới. Chúng tôi tản ra, đứa nào đứa nấy về nhà ăn cơm.

Bữa cơm của gia đình tôi không có món ăn truyền thống cho dịp Tết Trung thu, nhưng mỗi bữa bà nội nấu đều sẽ đầy đủ món mặn, món rau và món canh. Riêng sự đủ đầy của mâm cơm gia đình đã là một đại diện cho nếp nhà gắn liền với ký ức tuổi thơ mà mãi về sau, dù đi đâu, làm gì, tôi vẫn không cách nào quên được. Khi có gia đình nhỏ của riêng mình, tôi vẫn thích nấu những bữa cơm đầy đủ các món, nhất là vào dịp Trung thu.

Bánh trung thu

Sau bữa cơm, người lớn thường cắt bánh trung thu và gọi bọn trẻ đến cho mỗi đứa một miếng. Thời đó, bánh trung thu ngon nổi tiếng có thể tìm mua được ở các thương hiệu lâu đời như Givral, Brodard, Đồng Khánh, Như Lan, Hỷ Lâm Môn… Nhân bánh gồm các vị cơ bản như thập cẩm gà xé, khoai môn, đậu xanh, hạt sen…

3 (1)
Bánh trung thu nhân trứng muối. Ảnh: L.N

Một hộp bánh trung thu thường có 3 chiếc bánh nướng và một chiếc bánh dẻo. Nhân bánh tôi thích hơn cả là nhân thập cẩm có vị mặn, vị ngọt, độ giòn, độ dẻo kết hợp hài hòa từ chà bông, lạp xưởng, mứt bí, mứt sen, mỡ đường, hạt vừng, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, cùng một chút vị nhẫn nhẫn của lá chanh và vị béo của trứng muối. Đôi lúc, trứng muối nằm lệch sang một bên thay vì nằm giữa chiếc bánh, nên lúc cắt bánh không tránh khỏi việc làm cho phần trứng muối chia không đều nhau.

Mãi về sau, có dịp hòa vào không khí Tết Trung thu ở quê chồng tại huyện Ba Vì, thưởng thức những chiếc bánh Trung thu ngon lành, tôi mới được biết ở miền Bắc, bánh trung thu thập cẩm truyền thống không có trứng muối. Bánh trung thu miền Bắc khác với miền Nam ở chỗ ít ngọt hơn và được thưởng thức kèm ấm trà nóng.

Hình dáng mềm mại của mỗi chiếc bánh tượng trưng cho vầng trăng sáng tỏ mỗi dịp rằm tháng 8. Thế nhưng tôi vẫn cứ thích tin vào lý lẽ của đứa trẻ ngày nào rằng lòng đỏ trứng muối mới chính là vầng trăng tôi thường nhìn thấp thoáng thoáng sau những tòa nhà cao tầng của thành phố.

Những thức quà mùa trăng cũng như ký ức – với mỗi người đều khác biệt. Ở làng quê của anh, hằng năm, mỗi xóm thường cắt dán giấy, vót tre làm thành những chiếc kiệu lớn. Đến ngày rằm, người dân trong làng nối đuôi nhau cùng rước kiệu từ trong làng ra sân đình.

Trong những câu chuyện về kỷ niệm tuổi thơ của chồng tôi còn có hình ảnh một cậu bé xếp mấy cánh chuồn bằng lá tre, làm chong chóng bằng lá dứa đã tước bỏ gai, nổ bỏng ngô, phụ bác làm chè lam vào những ngày mưa dầm dề, rồi bắt chước người lớn bày một đĩa chè lam cùng ấm trà, vừa ăn chè vừa uống trà với mấy đứa trẻ cùng xóm.

Hay như người bạn gốc Triều Châu của tôi kể rằng gia đình bạn thường thưởng thức bánh pía thay cho bánh trung thu. Những chiếc bánh hình tròn, vỏ xốp, nhân ngọt gắt kết hợp với trà đắng, tiếng nói cười của những người thân cận là sự tưởng thưởng cho hành trình lớn lên của riêng cô ấy.

Bây giờ, thị trường bánh trung thu phát triển với nhiều hương vị phong phú, đầy tính sáng tạo như phô mai, đậu đỏ, đậu xanh sữa dừa, hạt dẻ, trà xanh... Về hình thức, những chiếc bánh còn được tô điểm bởi lớp vỏ màu hồng, tím, đen, xanh lá, xanh rêu… được đắp hoa văn nổi và phủ ánh nhũ vàng trông vô cùng bắt mắt.

Đương nhiên, bởi yêu ẩm thực và tò mò về sự phối hợp các nguyên liệu khác nhau nên tôi thích thử hầu hết hương vị mới. Tuy nhiên, hương vị của những chiếc bánh ngày xưa vẫn mang đến cảm giác của một tình yêu thân thuộc khi làm đứa trẻ thơ được chở che, ôm ấp trong tình yêu thương...

LÊ NGỌC