Tác phẩm, tác giả

Hùng binh - tiểu thuyết hào hùng

THÁI BÁ DŨNG 15/09/2024 08:34

“Hùng binh” kể lại câu chuyện về đội Hùng binh Hoàng Sa ở Lý Sơn những năm thời vua Minh Mạng ngự trị. Hơn 500 trang sách của tác giả Đặng Ngọc Hưng sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc dữ liệu lớn về biển.

sách hùng binh
Tác phẩm Hùng Binh của tác giả Đặng Ngọc Hưng. Ảnh: T.B.D

Hơn cả một tiểu thuyết

Thời vua Minh Mạng ngự trị, Hoàng Sa trên bản đồ biển “như là những mảng thẫm xanh đậm nổi lên và rõ dần trước mặt người” trong mỗi hải trình ngược từ cảng thị Hội An hướng về Nhật Bản, Trung Hoa, Phi Luật Tân (Phillipines).

Để xác lập chủ quyền Hoàng Sa, vua Minh Mạng đã có chủ trương đưa người lên các đảo nổi để cắm mốc chủ quyền. Triều đình yêu cầu cai quản xứ Quảng Ngãi lập ra một đội hùng binh chuyên ra Hoàng Sa để làm các nhiệm vụ được giao.

Đội hùng binh Hoàng Sa cũng có nhiệm vụ coi sóc đảo, giúp đỡ tàu thuyền và ngư dân không may gặp nạn. Đặc biệt là phải giám sát, kiểm tra sự tồn tại của các cột mốc chủ quyền đã được cắm xuống trên quần đảo Hoàng Sa.

Nằm ở vị trí chếch mũi hướng ra Hoàng Sa gần nhất, đảo Lý Sơn, chính xác là vùng An Vĩnh, đảo Cù Lao Ré được triều đình chọn để lấy người tổ chức thành đội hùng binh ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ.

Những tiểu thuyết về lịch sử thường có xu hướng nhàm chán bởi đi theo cách thể hiện câu chuyện. Tác giả hoặc cố gượng ép mà cho nhân vật, câu chuyện của mình diễn ra theo kiểu “chính thống, đúng quan điểm đường lối”, góc nhìn chính trị. Nếu không thì cũng kể chuyện thiếu cao trào, hay nhàn nhạt...

Nhưng “Hùng binh” thì lại gây bất ngờ. Đó là một cuốn sách thực sự giàu cảm xúc. Tác giả không chỉ thể hiện sự đóng gói chi tiết, bài trí các chương mục chuyên nghiệp mà còn có quá nhiều dữ liệu về biển, về Hoàng Sa, về triều đình Đại Nam.

Không rõ bằng một cách nào đó, tác giả đã vẽ, kể, liên kết tất cả bối cảnh trong cuốn sách bằng sự am hiểu tuyệt vời về văn hóa người đi biển. Đặc biệt các lễ nghi, quan niệm, tính cách của mỗi ngư dân đều rất chân thật. Như chính tác giả là người có mặt ở trong những chiếc ghe câu chòng chành bất trắc ra vào Hoàng Sa những năm kiêu hùng thời đầu trấn giữ chủ quyền Hoàng Sa ấy.

Đọc và tự hào hơn về tổ tiên

Tiểu thuyết xây dựng nhân vật ngư dân Triều - anh chàng ngư dân sáng dạ, can đảm theo ông nội ra trấn giữ Hoàng Sa từ năm 17 tuổi đến lúc thành người đàn ông ngoài 50 tuổi vẫn tiếp tục hành trình. Sự lớn dần, trưởng thành của Triều gắn liền với quá trình gìn giữ Hoàng Sa.

Trong tiểu thuyết, Hoàng Sa được vẽ ra tuyệt đẹp với những điều mà người trong đất liền ngay cả như ngư dân biển Lý Sơn cũng choáng váng.

Họ chưa từng thấy nơi nào mà phân chim dày 2-3 tấc, chim bay dày đặc tới mức chỉ cần đứng yên cũng bắt được vô số chim để làm thịt. Rồi hải sâm, những bãi trứng vích dày đặc bạt ngàn vào mùa đẻ, có những tấm mai vích to bằng thúng chai, đủ 5-7 người ngồi lên mà mai vẫn không chìm.

Hoàng Sa đẹp diệu kỳ như sự trù phú vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho người Việt. Do đó, người Việt đã sớm ra cai quản, đánh dấu chủ quyền nơi đây.

Nhưng ẩn chứa đằng sau vẻ đẹp của Hoàng Sa cũng là bão tố, là những bất trắc mà mỗi chuyến đi năm nào đội hùng binh cũng có người nằm lại giữa biển. Có người được bó chiếu, ghi thẻ bài rồi thả trôi, nhưng có nhiều người cũng không tìm thấy xác.

Có chuyến đi đội hùng binh gặp bão tố rồi mất tới 43 người. Chỉ còn hai ghe câu trở về trong tơi tả, cập biển Thuận An để cấp báo mà người của Bộ Công nhìn cũng đành nuốt nước mắt.

Trong “Hùng binh” cũng có cả một thế giới tâm linh ly kỳ. Với người đi biển, đó là một tín ngưỡng hoàn toàn dựa trên sự thật. Đó là việc làm hình nhân thế mạng, khao lề thế lính Hoàng Sa để mong biển cả chỉ lấy hình nhân đất nung mà thả người thật được trở về quê nhà. Đó là cảnh tượng hãi hùng, tuyệt vọng khi đội hùng binh bất lực trong tâm bão.

Mọi thứ tưởng như chìm lại giữa đại dương nhưng bất ngờ có đàn cá ông nổi lên che chắn. Những ngư dân may mắn thoát nạn, họ buộc dây chão kéo một ông lụy bờ trở về Cù Lao Ré để thờ cúng, đội ơn ông đã cứu mạng.

“Hùng binh” cũng gây đặc biệt thích thú cho người đọc với những mẩu chuyện xuất hiện ở điện Thái Hòa. Những buổi chầu được vua Minh Mạng đưa ra những quyết sách mang tầm nhìn chiến lược, căn cơ, dài lâu để người Việt duy trì sự hiện diện chắc chắn ở Hoàng Sa.

Tiểu thuyết cũng cho thấy những tiên lượng, những cơn sóng ngầm về âm mưu chiếm giữ Hoàng Sa của người phương Bắc từ ngày đó.

Đi liền là sự kiên cường, quyết tâm trấn giữ vùng biển trời máu thịt thiêng liêng của triều đình Đại Nam, người dân Lý Sơn bất chấp mọi mất mát thương đau, thậm chí đối diện nguy cơ tuyệt tự vì trai tráng ra Hoàng Sa rồi không trở về An Vĩnh quá nhiều hàng năm.

Chỉ là một tiểu thuyết, nhưng “Hùng binh” đã gánh được rất nhiều câu chuyện lớn. Sách được NXB Trẻ phát hành năm 2018 và chỉ ít lâu sau đó được trao giải B sách quốc gia năm 2019.

THÁI BÁ DŨNG