Tác phẩm, tác giả

NSNA Thái Phiên: " Không ai có thể ngăn luồng chảy nghệ thuật đương đại"

TRẦN TRIỀU (thực hiện) 15/09/2024 09:42

Thái Phiên được xem là nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật với đề tài yoga và giới thiệu ra công chúng. Với đề tài mới này, ngay lập tức, triển lãm tạo ra làn gió mới mẻ trong đời sống nhiếp ảnh Việt Nam và quốc tế.

z5812778307165_3b42f4954055422dc04809a007de9895.jpg
Chân dung NSNA Thái Phiên qua nét vẽ của Phạm Bảo Hòa.

Tác giả Thái Phiên, 64 tuổi, sinh ra tại Huế. Ông bắt đầu chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật từ năm 1992, khi còn là một kỹ sư nông lâm.

Ông từng đoạt hơn 50 giải thưởng trong và ngoài nước, được phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông được đông đảo công chúng biết đến qua sự kiện ra mắt triển lãm đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh, đồng thời phát hành sách ảnh “Xuân thì”, “Miền cổ tích”. Sau đó, ông tổ chức thêm ba buổi triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật khác.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Thái Phiên đang triển lãm “Yoga nude art” tại TP. Đà Lạt, với chủ đề “Nắng sau rèm”. Triển lãm nhằm tôn vinh nét đẹp hình thể của 15 nữ huấn luyện viên (HLV) yoga, được ông sáng tác từ 2019 đến 2024. Có 25 tác phẩm được chọn từ 250 bức, trưng bày đón khách thưởng lãm từ 11/7/2024 đến hết mùa xuân 2025.

Cổ vũ sống khỏe, sống đẹp

* Cơ duyên nào khiến ông theo đuổi yoga nude art - thể loại được xem là khó bậc nhất trong sáng tác ảnh khỏa thân?

NSNA Thái Phiên: Năm 2019, khi COVID-19 bùng lên, tôi muốn kêu gọi mọi người cùng tập thể dục. Khi ấy, tôi bắt đầu tìm hiểu về yoga và cảm thấy rất hứng thú. Yoga là một thế giới mênh mông, lành mạnh và hấp dẫn.

Tôi nảy ý định chụp ảnh khỏa thân giáo viên yoga để tôn vinh vẻ đẹp khỏe khoắn từ trong ra ngoài của họ. Có thể nói, tôi đã gặp may mắn khi có 15 giáo viên yoga đồng ý tham gia.

* Điều ông cảm thấy vui và hài lòng nhất sau khi trình làng bộ ảnh đặc biệt này là gì?

NSNA Thái Phiên: Chụp ảnh nude, nói một cách nôm na là dùng ống kính để diễn tả với khán giả rằng đường nét, sức sống, tinh thần của một cơ thể thật sự đẹp như thế nào.

Với bộ ảnh “Nắng sau rèm”, gần như lần đầu tiên tại Việt Nam, công chúng được thưởng thức vẻ đẹp của nữ HLV yoga - những người được xem là khỏe khoắn, dẻo dai, xinh đẹp cùng tinh thần giàu sức sống, tích cực.

Nói một cách khác, ngoài việc mang đến giá trị mỹ thuật, bộ ảnh còn có giá trị cổ vũ tinh thần sống khỏe, sống đẹp thông qua các động tác hình thể yoga khó và đặc sắc.

Hoa tuyết
Tác phẩm Hoa tuyết

* Thưa ông, tại sao lại bảo rằng chụp yoga nude art rất khó?

NSNA Thái Phiên: Có nhiều cái khó, nhưng có thể kể ra hai cái khó rất lớn. Một là, rất khó để thuyết phục một giáo viên yoga tham gia chụp. Dù sao đi nữa thì giáo viên là đối tượng dè dặt trong việc thực hiện những việc mang tính nhạy cảm. Vì vậy, tìm được 15 giáo viên yoga đạt yêu cầu về ngoại hình và trình độ yoga là một điều tưởng chừng như “không tưởng”.

Hai là, những động tác kinh điển nhất của yoga lại là những động tác hớ hênh nhất. Chụp làm sao cho “thanh”, không “tục” thì rất khó, mà bỏ đi những động tác ấy thì không thể. Vì vậy, tôi và các giáo viên yoga đã nỗ lực rất nhiều mới đạt được.

* Vậy làm sao để ông tìm được 15 nữ HLV yoga tham gia bộ ảnh này?

NSNA Thái Phiên: Tôi chỉ chọn những giáo viên yoga từ 25-35 tuổi. Với kinh nghiệm lâu năm của mình, tôi không chủ động thuyết phục ai cả, sợ họ nghĩ theo chiều hướng tiêu cực.

Từ một người mẫu đầu tiên là giáo viên yoga, tôi làm việc kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, đáng tin cậy nên họ giới thiệu các giáo viên khác.
Sau 4 năm ròng rã, bộ ảnh mới hoàn thành.

Chính tôi cũng tự đặt tiêu chuẩn khắt khe cho bộ ảnh này. Ảnh chụp thì rất nhiều. Nếu xét theo tiêu chí nude thông thường thì đạt, nhưng yêu cầu “thể hiện nét đẹp và sức sống đặc trưng của yoga” lại là chuyện khác.

Ngoài yếu tố chuyên môn, có thể tôi gặp may mắn khi cuối cùng cũng tìm đủ 15 giáo viên yoga và chụp ra được những bức ảnh ưng ý. Một khán giả đã nói với tôi rằng, xem bộ ảnh, có thể thấy rõ cái đẹp, sức sống, khả năng vận động kỳ diệu của cơ thể chứ không thấy dung tục, dù là phảng phất. Điều đó khiến tôi rất vui.

449829196_122162719376101444_7037721812143601952_n.jpg
NSNA Thái Phiên tại buổi ra mắt triển lãm ở Đà Lạt. Ảnh: FB.CĐNT

Văn minh hơn từ dòng chảy lớn

* Bộ ảnh có mang lại ý niệm nào mới về con người không, thưa ông?

NSNA Thái Phiên: Ở góc độ là người trực tiếp thực hiện bộ ảnh, và cả góc độ là khán giả khi xem lại các tác phẩm này, tôi mạnh dạn cho rằng, bộ ảnh mang lại ý niệm mới.

Đó là, từ trước đến nay, nhiều người cho rằng đàn ông mới có sức mạnh cơ bắp. Nhưng không. Yoga đã thể hiện rằng, sức mạnh cơ bắp của phụ nữ cũng rất đáng gờm. Phụ nữ có thể không tạo ra lực tác động lớn từ cơ bắp như đàn ông, nhưng phụ nữ (tập yoga) rất khỏe khoắn và dẻo dai một cách đặc biệt.

Cơ bắp của họ thể hiện sự vươn lên rất rõ cùng với tinh thần phơi phới, mạnh mẽ, tràn đầy nhựa sống, đặc biệt là khi họ thể hiện những động tác yoga khó như “ngọn núi”, “cái cây”, “con rùa”, “chiếc thuyền”…

* Tại Việt Nam, những người theo đuổi art nude cùng thời với ông gần như đã “bỏ cuộc chơi” cả. Vì sao ông vẫn đeo đuổi nó suốt 30 năm ròng?

NSNA Thái Phiên: Vẻ đẹp của con người là thứ gì đó rất kỳ lạ. Tôi mải miết đi tìm, tìm mãi mà có cảm giác như chưa “tới”.

Ba mươi năm qua, tôi không thể sống với nghề chụp ảnh nude, vì tôi làm nghệ thuật thuần túy, mà các tác phẩm nude rất khó bán. Người ta mua về cũng chẳng dám treo.

Tôi toan bỏ nghề mấy lần nhưng vẫn “nặng nợ”, không bỏ được. Tôi đã chụp bao nhiêu người, từ người đẹp này đến người đẹp khác nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ, vì những người mới luôn mang lại những phút sáng tạo nghệ thuật xuất thần.

Và tôi tin, điều đặc sắc nhất đang nằm ở phía trước chờ tôi, nên tôi cứ mải miết đi tiếp. Nói thật với anh, tôi chọn chụp nude là chọn cái khó cái khổ. Bản thân mình thì không sao, nhưng vợ mình, con mình, thậm chí sui gia của mình cũng dễ bị “mang tiếng” theo. Nhưng tôi đã vượt qua tất cả điều tiếng, nên tôi sẽ tiếp tục hành trình của mình.

450813990_122162728472101444_2812101118031604885_n.jpg
Khán giả xem tác phẩm tại triển lãm “Nắng sau rèm”.. Ảnh: FB.CĐNT

* Nhìn rộng ra đời sống nghệ thuật nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh khỏa thân, ông thấy điều tích cực nào qua triển lãm lần này?

NSNA Thái Phiên: Tôi tiết lộ điều này: chục năm về trước, tôi có “vác đơn” đi xin được triển lãm ảnh khỏa thân nhiều lần. Một địa phương hiện đại và cởi mở như TP.Hồ Chí Minh vẫn không đồng ý. Nhìn lại những vất vả mà mình đã cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh khỏa thân, tôi tủi thân lắm.

Tôi quyết định sẽ không bao giờ đi xin xỏ ai nữa. Sau đó, tôi lại được mời triển lãm ảnh khỏa thân, tôi đồng ý và rất vui. Tuy nhiên, Lâm Đồng chủ động mời tôi triển lãm là điều bất ngờ vì địa phương này chưa bao giờ tổ chức triển lãm ảnh khỏa thân.

Điều tích cực ở đây là quan điểm, tư duy của những nhà quản lý văn hóa đã thực sự được “cởi”. Đà Lạt tiên phong làm việc này, sẽ tiên phong “mở đường” để những địa phương khác mạnh dạn hơn. Có một sự thật thế này.

Về việc triển lãm ảnh khỏa thân, khi chưa tiến hành, ai cũng thận trọng, ai cũng e ngại, thậm chí sợ. Nhưng khi đã mạnh dạn tổ chức rồi, thì tất cả đều cảm thấy, hóa ra, nó chẳng có vấn đề gì cả, nó rất thú vị và “an toàn”.

Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, dòng văn hóa nghệ thuật từ phương Tây về ta trong một giây, và rõ ràng là không ai có thể ngăn luồng chảy nghệ thuật đương đại. Hòa vào dòng chảy lớn trên thế giới chính là trở nên văn minh hơn.

* Sau triển lãm “Nắng sau rèm” tại Đà Lạt, ông có kế hoạch nào với bộ ảnh?

NSNA Thái Phiên: Tôi mong, xuất phát từ Đà Lạt, các địa phương khác sẽ mạnh dạn mời tôi tổ chức triển lãm. Tôi đang nghĩ đến Huế, Quảng Nam. Hoàn toàn có thể chứ, người dân các tỉnh xứng đáng được thưởng lãm vẻ đẹp và sức sống từ ngôn ngữ cơ thể yoga chứ!

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

TRẦN TRIỀU (thực hiện)