Bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam: Thay đổi tư duy, cách tiếp cận giữ rừng
(QNO) - Nhiều mô hình tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng bìa rừng (vùng đệm) được các cơ quan, đơn vị và tổ chức phi chính phủ triển khai thời gian qua nhằm hạn chế sự tác động, xâm hại của người dân vào rừng, góp phần phục hồi rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
(QNO) - Nhiều mô hình tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng bìa rừng (vùng đệm) được các cơ quan, đơn vị và tổ chức phi chính phủ triển khai thời gian qua nhằm hạn chế sự tác động, xâm hại của người dân vào rừng, góp phần phục hồi rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).
Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh chia sẻ, nhà ông ở nóc Măng Prui (thôn 3, xã Trà Linh, Nam Trà My), trước đây, nhóm hộ trồng sâm thành lập đội tuần tra bảo vệ rừng tự nguyện gồm 16 thành viên, đến nay, đội này đã hơn 50 người. Họ ký hợp đồng thuê môi trường rừng 20ha để trồng sâm Ngọc Linh nhưng phạm vi tuần tra, bảo vệ sâm, rừng của họ rộng gấp đôi diện tích đó.
Mỗi năm, nhóm hộ này phát động trồng cây tái sinh 3 lần để tiếp tục phủ xanh những khu đất còn trống. Ngoài việc chăm sóc, bảo vệ rừng, người dân nơi đây cũng bỏ luôn tập tục đặt bẫy hay săn bắn thú rừng vì họ cho rằng, muốn rừng phát triển lâu dài thì con chim, con thú trong rừng cũng phải được bảo vệ bởi tất cả muông thú tạo ra sự đa dạng của quần thể hệ sinh thái. Từ đó, trong mỗi chuyến tuần tra rừng, thấy bẫy thú ở đâu là người dân phá bỏ ở đó.
Theo thống kê của huyện Nam Trà My, trên địa bàn 7 xã có hơn 2.000 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh trên tổng diện tích khoảng 2.200ha. Bên cạnh đó còn có hơn 30 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê môi trường rừng và liên kết với người dân địa phương để trồng sâm Ngọc Linh. Có nhiều hộ dân đã có kinh tế khấm khá nhờ sâm Ngọc Linh lên họ càng ý thức hơn việc giữ rừng, bởi đặc điểm của loài sâm này đều sống dưới tán rừng cổ thụ, nơi có độ che phủ trên 80% và hấp thụ dinh dưỡng là mùn cây rục trong khí hậu ẩm dưới 20 độ C.
Từ khi anh Bhnước Gót (thôn Cà Lai, xã Cà Dy, Nam Giang) tham gia dự án “Xây dựng và quản lý nguồn nguyên liệu mây bền vững ở Nam Giang, gắn với phát triển chuỗi giá trị mây bền vững ở Quảng Nam” do Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Lục Đông và dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp triển khai, đến nay đã hơn 5 năm. Anh Gót không còn vào rừng tìm kiếm lâm sản phụ ngoài gỗ để kiếm thu nhập như trước đây nữa mà tập trung trồng, chăm sóc cây mây vì loại cây này có đầu ra ổn định.
Dự án được triển khai trên 2 huyện Tây Giang và Nam Giang với quy mô hơn 1.000 hộ dân tham gia. Họ được tập huấn về cách khai thác mây tự nhiên đúng tuổi để đạt hiệu quả mà đơn vị thu mua cần, đồng thời tránh tận diệt những cây mây non. Được cấp giống và hướng dẫn phương thức trồng, chăm sóc và khai thác mây nguyên liệu đảm bảo chất lượng và bán được giá cao hơn.
"Dự án hiện nay không còn hỗ trợ cho người dân nữa, nhưng chúng tôi đã thay đổi tư duy, thay vì sống phụ thuộc vào rừng, săn bắt con thú để bán như trước đây thì người dân đã có ý thức bảo vệ rừng hơn vì ở đó có những cây mây mà họ trồng sắp đến tuổi khai thác. Cạnh đó, nhờ sinh kế từ cây mây mà nhiều hộ dân chuyển từ trồng keo sang trồng mây do có đầu ra ổn định từ 6.000 - 8.000 đồng/kg mây tươi" - anh Gót nói.
[VIDEO] - Anh Bhnước Gót chia sẻ những lợi ích khi tham gia dự án xây dựng và quản lý nguồn nguyên liệu mây bền vững:
Cũng từ sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh, ông Đào Duy Linh - Giám đốc Công ty CP Nấm linh chi Quảng Nam đã triển khai 2 mô hình khai thác nấm bền vững trong tự nhiên và 17 mô hình trồng nấm cho hơn 500 người dân ở vùng đệm các huyện Tiên Phước, Núi Thành, Nam Giang và Đông Giang. Dự án cũng tập huấn cho người dân cách khai thác nấm lim xanh, linh chi bền vững trong rừng, chỉ khai thác nấm đủ tuổi, đạt chất lượng có dược chất cao và chuyển giao công nghệ trồng nấm lim xanh trong phôi túi và trên thân gỗ khúc.
"Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tình hình kinh tế khó khăn, sản lượng nấm trồng ra của các hộ dân gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ nên hiện tại, các mô hình đang tạm ngưng. Tuy nhiên, có một sự thay đổi lớn, lượng nấm rừng tự nhiên mà người dân khai thác được đã đạt chất lượng, không còn nấm non như trước đây. Ngoài ra, họ cũng biết chăm sóc, bảo vệ nấm rừng đang trong giai đoạn phát triển. Đây có lẽ là bước ngoặt lớn sau khi triển khai dự án bởi người dân đã ý thức việc bảo vệ rừng chính là giữ sinh kế cho họ" - anh Linh nói.
Theo ông Phạm Văn Kỳ - cán bộ quản lý cấp tỉnh của WWF-Việt Nam tại Quảng Nam, Hợp phần bảo tồn ĐDSH thuộc dự án VFBC do USAID tài trợ đã áp dụng cả 3 chiến lược trong phương pháp truyền thông thay đổi hành vi để thúc đẩy giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã, gồm: truyền thông thay đổi hành vi; huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội; và vận động chính sách.
Theo đó, thời gian qua, WWF - Việt Nam đã phối hợp với Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức 2 hội thảo chuyên đề để đánh giá lại công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã trong thời gian qua tại Quảng Nam. Từ những ý kiến tham luận tại các hội thảo này, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã.
"Trên cơ sở đó, ngày 21/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký và ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Quảng Nam là đơn vị cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước có một chỉ thị riêng về vấn đề này. Từ đây, chúng ta có thể thấy được sự quyết liệt của chính quyền trong công tác bảo vệ động vật hoang dã" - ông Kỳ nói.
Ông Phạm Tiến Dũng - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết, 3 năm qua, đơn vị đã làm việc với 53 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống từng tiêu thụ thịt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền và ký cam kết dừng hoạt động nói trên. Đồng thời, treo 140 banner tuyên truyền với hình ảnh sinh động về nội dung động vật hoang dã kêu cứu tại các nhà hàng, quán ăn; qua đó đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
"Một số nhà hàng, quán ăn trước đây đã từng là nơi nổi tiếng cung cấp thịt động vật hoang dã cho thực khách thì đến nay, sau nhiều lần kiểm tra đột xuất, chúng tôi không phát hiện họ có bán động vật hoang dã nữa. Nếu có cũng chuyển qua sử dụng các động vật ở những cơ sở gây nuôi hợp pháp. Trong đó, tiêu biểu có các nhà hàng Thủy Bờ Kênh, San Hô, Tuấn Mập, Sông Quê, Vinh Tài... ở TP.Tam Kỳ" - ông Dũng nói.
[VIDE0] - Ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ về hiệu quả trong tuyên truyền các cơ sở dịch vụ ăn uống ngưng sử dụng động vật hoang dã:
Ông Vũ Phúc Thịnh - Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đông Giang chia sẻ, từ khi có nhiều dự án phi chính phủ liên quan đến bảo tồn ĐDSH được triển khai như thành lập các nhóm tuần tra tháo gỡ bẫy thú rừng dựa vào cộng đồng hay việc đặt bẫy ảnh để quan sát, kiểm đếm các loài thú rừng... đã thiết thực đem lại hiệu quả. Thông qua các buổi tập huấn về phương pháp tháo gỡ bẫy thú hoặc cách xử lý tình huống vi phạm tránh xung đột với người dân địa phương..., nhiều cán bộ của BQL đã thay đổi tư duy và cách làm trong công tác chuyên môn hằng ngày.
"Bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ cây rừng, diện tích rừng mà phải bảo vệ được con thú trong rừng, bảo vệ cả hệ sinh thái rừng thì mới bền vững được. Tiếp nhận từ các dự án về quy trình đặt bẫy ảnh hay tuần tra tháo gỡ bẫy là điều rất hay mà BQL chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy" - ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, nhờ những buổi tập huấn của dự án mà cán bộ của ông có những kỹ năng chuyên môn, xử trí nhanh nhạy công việc. Như trường hợp của anh Hốih Thạch - Tổ trưởng Tổ tuần tra tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng, trong quá trình tuần tra đã kịp thời phát hiện một vụ việc người dân đốt rừng trồng rẫy. Thay vì xử lý bắt quả tang như trước đây rất khó khai thác thông tin, vì người vi phạm sẽ bỏ chạy hoặc xảy ra xung đột với cán bộ BQL, thì anh Thạch đã có cách tiếp cận khéo léo, vừa lấy được thông tin người vi phạm mà không xảy ra xung đột nào.
Thực tế trước đây, hoạt động của các nhóm cộng đồng thôn được nhận giao khoán bảo vệ rừng rất khó quản lý, có những trường hợp còn kết hợp việc tuần tra rừng với việc... đặt bẫy thú. Tuy nhiên, khi nhiều dự án tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn về công tác bảo tồn ĐDSH thì nhận thức của các nhóm tuần tra cộng đồng đã thay đổi và có những hành động đáng ghi nhận.
Điển hình như nhóm tuần tra bảo vệ rừng thuộc xã A Vương đã nhiều lần phát hiện và giải cứu thành công thú rừng. Để biểu dương kịp thời, ngày 15/5/2024, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đã ký quyết định khen thưởng 2 tập thể nhóm tuần tra bảo vệ rừng của Ban Quản lý khu bảo tồn loài Sao la vì đã giải cứu, tái thả động vật quý hiếm bị mắc bẫy về với môi trường tự nhiên.
Ông Đỗ Văn Ngọc - Điều phối viên Dự án bảo tồn ĐDSH tại Quảng Nam cho rằng, áp dụng “Thuyết thay đổi” trong công tác bảo tồn ĐDSH là một cách làm mới, mang tính tổng thể và đã đạt được một số kết quả như mong muốn.
"Bảo tồn ĐDSH hay hệ sinh thái rừng... một cách bền vững không phải là đi giữ từng gốc cây, con thú mà tất cả nằm ở tư duy, hành động đúng của con người. Từ những lãnh đạo ban hành chính sách, chỉ thị, đến những người thực thi pháp luật, cộng đồng sống ở vùng đệm hay người dân bình thường... chỉ cần thay đổi tư duy, hành động đúng thì sẽ nhanh chóng phục hồi, làm giàu ĐDSH" - ông Ngọc chia sẻ.
[VIDEO] - Ông Đỗ Văn Ngọc - Điều phối viên Dự án bảo tồn ĐDSH tại Quảng Nam:
Thực hiện: PHAN VINH
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN