Đối thoại với ngành TN-MT, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng:Ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, hành dân
Ngành TN-MT là lĩnh vực đầu tiên được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chọn để đối thoại với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Chấn chỉnh thái độ công vụ, khắc phục những tồn tại khó khăn và hành động, tìm kiếm giải pháp để lấy lại uy tín, hình ảnh người làm công tác TN-MT là yêu cầu được Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra tại buổi đối thoại.
Áp lực lớn
Đề cập những bức xúc của dư luận thời gian qua liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, doanh nghiệp và một số thủ tục khác của ngành TN-MT, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đặt câu hỏi về mối quan hệ phối hợp giữa chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai với phòng TN-MT cấp huyện, các cấp xã và các ngành liên quan “đã chặt chẽ, trách nhiệm hay chưa, có những vấn đề gì nảy sinh”.
Chủ tịch UBND tỉnh nói, hơn 70% ý kiến cử tri tại các buổi làm việc đề cập đến vấn đề đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều trường hợp giấy tờ đi lòng vòng, hướng dẫn không đến nơi đến chốn, phải đi 5 đến 7 lần mới được cấp giấy gây bức xúc.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN-MT nói, hiện nay vẫn còn vướng mắc trong nhiều khâu, nhiều bước và “người dân rất phiền hà”.
“Hồ sơ vẫn trễ rất nhiều. Đang có việc tư vấn, trả hồ sơ nhiều lần cho dân, nhiều cán bộ công chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tham gia môi giới về đất đai. Quan điểm của sở là phải tuân thủ quy trình một cửa, văn phòng đăng ký đất đai không được trả hồ sơ 2 lần. Không thể để việc trả hồ sơ nhiều lần gây phiền hà cho dân.
Hiện nay, 18 địa phương trên toàn tỉnh, chỉ duy nhất có TP.Tam Kỳ có quy trình riêng để giám sát. Nên tham khảo cách làm của Tam Kỳ để kiểm soát thủ tục hành chính, giải quyết những nhiêu khê hiện nay” - ông Ảnh đề cập.
Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành đề nghị phải giám sát chặt chẽ quy trình từ dưới xã lên cấp trên, kiểm tra đột xuất một số nơi, một số đơn vị “để biết vướng chỗ nào, ai không chịu làm, vướng mắc do con người hay do pháp luật.
Đặc biệt là các nơi thường xuyên có đơn thư khiếu nại của dân. Rất nhiều trường hợp công dân phản ánh gặp vướng mắc trong giải quyết thủ tục, nhưng đi đến nơi này thì lại đổ trách nhiệm sang nơi kia. Việc giám sát trên hệ thống thông tin điện tử, phần mềm vẫn bị lách”.
“Phải giám sát, tuân thủ việc ai đến trước làm trước, ai đến sau làm sau, tránh trường hợp cò đất nhận làm thủ tục thì nhanh hơn người dân tự làm. Về cơ sở dữ liệu đất đai, phải chuẩn hóa dữ liệu để ứng dụng.
Qua thực tiễn, Núi Thành đã xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng sai số rất lớn, đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin, dùng cho các phần mềm, dữ liệu lớn thì không khả thi. Về đo đạc cho các dự án bồi thường gặp rất nhiều vướng mắc. Nên tập huấn nhiều lần nhiều lớp cho đội ngũ chuyên môn ngành TN-MT” - ông Sinh phát biểu.
Tăng cường trách nhiệm
Yêu cầu không đưa thêm quy trình vào hành chính công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng nói, các địa phương cần tham khảo cách làm của Tam Kỳ để kiểm soát quy trình thủ tục.
“Cấp tỉnh, huyện phải thường xuyên kiểm tra giám sát. Hiện nay việc trích đo phục vụ dự án bồi thường giải phóng mặt bằng rất chậm, nhiều huyện đơn vị tư vấn không làm, do chi phí chỉnh lý quá nhỏ, phải đi năn nỉ đơn vị tư vấn. Đây là điều nghịch lý, cần có sự điều chỉnh.
Nên mở rộng chức năng, giao cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai có quyền trích đo, trang bị thiết bị để anh em làm chứ không trông chờ đơn vị tư vấn.
Đề nghị Sở TN-MT tham mưu củng cố Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, phải tinh, chuyên nghiệp, mạnh mẽ và phụ trách dự án trọng điểm của tỉnh, tạo ra quỹ đất, nguồn lực cho tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng nói.
Lắng nghe chia sẻ của 18/18 địa phương và các đơn vị trực thuộc Sở TN-MT, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chia sẻ áp lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành TN-MT.
Yêu cầu gấp rút đặt ra là sớm kiện toàn bộ máy, bổ sung nhân lực, quyết liệt làm để thuận lợi trong công việc song phải ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, hành dân. Việc tổ chức bộ máy phải được thực hiện thật tốt, có cơ chế luân chuyển cho từng địa phương trong thời điểm phù hợp.
Về quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải thực thi chặt chẽ, đúng quy định và phải gắn chặt với kiểm tra kiểm soát.
Tập thể lãnh đạo sở, chi cục, các phòng chuyên môn phải tăng cường trách nhiệm trong tham mưu, hướng dẫn kiểm tra, tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ thật tốt. Chủ tịch UBND cấp huyện tăng cường phối hợp với Sở TN-MT và các sở ngành liên quan để quản lý chặt chẽ các lĩnh vực về TN-MT đặc biệt là đất đai, khoáng sản, thực hiện quy trình nhanh, trách nhiệm, đừng để ách tắc, khan hiếm vật liệu xây dựng.
“Toàn tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, đề nghị công an vào cuộc điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm trên lĩnh vực đất đai mang tính chất cá nhân, nhũng nhiễu, gây khó dễ để trục lợi, xử lý nghiêm minh nếu phát hiện vi phạm, nhất là công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, doanh nghiệp” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.