Động lực phát triển miền núi Quảng Nam từ chính sách đặc thù
Sự linh hoạt trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tạo nên động lực giúp đồng bào miền núi giảm nghèo hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống...
Ông Hà Ra Diêu - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, giai đoạn 2019 - 2024, nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giúp Quảng Nam hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho mục tiêu phát triển miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Bám sát nhu cầu thực tiễn, nhiều chính sách được triển khai đến cộng đồng đảm bảo các yếu tố khách quan, vừa giúp người dân tiếp cận đầy đủ nguồn lực, vừa tạo cơ hội đổi mới tư duy bằng các mô hình sinh kế hiệu quả.
Để đưa chính sách đi vào cuộc sống, bên cạnh phân bổ nguồn lực giúp người dân phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi tập trung, nhiều địa phương miền núi linh hoạt hỗ trợ xây dựng chuồng trại, từng bước thay đổi lối tư duy chăn nuôi theo tập quán cũ.
Điều đó không chỉ nâng cao hiệu quả, năng suất chăn nuôi, mà còn đảm bảo môi trường và không gian sống cho cộng đồng địa phương.
Đổi mới tư duy
Cũng như nhiều hộ dân khác trong vùng, trước đây gia đình ông Bh’nướch Huệ (ở thôn Tà Đắc, xã Tà Bhing, Nam Giang) thường nuôi giống heo đen bản địa theo phương thức truyền thống.
Đó là heo được chăn thả tự do để đi kiếm ăn trong rừng, ít khi quan tâm, chăm sóc. Vì thế, đàn heo không chỉ phát triển chậm, mà còn có nguy cơ bị mất trộm, thậm chí là dịch bệnh.
“Heo thả như thế lúc chúng đi vào trong rừng kiếm ăn thường xảy ra trường hợp bị dính bẫy thú của người dân, lâu ngày mới phát hiện đành vứt bỏ, chưa kể heo bị bắn trộm, bị bệnh chết nơi nào không biết. Đây là tập quán chăn nuôi từ xưa của bà con, việc kiểm soát đàn vật nuôi không hiệu quả” - ông Bh’nướch Huệ chia sẻ.
Trước thực tế này, vài năm trở lại đây, cùng với nguồn vốn từ các chương trình, dự án của tỉnh và Trung ương, chính quyền huyện Nam Giang triển khai hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình chăn nuôi mới giúp gia tăng hiệu quả kinh tế. Trong đó, chú trọng việc thay đổi nhận thức của cộng đồng, chuyển từ lối sản xuất cũ sang phương pháp phù hợp, hiệu quả hơn.
Năm 2023, gia đình ông Bh’nước Huệ cùng rất nhiều hộ khó khăn khác ở địa phương được hỗ trợ 6 con heo giống/hộ. Để ngăn tình trạng chăn nuôi thả rông, chính quyền địa phương linh hoạt hỗ trợ thức ăn chăn nuôi và tổ chức chương trình tập huấn kỹ thuật từ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.
Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi mới, ông Bh’nướch Huệ đầu tư xây dựng chuồng trại, với hệ thống lưới B40 bao quanh khu vực chăn thả tập trung. Chỉ sau hơn 1 năm, hiệu quả thấy rõ khi đàn heo phát triển tốt, sinh sản lứa đầu tiên với gần 20 con, giúp hộ ông Bh’nướch Huệ có thêm sinh kế mới.
Ông Alăng Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật huyện Nam Giang cho biết, qua thống kê, hiện địa phương có khoảng hơn 10.000 con gia súc.
Thời gian qua, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đang có sự chuyển biển tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ, ông Thùy nói kết quả trên còn thể hiện sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi tư duy sản xuất một cách phù hợp.
“Đến nay, có khoảng 60 - 70% hộ dân trong huyện đã biết chăn nuôi sử dụng chuồng trại, việc này góp phần không nhỏ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, giúp các mô hình sinh kế ngày càng hiệu quả, tạo cơ hội nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân miền núi” - ông Alăng Thùy nói.
Thúc đẩy giảm nghèo
Xác định hỗ trợ cây giống, con vật nuôi là một trong những động lực giúp người dân mở hướng làm ăn, thời gian qua, cùng với tập trung xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp thực tiễn, các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn... linh hoạt triển khai nhiều mô hình sinh kế mới, thúc đẩy người dân vươn lên thoát nghèo.
Những định hướng của địa phương nhanh chóng được áp dụng trong thực tiễn. Cuối năm 2017, anh Arất Bay (tổ dân phố A Dinh, thị trấn Prao, Đông Giang) mạnh dạn vay vốn ưu đãi để cải tạo vườn đồi, phát triển mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi heo, gà.
Chỉ với số vốn ban đầu 50 triệu đồng, Arất Bay mạnh dạn mua 20 con heo đen giống về nuôi theo mô hình khép kín trên sườn núi. Hơn 1 năm sau, lứa heo đen đầu tiên được xuất bán, cho thu nhập 40 triệu đồng, tạo động lực để anh Arất Bay mở rộng mô hình. Hiện mô hình của Arất Bay đang cho thu nhập ổn định với hơn 100 triệu đồng/năm.
Bằng cách triển khai linh hoạt, các chính sách hỗ trợ đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào DTTS đang cho thấy hiệu quả bước đầu. Bên cạnh hỗ trợ vốn vay, những năm qua, Đông Giang đẩy mạnh việc đầu tư, tạo sinh kế cho cộng đồng phát triển.
Tiêu biểu như hỗ trợ 225 con hưu sao lấy nhung, gần 550 con heo đen địa phương giúp sinh kế cho hàng chục hộ dân khó khăn trên địa bàn. Đồng thời khuyến khích mở rộng trồng dược liệu, nông sản địa phương, từ chè dây Razéh, ớt Ariêu, cho đến dứa, lòn bon bản địa...
Theo ông Đinh Văn Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua giúp địa phương “trao cần câu” hiệu quả cho các hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân cùng vươn lên thoát nghèo.
Hơn 640,6 tỷ đồng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia tại Phước Sơn
Giai đoạn 2021 - 2024, tổng nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho huyện Phước Sơn đạt hơn 640,6 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư 430 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 210,6 tỷ đồng.
Với nguồn lực trên, thời gian qua, huyện Phước Sơn đã tập trung đầu tư xây dựng 65 công trình hạ tầng cơ sở quan trọng, thiết yếu trên nhiều lĩnh vực giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, thiết chế văn hóa, công trình thủy lợi, san ủi mặt bằng bố trí dân cư. Tiêu biểu như khu liên hợp thể thao huyện, nâng cấp các tuyến giao thông ĐH đi các xã vùng cao, vùng dược liệu và cây ăn quả xã Phước Chánh....
Ngoài ra, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế; đầu tư phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại... Qua đó góp phần quan trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào địa phương.
ALĂNG NGƯỚC