Giao thông - Xây dựng

Thiếu mặt bằng thi công dự án đường trục chính Tam Hòa

CÔNG TÚ 16/09/2024 10:34

(QNO) - Tiến độ dự kiến hoàn thành ngày 25/4/2025, nhưng dự án Đường trục chính Tam Hòa nối từ quốc lộ 1 đến đường Võ Chí Công và ĐT613B (huyện Núi Thành) đang thiếu mặt bằng để thi công, kể cả mặt bằng một số trụ và mố cầu Trường Giang, cầu Sông Chợ.

8.jpg
Công trường cầu Trường Giang nhìn bờ tây xuống bờ đông. Ảnh: C.T

Chờ mặt bằng làm mố, trụ cầu

Thời tiết chưa chuyển hẳn qua mùa mưa, song những ngày này, công trường thi công phía bờ đông cầu Trường Giang đến cuối tuyến ĐT613B (đường Thanh niên ven biển) của dự án Đường trục chính Tam Hòa nối từ quốc lộ 1 đến đường Võ Chí Công và ĐT613B vắng lặng khác thường.

Một người dân thôn Hòa An (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) cho biết, người dân mong mỏi cầu Trường Giang hoàn thành để có thể qua cầu về trung tâm xã Tam Hòa, thoát cảnh qua phà. Trời mưa to gió lớn, phà ngừng hoạt động, phải đi vòng lên xã Tam Tiến rồi ngược xuống xa chừng 15km. Song gần một tháng nay, phía đông của công trình cầu không còn cảnh thi công rầm rộ như trước.

_dsc0001.jpg
Trụ T7 của cầu Trường Giang đang chờ các trụ T8, T9 và mố M2 (bờ đông) kết nối. Ảnh: C.T

Lý giải cho thực tế trên, đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam) cho biết, mặt bằng thi công các trụ T8, T9 và mố M2 của cầu Trường Giang chưa được huyện Núi Thành bàn giao do vướng trại nuôi tôm công nghệ cao của hộ ông Trần Công Thành.

Phạm vi nêu trên vướng “4 chưa”: Rà soát, tập hợp đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan; hoàn thành đo đạc, điều chỉnh bản đồ; hoàn thành kiểm kê, kiểm đếm; xác định đơn giá đối với các tài sản, vật kiến trúc không có đơn giá do Nhà nước ban hành.

Chính vì vậy, nhà thầu đã dừng thi công tại công trường từ tháng 8/2024. Ở phía bờ tây, việc thi công trụ T1, T2 cũng dậm chân tại chỗ vì vướng các thửa đất của hộ ông Trần Văn Tài.

6.jpg
Cầu Sông Chợ cũng chưa thi công được trụ T6 và mố M2 ở bờ đông. Ảnh: C.T

Trên công trường cầu Sông Chợ, kỹ sư Đậu Cao Hoan - Chỉ huy trưởng công trường Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Thái Sơn (thành viên liên danh nhà thầu) cho biết, nhà thầu đảm nhận cầu Sông Chợ và toàn bộ phần đường của dự án.

Hiện tại, đơn vị đã đúc dầm và sắp hoàn thành các trụ T2, T3, T4, T5 của cầu Sông Chợ. Phạm vi phần đường chưa có mặt bằng, nếu có cũng “da beo”. Trong tháng 9 này, nếu mặt bằng của mố M2 và trụ T6 khai thông chưa xong, nhà thầu cũng sẽ hết việc để làm.

Liên danh nhà thầu chia sẻ, đối với thi công cầu, việc huy động nhân lực, thiết bị phải nhiều và chi phí rất cao. Vậy nhưng, từ tháng 3/2024 đến nay, nhân lực, thiết bị khoan cọc nhồi phải nghỉ và chờ đợi nên gây lãng phí thời gian, phát sinh chi phí.

Khẩn trương gỡ vướng

Chủ đầu tư cho biết, khởi công ngày 26/4/2023, dự án Đường trục chính Tam Hòa nối từ quốc lộ 1 đến đường Võ Chí Công và ĐT613B có chiều dài khoảng 4,8km (cầu Sông Chợ dài 247,8m; cầu Trường Giang dài 504m và phần tuyến đường dài 4.077,2m).

4.jpg
Thi công đúc hẫng nhịp giữa sông cầu Trường Giang. Ảnh: C.T

Công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng thực hiện từ tháng 5/2023. Đến nay, 5 phương án bồi thường được phê duyệt, chủ yếu là đất do Nhà nước quản lý, mồ mả, hỗ trợ ghe thuyền và một số thửa đất của hộ gia đình, cá nhân với giá trị khoảng 3,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mặt bằng lại không liên tục, không thể triển khai thi công phần đường. Nhà thầu chỉ có thể làm một số mố, trụ thuộc phạm vi mặt nước sông do Nhà nước quản lý của 2 cầu Trường Giang, Sông Chợ.

5.jpg
Khu vực thi công đang vướng mặt bằng. Ảnh: C.T

Dự án đi qua địa phận xã Tam Anh Nam (dài khoảng 0,8km) và xã Tam Hòa (khoảng 4km). Trong đó, xã Tam Anh Nam có tổng cộng 134 thửa đất bị ảnh hưởng và đã có thông báo thu hồi đất 134 thửa, mới phê duyệt 1 phương án di dời mồ mả và chi trả tiền.

Xã Tam Hòa có tổng cộng 229 thửa đất bị ảnh hưởng, nhưng mới thông báo thu hồi đất 175 thửa. Cạnh đó, địa phương phê duyệt 4 phương án và chi trả tiền nhưng các thửa đất nằm rải rác nên chưa thể thi công.

Phạm vi thi công phần đường ảnh hưởng đất rừng phòng hộ khoảng 2km. Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng đã ban hành nhưng chưa thể bàn giao mặt bằng. Nguyên do là vướng các thủ tục về thu hồi tài sản nhà nước đối với cây gỗ tận dụng để bàn giao đất rừng.

3.jpg
Việc giải quyết đất liên quan ao nuôi tôm gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: C.T

Ngày 28/8/2024, UBND huyện Núi Thành đã có Báo cáo số 343 kiến nghị UBND tỉnh và ngành chức năng xem xét, thống nhất chủ trương cho phép tự tổ chức thực hiện (không thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ), thành lập tổ công tác khai thác tận dụng lâm sản theo thực tế hiện trạng. Nguồn thu từ tài sản thu hồi theo thực tế được nộp vào ngân sách nhà nước.

Vừa qua, chủ đầu tư và nhà thầu kiến nghị huyện Núi Thành tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực hợp tác, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ ách tắc.

Trong khi chờ đợi UBND tỉnh ban hành các chế độ chính sách về bồi thường, các cơ quan, đơn vị chủ động tích cực giải quyết và hoàn thiện các thủ tục về hồ sơ pháp lý (nguồn gốc sử dụng đất, điều chỉnh bản đồ…) để đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và phê duyệt các phương án, tiến hành chi trả tiền. Đặc biệt, chú ý khai thông phạm vi đất rừng để có đường công vụ, điều phối cát thi công xử lý nền đất yếu tại thôn Phú Vinh (xã Tam Hòa).

Đường trục chính Tam Hòa nối từ quốc lộ 1 đến đường Võ Chí Công và ĐT613B được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3995, ngày 31/12/2021 với tổng mức 646 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 517 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 129 tỷ đồng. UBND tỉnh giao UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường.

CÔNG TÚ