Giảm nghèo - An sinh

A Xan - Hành trình 30 năm vượt khó

LÊ MỸ - LÊ TIẾN 16/09/2024 17:54

(QNO) - Xuất phát điểm là một xã có 100% hộ nghèo, qua 30 năm tái lập, xã biên giới A Xan (Tây Giang) nỗ lực vượt khó, từng bước giảm nghèo bền vững, mang lại đời sống ấm êm cho đồng bào Cơ Tu.

AXAN 1
Xã A Xan hôm nay. Ảnh: L.M

Những ngày gian khó

Theo lịch sử Đảng bộ xã A Xan, trước năm 1950, khu vực biên giới của huyện Tây Giang chưa có tên gọi riêng về hành chính, chỉ gọi chung là vùng Tr’Hy. Đến 30/5/1958, dựa trên đề nghị của Đoàn cán bộ xây dựng vùng Tr’Hy, huyện Bến Hiên chia Tr’Hy thành 2 xã Tr’Hy và A Xan để thuận tiện trong việc chỉ đạo, điều hành cách mạng.

Qua nhiều giai đoạn lịch sử sáp nhập - chia tách, mãi đến năm 1994, thực hiện Nghị định số 102 (ngày 29/8/1994) của Chính phủ, xã Tr’Hy (thuộc huyện Hiên cũ - tức Đông Giang, Tây Giang ngày nay) chia thành 2 xã Tr’Hy và A Xan.

AXAN 5
Một điểm dân cư ở A Xan trong giai đoạn đầu tái lập xã. Ảnh tư liệu

Trong ký ức của ông Hôil Úm - nguyên Bí thư Đảng ủy xã A Xan (huyện Hiên cũ) giai đoạn 1994 - 2000, vẫn hằn in những gian khó ngày đầu tái lập.

Ông Úm kể, năm 1994 toàn xã có khoảng 170 hộ/700 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Diện tích xã hơn 8.209ha, phần lớn địa hình là đồi núi, sông suối. Hoạt động sản xuất còn rất lạc hậu, chủ yếu dựa vào nương rẫy, tổng diện tích trồng trọt chỉ khoảng 12ha. Tỷ lệ hộ nghèo 100%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 300 nghìn đồng.

hoil-um.jpg
Ông Hôil Úm - nguyên Bí thư Đảng ủy xã A Xan (bên trái) nhớ lại những ngày đầu tái lập xã. Ảnh: L.M

Cơ sở hạ tầng khó khăn, chưa có đường ô tô đến xã, toàn bộ nhà cửa của người dân đều lợp tranh, vách nứa. Trụ sở làm việc của xã chưa có, chỉ ở nhờ nhà dân. Tổng số học sinh của xã chưa đầy 150 em, song bỏ học nhiều; chưa có học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học. Xã cũng chưa có lực lượng y tế cơ sở nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao…

Theo ông Hôil Úm, ngay khi nhận quyết định thành lập xã vào ngày 1/10/1994, Huyện ủy Hiên đã ban hành quyết định thành lập Đảng bộ lâm thời xã A Xan. Đến năm 1999, trong lần Đại hội Đảng bộ đầu tiên của xã đã đề ra nhiều nghị quyết quan trọng, tạo bước đột phá phát triển kinh tế, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tên “A Xan” được lấy theo tên của núi A Xan - một ngọn núi nằm trong quần thể rừng pơmu, cũng là ranh giới giữa 2 xã Tr’Hy - A Xan.

[VIDEO] - A Xan hôm nay:

Sức sống A Xan

Cuộc cách mạng đầu tiên cho sự đổi thay là công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư. Già làng Alăng Xiêng (thôn T’râm) cho biết, trước đây bà con chủ yếu sống rải rác ở khe suối, chân đồi gần khu vực sản xuất nên dễ bị lũ quét, sạt lở, do đó phải liên tục thay đổi nơi ở, nơi sản xuất. Sau khi tái lập xã, cán bộ địa phương quan tâm tìm kiếm mặt bằng đẹp, an toàn và bố trí tái định cư nên đời sống người dân dần ổn định.

AXAN 2
Người dân được tái định cư ở những mặt bằng đẹp, an toàn và hạ tầng đồng bộ. Ảnh: L.M

Theo ông Ta Ngôn Thiếu - Chủ tịch UBND xã A Xan, đến nay toàn xã có 15 điểm tái định cư với tổng diện tích gần 15ha, bố trí cho 510 hộ/2.136 khẩu có đất ở ổn định lâu dài gần khu sản xuất, chăn nuôi tập trung.

Địa phương hoàn thiện hệ thống giao thông huyết mạch trung tâm xã, 6/6 thôn có đường bê tông; hoàn thiện cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị cho ngành giáo dục. Trên địa bàn có phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân địa phương và các bản giáp biên của nước bạn Lào.

AXAN 10
Người dân xã A Xan tích cực lao động sản xuất. Ảnh: L.M

Phát huy kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từ những ngày đầu tái lập, các thế hệ lãnh đạo xã tập trung hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để nâng cao năng suất trồng trọt, chăn nuôi.

Từ năm 1994 đến nay, A Xan đã khai hoang 85ha diện tích lúa nước; xây dựng 10 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu 80ha lúa và cấp hàng trăm con giống cho người dân. Đồng thời cấp và nhân giống hiệu quả các loại nông sản, dược liệu dưới tán rừng như táo mèo, đẳng sâm, ba kích, cam, bưởi... Nhờ đó, đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 58% (theo chuẩn nghèo mới).

[VIDEO] - Bà Coor Thị Bân (xã A Xan) chia sẻ quá trình vươn lên thoát nghèo của gia đình:

Theo ông Ta Ngôn Thiếu, xã A Xan đang tập trung xây dựng nông thôn mới và được người dân tham gia, đóng góp tích cực. Đến nay có 3/6 thôn đang trên lộ trình về đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

“Tiếp đà phát triển, A Xan tập trung sử dụng hiệu quả nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng thôn nông mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới phù hợp với văn hóa, nếp sống đồng bào Cơ Tu; đảm bảo tính thực chất, hiệu quả và người dân thực sự được thụ hưởng thành quả nông thôn mới.

Đồng thời phát triển du lịch sinh thái rừng pơmu gắn với du lịch cộng đồng, nhất là phục dựng gốm Ki’Nonh để thu hút du khách, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững” - ông Thiếu cho biết.

[VIDEO] - Ông Ta Ngôn Thiếu - Chủ tịch UBND xã A Xan chia sẻ mục tiêu của địa phương thời gian tới:

LÊ MỸ - LÊ TIẾN