Giảm nghèo - An sinh

Giảm nghèo từ vốn chính sách ở Tây Giang

LÊ MỸ 17/09/2024 09:37

(QNO) – Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Tây Giang đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện vươn lên làm kinh tế, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

GIAM NGHEO 4
Người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Ảnh: H.Q

Chăm chỉ bám nương, làm rẫy, nhưng cuộc sống gia đình ông Bríu Roon - ở thôn Nal, xã Lăng (Tây Giang) nhiều năm vẫn không thể thoát cảnh nghèo khó. Nhiều lần muốn đầu tư mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhưng xoay sở mãi vẫn không đủ nguồn vốn mua cây giống, con giống.

Năm 2020, trong một lần sinh hoạt Hội Cựu chiến binh (CCB) xã, được bà Bling Thị Giép – Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang thông tin về vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo theo Nghị định 78/2022 của Chính Phủ, ông Roon đã nhanh chóng tiếp cận. Qua tư vấn, hướng dẫn và xem xét các điều kiện, ông Roon quyết định vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH ủy thác cho vay qua Hội CCB xã.

Có nguồn vốn, ông Roon đã mua 8 con bò giống về nuôi. Số tiền còn lại, ông mua thêm keo giống về trồng trên đất đồi của gia đình. Được sự hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi của bộ phận chuyên môn, đàn bò của ông phát triển nhanh, tránh được dịch bệnh và đẻ những lứa đầu tiên.

Qua 4 năm chăn nuôi, trồng trọt, gia đình ông Bríu Roon đã chính thức thoát nghèo, trả nợ cho ngân hàng được 30 triệu đồng. Đây là động lực để ông tiếp tục phấn đấu làm ăn, trả hết khoản vay và nâng cao cuộc sống gia đình.

GIAM NGHEO 2
Người dân đầu tư các mô hình chăn nuôi, trồng trọt từ vốn vay chính sách. Ảnh: H.Q

Tháng 5/2024, hộ anh Alăng Thiếu - ở thôn Ra’Bhượp (xã A Tiêng) được tiếp cận vốn vay CSXH 100 triệu đồng (Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007 của Chính phủ) với thời hạn 5 năm, ông đã đầu tư mô hình nuôi bò sinh sản.

“Lãi suất thấp, thời hạn vay dài giúp tôi yên tâm đầu tư chuồng trại, mua giống, nhân đàn. Khi đàn bò phát triển ổn định, tôi có thể đầu tư, phát triển thêm các mô hình kinh tế trồng trọt khác. Qua đó từng bước phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập và có thể trả dần các khoản vay” – ông Thiếu cho biết.

Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang đang triển khai 12 chương trình vay vốn ưu đãi theo các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với tổng nguồn vốn hoạt động hơn 300,6 tỷ đồng, tổng dư nợ hơn 276,1 tỷ đồng. Lượng khách hàng dư nợ của 12 chương trình là 5.457 hộ.

GIAM NGHEO 5
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, vay vốn ưu đãi ngân hàng. Ảnh: H.Q

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã tạo điều kiện cho 865 hộ vay vốn, trong đó 479 hộ nghèo vay ưu đãi, 183 hộ vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, 182 hộ vay giải quyết việc làm... Đồng thời giao chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các xã với số tiền là 23,5 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay giải quyết việc làm. Điều này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của đồng bào Cơ Tu, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế huyện Tây Giang.

Về công tác ủy thác cho vay qua các hội, đoàn thể chiếm phần lớn hoạt động cho vay, nên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Giang đã quan tâm tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 320 cán bộ ban giảm nghèo, hội đoàn thể cấp xã, trưởng thôn, ban quản lý tổ vay vốn và tiết kiệm. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát các Hội LHPN, nông dân, CCB, đoàn thanh niên cấp xã nhận ủy thác cho vay, với 85 tổ và 434 hộ vay để kịp thời tư vấn, giải đáp khó khăn, vướng mắc.

[VIDEO] - Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang đánh giá hiệu quả của vốn vay chính sách đối với công tác giảm nghèo bền vững:

LÊ MỸ