Những người giúp việc cho làng
Luôn góp mặt trong các sự kiện của cộng đồng, họ được ví như những người giúp việc làng, trở thành tấm gương điển hình trong đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam.
Chuyện của bà Y Bẩm
Những ngày hội truyền thống ở huyện Phước Sơn, chừng như không thể thiếu vai trò của bà Y Bẩm, một nghệ nhân ở làng Lao Đu (xã Phước Xuân).
Xuyên suốt chương trình lễ hội, người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi, vai đeo gùi, tóc cài những nhánh lá rừng, chỉ dẫn đoàn nghệ nhân thực hiện từng động tác trong nghi thức truyền thống của cộng đồng.
Tục của người Bh’noong (một nhánh của dân tộc Giẻ Triêng), phụ nữ được chọn chủ trì đa số hoạt động lễ hội. Để đảm nhận vai trò ấy, họ phải là những người uy tín, có khả năng am hiểu phong tục tập quán, nghi thức cúng thần linh của cộng đồng địa phương.
Nhiều năm gắn bó với công việc “chủ cúng”, bà Y Bẩm nói, bản thân đã vượt ra khỏi nhiệm vụ chung của làng, bởi những người giữ vai trò như bà đều đang miệt mài góp sức cho mục tiêu lớn hơn là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng Bh’noong trước nguy cơ mai một.
Thông qua các dịp lễ hội, vai trò của bà Y Bẩm với làng Lao Đu được ví như “tổng đạo diễn” truyền cảm hứng, khuyến khích sự tham gia của người dân cho hoạt động văn hóa tiêu biểu của cộng đồng.
Nhiều năm qua, bên cạnh tổ chức sưu tầm, truyền dạy các điệu múa, làn điệu dân ca, dệt thổ cẩm truyền thống cho cộng đồng, nhất là lớp trẻ... bà Y Bẩm với tư cách là nghệ nhân Bh’noong tham gia hầu hết sự kiện quan trọng của của địa phương. Với bà, đó là cách để bảo lưu các giá trị văn hóa đặc sắc, giáo dục con cháu thêm tự hào và yêu hơn văn hóa của dân tộc mình.
“Với vai trò là nghệ nhân của thôn, bên cạnh góp sức giữ gìn và phát huy bản sắc cộng đồng, cụ thể như truyền dạy đan lát, dệt thổ cẩm, đánh múa trống chiêng, hát đối đáp.... tôi luôn ý thức được trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ vậy, trang phục truyền thống luôn được lưu giữ, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ, người dân ngày càng ý thức làm ăn, phát triển kinh tế” - bà Y Bẩm chia sẻ.
Mới đây nhất, xã Phước Xuân tổ chức lễ “Cúng lúa trăm”, hướng đến việc phục dựng nghi thức độc đáo phục vụ hoạt động du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Không ai khác, bà Y Bẩm được dân làng Lao Đu chọn làm... chủ cúng.
Bằng kinh nghiệm của mình, bà Y Bẩm truyền dạy dân làng từ hình thức tổ chức, cách phục dựng nghi thức “Cúng lúa trăm”, cho đến các hoạt động tái hiện không gian sinh hoạt, cuộc vui đoàn kết cộng đồng.
Các trình tự của một lễ hội truyền thống theo nguyên bản của làng người Bh’noong được tái hiện và phục dựng, tạo tiền đề giúp địa phương khôi phục, hướng đến phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo trong tương lai.
Ông A Ngo - Chủ tịch UBND xã Phước Xuân cho biết, ngoài đóng góp rất lớn cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, bà Y Bẩm còn là người có uy tín trong việc huy động dân làng hỗ trợ công sức giúp các hộ khó khăn phát triển kinh tế, thay đổi nếp nghĩ nếp làm trong giáo dục con cháu.
Đặc biệt là sự đồng hành, vận động nhân dân giữ tinh thần đại đoàn kết, chung sống bình đẳng, hòa thuận và tin tưởng vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...
Góp sức cho cộng đồng
Ở vùng cao Quảng Nam, mỗi người dân đều gắn trách nhiệm cá nhân với làng bản, góp sức vào sự phát triển chung của cộng đồng.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tại địa phương, những năm qua xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong việc đồng hành, giúp đỡ người dân cùng nhau phát triển.
Mỗi người một hành động, từ hiến góp đất đai, truyền dạy đan lát, dệt thổ cẩm, múa trống chiêng, đến chia sẻ ruộng vườn cho người khó khăn.
Những việc làm tốt đẹp đó đã giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng, đặc biệt là tư duy đổi mới trong cách nghĩ, nếp làm của đồng bào địa phương.
Thực tế thời gian qua, có không ít người đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để nhường chỗ cho chính quyền địa phương triển khai, xây dựng các dự án dân sinh ý nghĩa.
Tiêu biểu như ông Mạc Văn Min (ở thôn Tống Cóoi, xã Ba) tình nguyện hiến đất vườn để làm đường liên thôn, sau đó trực tiếp vận động hàng chục hộ dân khác cùng hiến góp, hoàn thành nên tuyến đường bê tông chạy dài xuyên núi, đáp ứng việc đi lại của người dân trong vùng.
Ngoài hộ ông Minh, tại Đông Giang có rất nhiều người dân tình nguyện hiến đất vườn phục vụ nhu cầu cần thiết của cộng đồng. Như hộ Bhling Nhơl (ở thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn) hiến hơn 900m2 đất xây dựng công trình nhà sinh hoạt cộng đồng thôn.
Hay hộ ông Ating Đhí (ở tổ dân phố Prao, thị trấn Prao) hiến gần 5ha đất vườn cho Nhà nước làm các dự án khu nhà làm việc của Huyện ủy, sân vận động thể thao, công viên văn hóa Cơ Tu, Tượng đài chiến thắng…
“Bằng tinh thần vì cộng đồng, những năm qua, rất nhiều tấm gương tham gia hiến đất giúp chính quyền địa phương có nơi dựng gươl, moong, nhà sinh hoạt truyền thống, điểm trường học...
Những đóng góp của họ không chỉ giúp nhu cầu đi lại, cuộc sống sinh hoạt của người dân ngày càng thuận lợi và phát triển, mà còn là động lực giúp chính quyền địa phương thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới, đồng bộ hạ tầng nông thôn miền núi” - ông Đỗ Hữu Tùng nói.
Chuẩn bị chu đáo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ IV - năm 2024
Chiều qua 17/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng có buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ IV - năm 2024 để nghe thông tin về công tác chuẩn bị đại hội.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho biết, đến nay công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV - năm 2024 cơ bản hoàn tất, đảm bảo các điều kiện tổ chức đại hội. Bên cạnh hoàn chỉnh nội dung các dự thảo chương trình đại hội, báo cáo chính trị đại hội, Quyết tâm thư đại hội... các đơn vị được giao nhiệm vụ đã hoàn thiện nội dung báo cáo tham luận điển hình tiên tiến, tài liệu phục vụ đại hội.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo bổ sung danh sách nhân sự đoàn chủ tịch, thư ký đại hội; công tác khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình; quà tặng đại biểu, cũng như chương trình nghệ thuật chào mừng đại hội, triển lãm ảnh và viếng hương Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh...
Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, hội nhập, vươn lên phát triển bền vững”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ IV dự kiến tổ chức vào ngày 23-24/9/2024, tại TP.Tam Kỳ với sự tham dự của 250 đại biểu chính thức.
ALĂNG NGƯỚC
Quảng Nam có 3/15 chỉ tiêu vượt kế hoạch nghị quyết của tỉnh về phát triển miền núi
Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đến nay có 3/15 chỉ tiêu vượt kế hoạch, bao gồm: tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT; 7/15 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch.
Để đạt kết quả trên, thời gian qua, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng phát triển vùng Tây. Cụ thể, nhóm dự án bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ; nhóm dự án sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu; nhóm dự án về phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; nhóm dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng và nhóm dự án về phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao.
ĐĂNG NGỌC