Đời sống

Người dân ven biển sẵn sàng ứng phó thiên tai

THÚY HIỀN - ĐÌNH HẢI 19/09/2024 09:14

(QNO) - Mùa mưa bão đến, những người dân vùng “đầu sóng ngọn gió” luôn sẵn sàng tâm thế chống bão. Nghe tin áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4 gây mưa lớn đến khu vực Trung Trung Bộ, các địa phương ven biển chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn người và tài sản.

img_1750.jpg
Nhiều hộ dân tại các xã ven biển chủ động chằng chống nhà cửa. Ảnh: H.H

Chủ động ứng phó, bảo vệ tài sản

Mưa to, ông Trần Thanh Cường (thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến, Núi Thành) vội vã đi mua dây neo, bình đựng nước về chằng chống nhà cửa của mình. “Mình phòng trước. Biết rằng tâm bão này không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam, nhưng tôi và người dân quanh xóm đều rủ nhau chằng chống, chuẩn bị kỹ càng cũng cảm giác an toàn hơn” - ông Cường nói.

Cách đây 3-4 ngày, một số người dân xã biển Tam Tiến nghe tin áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài biển Đông cũng đã chằng bao cát, thùng nước, thanh nẹp, giằng chữ A và dây neo cho mái nhà…

z5843635096274_0b74a501dd34f3b567e36bf0cdbea8ae.jpg
Người dân thực hiện chặt bỏ bớt cây xung quanh nhà, tránh tình trạng ngã vào nhà. Ảnh: H.H

Hỗ trợ người dân trong công tác phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: “Trước bão số 4 này, khi nghe báo đài, chính quyền địa phương tuyên truyền, người dân đã ý thức cao trong việc thu hoạch hết hoa màu, thủy sản. Công tác chằng chống nhà cửa, mé cây cơ bản cũng được thực hiện ở nhiều thôn. Toàn bộ tàu thuyền của ngư dân được hướng dẫn neo đậu vào khu an toàn trú tránh bão. Đặc biệt, những hộ người già neo đơn luôn được quan tâm hỗ trợ khi thời tiết chuyển biến xấu”.

Ông Uy cho biết thêm, mỗi thôn của xã Tam Tiến đều có đội xung kích phối hợp với đội xung kích phòng chống thiên tai của xã, luôn sẵn sàng cùng người dân ứng phó với bão lũ. Trước đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lớp tập huấn phòng chống thiên tai cho nhóm nòng cốt. Đây chính là lực lượng đi đầu trong việc tuyên truyền, giúp người dân “phòng là chính” và khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Thiết kế chưa có tên
Bộ đội Biên phòng xã Bình Minh giúp dân thực hiện công tác phòng chống bão số 4. Ảnh: H.H

Cùng phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bình Minh là lực lượng vũ trang tiên phong hỗ trợ người vùng ven biển phòng chống bão lũ. Xác định bão số 4 tuy không hướng tâm vào tỉnh Quảng Nam nhưng gây ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, BĐBP Bình Minh tổ chức vận động, tuyên truyền phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

[VIDEO] - Công tác phòng chống bão tại một số địa phương, đơn vị:

Trung tá Trịnh Thanh Bình - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Minh cho biết: “Phối hợp với địa phương 4 xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Hải, Bình Nam (Thăng Bình), BĐBP Bình Minh đã tổ chức chằng chống nhà cửa cùng người dân, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Bình Minh đã chuẩn bị 15.000 bao cát và hơn 1.000 cây tre để hỗ trợ các địa phương trong đợt bão này, sẵn sàng ứng phó thiên tai, giúp dân trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.

Xây chòi/phòng trú bão kiên cố

Thực hiện Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam về quy định mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, nhiều xã khu vực ven biển an tâm trước mùa mưa bão…

Bão số 4 vào bờ dự báo giật cấp 8, cấp 10, ông Nguyễn Ngọc Phong (thôn Bích Nam, xã Tam Xuân II, Núi Thành) vội về quê, cõng mẹ sang nhà em gái gần đó trú bão. Cách đây 1 năm, em gái của ông Phong - bà Nguyễn Thị Phương (thôn Long Khánh, xã Tam Tiến) luôn nơm nớp lo sợ sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ vào mùa mưa bão.

Tuy nhiên, bây giờ bà Phương đã an tâm hơn khi xảy ra gió bão. “Nhờ chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng xây dựng chòi chống bão, bão số 4 có vào nhà tôi cũng không quá sợ. Nhà vệ sinh được đổ mê kiên cố, là nơi vừa sinh hoạt thuận tiện, vừa ẩn nấp an toàn cho tôi và mẹ khi bão tới” - bà Phương chia sẻ.

img_1743.jpg
Phòng ngủ đổ bê tông kiên cố dùng để trú bão. Ảnh: H.H

Xã Tam Tiến có 3.868 hộ dân. Năm 2022, bão đến, địa phương phải di dời từng hộ dân đến khu tập trung tại Trường Quân sự tỉnh. Đến năm 2023, chỉ còn hơn 100 hộ vùng trũng thấp bị ngập lụt phải di dời. Nhưng thực hiện tốt Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND, xã Tam Tiến hoàn thành hồ sơ cho 96 hộ nhận chính sách hỗ trợ làm phòng/chòi trú bão. Đến nay, phần lớn người dân trên toàn xã đã có nhà/phòng đổ bê tông, công tác di dời tập trung không cần thiết nữa.

Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến

Nằm ở vùng trũng thấp phía Đông huyện Thăng Bình, xã Bình Hải thường xuyên bị thiệt hại nếu gió bão tấn công. Gần đây chính quyền xã đã vận động người dân xây chòi chống bão kiên cố. Là một trong những hộ dân xây chòi chống bão, bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải) chia sẻ: “Mừng lắm! Được hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình tôi bỏ thêm mười mấy triệu đồng để làm căn phòng chống bão. Làm ở vị trí cao, được đổ mê đàng hoàng nên không còn sợ bão lụt phải chạy đi chỗ khác trú nấp nữa”.

3.jpg
Chòi/phòng trú bão có diện tích từ 6-20m², đủ để đảm bảo an toàn cho cả gia đình trong mùa mưa bão. Ảnh: H.H

Theo ông Nguyễn Kim Tư - Chủ tịch UBND xã Bình Hải, thực hiện Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND, năm 2023 xã Tam Hải đã nghiệm thu, giải ngân 38 chòi/phòng trú bão lụt. Đầu năm 2024, nhiều người dân cũng đã làm hồ sơ đăng ký, nhưng tỉnh tạm thời ngưng hỗ trợ.

[VIDEO] - Hiệu quả chòi/phòng trú bão tại các địa phương:

Khó khăn hiện nay của địa phương là còn 15 hộ dân khu vực ven sông Trường Giang mùa mưa bão thường ngập lụt. Tuy nhiên, xã Bình Hải cũng đã lên phương án xen ghép, không di dời tập trung như các năm trước.

THÚY HIỀN - ĐÌNH HẢI