Vùng cao Trà My đề phòng sạt lở
Mưa lớn kéo dài vừa qua đã làm sạt lở một số điểm, gây ách tắc giao thông ở vùng cao Trà My. Để đảm bảo an toàn cho người dân và ứng phó với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, hai địa phương Bắc Trà My và Nam Trà My đã chủ động triển khai phương án ứng phó, nhất là sẵn sàng sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng sơ tán, di dời dân
Xã Trà Bui nằm cách trung tâm huyện Bắc Trà My khoảng 45km. Theo thống kê của UBND xã Trà Bui, toàn xã có 1.472 hộ dân; trong đó 81 hộ có nhà ở chưa kiên cố và 60 hộ có nhà ở nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng thiên tai thuộc diện di dời theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Nguyễn Văn Xuyến - Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Trà Bui cho biết, địa phương đã khoanh vùng nhóm đối tượng ưu tiên cần được quan tâm giúp đỡ trong công tác sơ tán đảm bảo an toàn trước, trong thiên tai như người già, tàn tật, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 16 tuổi với số lượng khoảng 1.000 người. Năm 2024, Trà Bui đã bố trí 101 người tham gia lực lượng xung kích, ứng phó khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn.
“Trà Bui thường xuyên xảy ra chia cắt do sạt lở trong mùa mưa bão nên đặc biệt lưu ý đến phương án đảm bảo an toàn cho các trường học.
Địa phương chỉ đạo các ban ngành, hội phụ huynh học sinh phối hợp với nhà trường gia cố và bảo vệ trường lớp. Xã cũng kiểm tra, kịp thời sửa chữa những công trình hư hỏng, gây mất an toàn vào mùa mưa” - ông Xuyến thông tin.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết: “Ngoài việc thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, huyện Bắc Trà My đã xây dựng bản đồ phòng chống thiên tai của huyện để số hóa, in ấn đưa lên trung tâm điều hành IOC của huyện.
Đặc biệt là các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở đều được số hóa trên bản đồ, xây dựng sa bàn toàn huyện, chuyển về các địa phương và đưa ra thực tế ngoài sa bàn phục vụ cho việc điều hành, chỉ huy công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện”.
Theo UBND huyện Bắc Trà My, trên địa bàn huyện hiện có hơn 400 điểm có nguy cơ sạt lở tại 13/13 xã, thị trấn đã được cảnh báo. Những ngày qua, mưa trên địa bàn huyện Bắc Trà My rất lớn. Lúc 15h30 chiều 18/9, lượng mưa đo được tại xã Trà Giác là 147mm, tại thị trấn Trà My là 123mm.
Huyện đã phát đi thông tin mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 2. Ngay trong chiều 18/9, UBND huyện Bắc Trà My đã tổ chức họp trực tuyến với 13 điểm cầu tại các xã, thị trấn để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó.
Trong đó, xã Trà Ka đã sơ tán ngay trong đêm đối với 7 giáo viên và 54 học sinh tại 2 trường cấp 2 của xã cùng với 1 hộ dân gồm 4 nhân khẩu gần khu vực trường. Thị trấn Trà My đã sơ tán 9 hộ dân với 33 nhân khẩu ở nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Huyện cũng đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm thi công dọc quốc lộ 40B.
Khẩn cấp ứng phó
Mưa lớn liên tục kéo dài trong nhiều ngày qua trên địa bàn huyện Nam Trà My khiến một số điểm sạt lở, nhiều điểm khác đang có công trình thi công hoặc địa chất yếu cũng đứng trước nguy cơ sạt lở.
Theo thông tin từ UBND huyện Nam Trà My, ngày 18/9, trên địa bàn huyện có mưa vừa, mưa to kéo dài và phạm vi mưa bao phủ toàn huyện. Lượng mưa đo được lúc 11h ngày 18/9 tại xã Trà Leng là 23.2mm, tại UBND xã Trà Vân 51.2mm, Trà Don 36.6mm.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, trên địa bàn xã có nhiều tuyến đường đang thi công nên dễ gây ra sạt lở. Xã đã vận động 8 hộ dân với 44 nhân khẩu tại khu dân cư ở thôn 1 và thôn 5 đến nơi an toàn.
Xã Trà Cang với lực lượng xung kích tại chỗ gần 200 người luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đơn vị đang thi công các công trình cũng sẵn sàng phương tiện xe múc, xe ủi hỗ trợ khai thông đường khi xảy ra sạt lở.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nam Trà My, mưa lớn đã gây nhiều điểm sạt lở nhỏ trên địa bàn huyện. Ngay trong chiều và đêm 18/9, toàn huyện đã di dời 48 hộ với 150 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đã rà soát tất cả điểm có nguy cơ sạt lở, các khu dân cư, nhà dân nằm trong vùng có nguy cơ mất an toàn, chuẩn bị sẵn sàng phương án để chủ động ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Hiện nay thông tin về mưa bão, ứng phó được ưu tiên tuyên truyền thường xuyên trên đài truyền thanh huyện, trạm truyền thanh về xã/thôn nhằm cảnh báo kịp thời, vận động nhân dân phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Ông Dũng cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 39 khu dân cư có nguy cơ mất an toàn và sẽ di dời dân ngay khi có dấu hiệu bất ổn. Tổng số nhân khẩu dự kiến di dời đến nơi tránh trú an toàn khi có bão, sạt lở toàn huyện là 11.780 người.
Huyện đã dự trữ hơn 300.000kg gạo tại các nhà kho của xã, trường học, nhà kho thôn, các cửa tiệm tạp hóa và trong nhân dân, dự trữ hơn 1.160 thùng lương khô, 1.505 thùng nước uống đóng chai.
Các đơn vị trường học phối hợp với UBND các xã tổ chức dự trữ, điều phối lương thực, không để nhân dân thiếu ăn trong mùa mưa bão. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện có hơn 1.000 người tham gia sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống”.
Sáng 19/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nam Trà My đã phân công các tổ đứng điểm khu vực đi kiểm tra các xã trong ứng phó mưa bão, di dời dân. Lực lượng xung kích tiến hành dọn và khơi không các điểm sạt lở trên các tuyến đường, hạn chế thấp nhất việc ách tắc giao thông gây khó khăn cho công tác ứng phó khi có sự cố xảy ra.