Già làng Alăng Đàn làm cầu treo cho dân
Già làng Alăng Đàn ở xã A Nông (Tây Giang) không chỉ có tiếng nói, uy tín với cộng đồng mà còn góp phần thay đổi cuộc sống của 20 hộ dân trong thôn Arớt khi đầu tư hàng trăm triệu đồng làm cầu dân sinh.
Năm 2016, sau nhiều trận bão lũ, cây cầu cũ bắc qua con suối Vir của khu dân cư thôn Arớt bị cuốn trôi hoàn toàn. Cầu trôi, người dân chỉ còn cách băng qua suối vào mùa nắng; những ngày mưa phải đi vòng qua con đường khác dài gần 3 cây số mới đến được khu sản xuất.
“Sau nhiều lần bàn bạc, được sự hậu thuẫn của gia đình cũng như sự cho phép của chính quyền địa phương, năm 2022 tôi đã quyết định làm cầu, bỏ ra hơn 100 triệu đồng, rồi vận động bà con trong thôn tham gia hỗ trợ” - ông Alăng Đàn chia sẻ.
Chưa có kinh nghiệm làm cầu, ông Đàn tự mày mò, nghiên cứu từng bước một. Sau nhiều ngày đi khảo sát con suối Vir, cuối cùng ông cũng tìm được chỗ ưng ý.
Ông cùng người dân trong khu dân cư xây móng trụ bê tông thật chắc để làm cột đỡ, rồi xây móng trụ làm trụ chống, trụ neo cho chắc chắn. Dây cáp đan nhau buộc chặt vào những thanh gỗ để làm giá đỡ.
Anh Alăng Binh (người cùng làm cầu với ông Đàn), kể: “Bà con trong thôn đi làm lội qua con suối rất vất vả, càng nguy hiểm hơn khi có trận mưa lớn.
Nghe tin gia đình bác Đàn tự bỏ công của để làm cầu treo, mọi người trong khu dân cư đồng lòng ủng hộ. Mọi công đoạn làm cầu lúc đó thực hiện bằng dụng cụ thô sơ, không có máy móc. Nhiều lúc phải dầm mình nhiều ngày dưới nước, có lúc thì vắt vẻo trên cao để hoàn thiện các công đoạn”.
Cây cầu treo được hoàn thành sau hơn một tháng thi công; cầu có thiết kế mỗi bên hai cột trụ bê tông vững chắc, chiều dài 5m, rộng 1,5m, có hệ thống dây cáp treo dài gần 100m. Phía trên mặt cầu dùng các tấm gỗ để lát, hai bên cầu được kéo bằng các dây thép to để đảm bảo an toàn.
Anh Alăng Binh chia sẻ thêm: “Từ ngày có cầu treo qua được khu sản xuất Haleem, bà con vui mừng lắm, đi làm dắt theo con trẻ mà không lo mỗi khi có trận mưa lớn. Nhờ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của già Đàn mà cuộc sống bà con nơi đây ngày càng ổn định”.
Còn theo chị Bhướch Thị Lợi, phong tục bao đời nay của người Cơ Tu là ăn ở sinh hoạt một khu riêng và sản xuất một khu riêng biệt. “Hàng chục năm nay, gia đình tôi cũng như 20 hộ dân trong thôn đã chăn nuôi, trồng trọt tại khu Haleem, hàng ngày phải lội qua con suối Vir để đi làm. Mấy năm nay, nhờ cây cầu của gia đình ông Đàn mà bà con đỡ vất vả” - chị Lợi nói.
Theo ông Yđêl Bốn - Chủ tịch UBND xã A Nông, già làng Alăng Đàn là tấm gương trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Ông Đàn cũng là người tâm huyết và có nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, xây dựng cuộc sống mới. “Riêng việc xây dựng cây cầu của ông rất có ý nghĩa, đã giải quyết nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi, giúp người dân phát triển kinh tế...” - ông Bốn nói.
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”