Lao động - Việc làm

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Kênh giải quyết việc làm hiệu quả

DIỄM LỆ - MỸ LINH 20/09/2024 13:45

Bộ LĐ-TB&XH vừa phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị chuyên đề về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Khẳng định đây là kênh giải quyết việc làm hiệu quả cho địa phương, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

z5838346814672_856a785a62db3797dca463df36fe12ae.jpg
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan tham gia hội nghị về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được tổ chức tại Quảng Nam vừa qua. Ảnh: L.L

Nhiều chính sách hỗ trợ

Thời gian qua, nhiều chính sách, giải pháp đã được Bộ LĐ-TB&XH cũng như các tỉnh, thành phố thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác đưa lao động (LĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Theo Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), LĐ được hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề, hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở, tiền trang cấp đồ dùng cá nhân, tiền đi lại (lượt đi và về) từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo cách 15km trở lên trong thời gian đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; được hỗ trợ cho vay vốn theo các chính sách của trung ương và địa phương.

Người LĐ thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ chi phí làm thủ tục đối với người LĐ đi làm việc ở nước ngoài gồm lệ phí cấp hộ chiếu/giấy thông hành/giấy phép xuất cảnh, phí cung cấp lý lịch tư pháp, lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận LĐ; chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhiều chính sách tích hợp đã hỗ trợ tích cực cho người LĐ trong cả nước, đặc biệt LĐ thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số có thêm điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin, các chính sách nêu trên đều được thực thi trên địa bàn tỉnh. Quảng Nam còn có thêm chính sách cho vay vốn ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 21 ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh.

Ông Quý cho biết: “Công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tốt hơn giai đoạn trước.

Từ năm 2021 đến nay, Quảng Nam đã đưa 3.993 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 80% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (đưa 5.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Kết quả tuy có khiêm tốn so với các địa phương khác của khu vực miền Trung và cả nước nhưng bước đầu đánh dấu sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền và người dân. Tỉnh cũng có nhiều mô hình kết hợp giữa chính quyền - nhà trường - doanh nghiệp khá hiệu quả, được người LĐ tin tưởng, yên tâm tham gia đi làm việc ở nước ngoài”.

z5838347023215_a6770e394be32ef8ac158734181202e8.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: L.L

Tiếp tục đẩy mạnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài là hướng đi đúng, chính xác, trong những năm qua, Quảng Nam quan tâm công tác này rất nhiều.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhìn nhận, công tác hỗ trợ người LĐ các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài mặc dù đạt những kết quả cụ thể nhưng vẫn còn khó khăn, từ cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện.

Chủ thể quan trọng nhất trong công tác này là bản thân người LĐ. Tuy nhiên, LĐ ở huyện nghèo hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán ngại đi làm ăn xa, kể cả trong nước.

Một chủ thể quan trọng nữa là doanh nghiệp, đây chính là đối tác làm cầu nối giúp địa phương chuyển tải, tiếp cận LĐ và hỗ trợ đưa LĐ làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp cần có sự quan tâm, trách nhiệm, đổi mới cách làm, xã hội hóa nhiều hơn để làm sao hỗ trợ người nghèo tiếp cận được chính sách hiệu quả...

anh-ld1-1-(1).jpg
Lao động là thực tập sinh trước giờ xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: D.Lệ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị: “Các địa phương, nhất là 6 huyện nghèo của tỉnh cần định hình lại cách thức tổ chức triển khai trên địa bàn, từ đó có các giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan khẳng định, đưa người LĐ làm việc ở nước ngoài là kênh giải quyết việc làm, ổn định an sinh xã hội, hướng đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước khi người LĐ hoàn thành chương trình, trở về tham gia thị trường LĐ trong nước.

Việt Nam đã đưa hàng trăm nghìn LĐ mỗi năm đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường lớn truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Đây là chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ LĐ cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Hoan cho biết: “Đối với người LĐ, sau khi tích lũy kinh nghiệm, tác phong làm việc khoa học, kiến thức chuyên môn kỹ thuật trong thời gian làm việc tại nước ngoài, khi quay trở về nước sẽ góp phần tích cực trong công tác tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế của gia đình.

Nhiều hộ thoát nghèo, không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho cộng đồng, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với người LĐ các huyện nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các xã bãi ngang ven biển, vùng khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, đi làm việc ở nước ngoài là kênh tích cực và nhanh chóng trong công tác giảm nghèo bền vững. Mặc dù rất tích cực triển khai nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn, có nhiều vướng mắc ở cơ chế, công tác tổ chức thực hiện, vướng trong công tác phối hợp, tuyên truyền đến người dân”.

Bộ LĐ-TB&XH lưu ý các địa phương là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 gần kết thúc, chỉ còn 16 tháng để triển khai. Vì vậy đề nghị Cục Quản lý LĐ ngoài nước sau hội thảo cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh công tác này.

Lựa chọn những chương trình phù hợp, ưu tiên LĐ tham gia các chương trình đào tạo ngoại ngữ như tiếng Hàn, tiếng Nhật để làm việc ở các nước này. Đối với các thị trường không cần đòi hỏi ngoại ngữ cao thì tạo điều kiện cho LĐ tiếp cận, nhất là LĐ huyện nghèo.

Đối với các doanh nghiệp, ông Hoan đề nghị cần đồng hành với địa phương trong việc hỗ trợ đào tạo giáo dục định hướng, phân loại đối tượng, hỗ trợ giải quyết khó khăn về kinh phí để LĐ có cơ hội tiếp cận làm việc tại nước ngoài.

DIỄM LỆ - MỸ LINH