Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp FDI gặp khó, Quảng Nam đồng hành hỗ trợ

TRỊNH DŨNG 20/09/2024 10:58

Chỉ gần 37% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) báo lãi. Số còn lại báo lỗ hoặc có số lỗ lũy kế luôn tăng qua từng năm. Chính quyền Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp FDI.

bia.jpg
Nhà máy bia Heineken đã đóng cửa từ tháng 6/2024.

Sản xuất, kinh doanh suy giảm

Kế hoạch thu 570 tỷ đồng từ nhà máy bia Heineken Quảng Nam trong số 1.480 tỷ đồng của khu vực doanh nghiệp FDI bị “đổ bể”. Tính bình quân, số thuế doanh nghiệp này phải đóng vào ngân sách nhà nước theo kế hoạch là 47,5 tỷ đồng/tháng, nhưng sản lượng bia bán ra đã giảm đột biến.

Từ hơn 5 triệu lít/tháng trước đây, chỉ còn 1,7 triệu lít/tháng. Số thuế thu được từ doanh nghiệp này trong vòng 6 tháng qua chỉ khoảng 77 tỷ đồng (14% dự toán).

Thống kê của Cục Thuế Quảng Nam, số thu từ các doanh nghiệp FDI những tháng đầu năm 2024 mới chỉ đạt 709 tỷ đồng, kể cả gia hạn là 715 tỷ đồng (48,3%). Chủ yếu từ Công ty TNHH Nam Hội An (gần 396 tỷ đồng) và bia (77 tỷ đồng). Các doanh nghiệp còn lại chỉ khoảng 341 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế cho hay sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia giảm mạnh. Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã thông báo ngừng hoạt động kể từ tháng 6/2024.

Dự toán của khu vực doanh nghiệp FDI chủ yếu từ nhà máy bia. Một khi nhà máy này đóng cửa, số thu ngân sách trên đà suy giảm, dự báo sẽ không đạt dự toán đã giao.

WOOCHANG 2
Công ty WOOCHANG (Hàn Quốc) - một trong những doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo Sở Tài chính, chỉ gần 37% doanh nghiệp FDI báo lãi. Số liệu tổng hợp hàng năm cho thấy số doanh nghiệp FDI báo lỗ, số doanh nghiệp có lỗ lũy kế luôn tăng qua các năm.

Một số doanh nghiệp tăng vốn chủ sở hữu, tăng doanh thu nhưng luôn báo lỗ. Trong năm 2023, chỉ có 60/162 doanh nghiệp báo lãi, 97 doanh nghiệp có lỗ trước thuế, 111/162 doanh nghiệp có lỗ lũy kế.

Phân tích của Sở Tài chính cho thấy các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS), tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), khả năng thanh toán hiện thời, khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp FDI đều ở mức thấp.

Trong khi đó, chỉ tiêu hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức cao, cho thấy doanh nghiệp có nợ phải trả chiếm tỷ lệ cao so với tổng vốn chủ sở hữu, nâng tổng mức rủi ro trong việc thanh toán.

Theo bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính, các thống kê phản ánh phần lớn doanh nghiệp FDI trên địa bàn Quảng Nam hoạt động thiếu hiệu quả.

Lý do là thị trường suy giảm, lãi suất vay ngân hàng tăng, chi phí vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistic, giá nguyên vật liệu tăng..., ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của nhà đầu tư.

Nhu cầu đầu tư các dự án mới đều sụt giảm. Một số doanh nghiệp trước đây có dự kiến mở rộng đầu tư thì nay phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch, cân nhắc lại thời điểm để đầu tư hiệu quả.

DUY TRUNG
Doanh nghiệp FDI đầu tư tại Cụm công nghiệp Tây An (Duy Trung, Duy Xuyên)

Tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo thống kê, cuối năm 2023, Quảng Nam có 193 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,08 tỷ USD. Số lượng dự án đã tăng lên khoảng 200.

Theo số liệu từ Cục Thuế Quảng Nam, số lượng doanh nghiệp FDI chi phối (nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại doanh nghiệp) có mã số thuế 10 chữ (các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân, hoặc các tổ chức không có tư cách pháp nhân nhưng trực tiếp có phát sinh nghĩa vụ thuế và đại diện các hội gia đình và hộ kinh doanh, cá nhân khác) còn hoạt động đến 31/12/2023 là 190 doanh nghiệp.

Các dự án tập trung tại Khu kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch ven biển và các khu, cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu được đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Trung Quốc, Pháp, Australia, còn lại từ các quốc gia khác. Chủ yếu công nghiệp chế biến chế tạo (98 doanh nghiệp, chiếm 60,49%) và dịch vụ lưu trú, ăn uống (31 doanh nghiệp, chiếm 19,14%).

Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp tổng hợp, phân tích tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023 là 162 doanh nghiệp, 28 doanh nghiệp còn lại không tổng hợp. Tổng số nộp ngân sách của doanh nghiệp FDI chiếm 8,22% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023, giải quyết việc làm cho 56.241 lao động.

Hầu hết doanh nghiệp FDI trong năm 2023 kinh doanh không hiệu quả, có 9/13 ngành có lợi nhuận sau thuế và trước thuế âm. Cục Thuế cho hay một kế hoạch kiểm tra, xác định lỗ để tư vấn cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã được ngành thuế lên lịch tiến hành trong thời gian sớm nhất.

Theo bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính, sau khi xem xét đề nghị của Sở Tài chính thông qua tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước để phục vụ cho mục tiêu, chiến lược hoạt động, phát triển của doanh nghiệp.

UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cấp thẩm quyền xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề về đất đai, địa điểm, giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư; rút ngắn thời gian thẩm định các thủ tục liên quan đúng pháp luật.

Kịp thời động viên, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Gặp gỡ, đối thoại định kỳ để lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời biểu dương, khen thưởng những doanh nghiệp FDI hoạt động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tham gia đóng góp tích cực cho địa phương...

Cấp giấy phép đầu tư cho 33 dự án

Tin từ UBND tỉnh, gần 9 tháng qua, việc quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động tại Quảng Nam tiếp tục được tăng cường, gia tăng thu hút đầu tư, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật về các vấn đề đất đai, địa điểm, giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư. Đặc biệt là những dự án có quy mô lớn, sản phẩm công nghệ cao, thu hút nhiều lao động, có khả năng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chỉ riêng trong tháng 8/2024, đã cấp mới 4 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 21,6 tỷ đồng và 1 dự án FDI với số vốn đăng ký 2,4 triệu USD. Lũy kế, Quảng Nam đã cấp 33 dự án đầu tư, bao gồm: 25 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đăng ký gần 4,8 nghìn tỷ đồng và 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 126,6 triệu USD.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư cũng chứng kiến sự suy thoái của doanh nghiệp khi thu hồi 10 dự án (8 dự án đầu tư nội địa và 2 dự án FDI), ngừng hoạt động 2 dự án (1 dự án đầu tư nội địa và 1 dự án FDI). Hiện tại, Quảng Nam có 199 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 6,2 tỷ USD và 1.165 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đăng ký hơn 223 nghìn tỷ đồng.

T.D

Doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn

Theo Sở KH&ĐT, Quảng Nam đã tập trung mọi nguồn lực để đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, thủ tục, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục trải qua bối cảnh khó khăn, chưa thể hồi phục hoàn toàn. Số doanh nghiệp thành lập mới hiện giảm về số lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay có 762 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 8,1%) với số vốn đăng ký 4,1 nghìn tỷ đồng (giảm 5,5%). Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 1.137 doanh nghiệp (giảm 1,7%). Nhưng tổng số doanh nghiệp rời bỏ thị trường (tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể) là 1.220 doanh nghiệp (tăng 12,4%).

T.C

TRỊNH DŨNG