Chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ, sạt lở đất trong mùa mưa bão
(QNO) - Ngày 19/9, UBND tỉnh có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, sạt lở đất trong mùa mưa bão.
Theo đó, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm thường xuyên, liên tục theo dõi tình hình bão, mưa lũ để chủ động, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Trong đó, tiếp tục rà soát thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 06, 07 của UBND tỉnh, Công văn số 6585/UBND-KTNN (ngày 30/8/2024) về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động,…
Kiểm tra, rà soát chặt chẽ các phương án phòng, chống thiên tai tại địa phương, nhất là các khu vực, khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn. Canh gác, cảnh báo, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ sạt lở; kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập, cầu, cống, đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm xung yếu, đang thi công.
Tổ chức vận hành điều tiết các công trình hồ chứa nước theo quy định; chủ động, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ. Chủ động trang bị, mua sắm đầy đủ phương tiện đảm bảo phòng, chống lụt, bão. Chuẩn bị lương thực dự trữ, sẵn sàng khi có bão, lụt xảy ra.
Triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, đê điều, hồ đập, công trình xây dựng, nhất là công trình giao thông, đê kè đang thi công dở dang. Chủ động việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước.
Chủ động triển khai biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân. Khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh. Kịp thời đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ dân tại khu vực bị cô lập. Tuyệt đối không để ai bị đói, không có nơi ở, thiếu nước uống.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai biện pháp bảo đảm an toàn người, phương tiện và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa địa phương thuộc phạm vi quản lý. Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo an toàn hoạt động giao thông đường sắt, đường hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia. Phối hợp các chủ đầu tư triển khai biện pháp phòng chống bão, lũ, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện thuộc các dự án quan trọng quốc gia, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang thi công ngoài phạm vi quản lý.
Các Sở Tài nguyên và môi trường, Công thương, NN&PTNT phối hợp chặt chẽ các địa phương chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan triển khai biện pháp bảo đảm an toàn, vận hành hợp lý, khoa học các hồ đập thủy điện, thủy lợi để bảo đảm an toàn công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn ứng trực thường xuyên, sẵn sàng cứu dân, tài sản và các yêu cầu khẩn cấp khác. Công an tỉnh tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng tình hình khó khăn, thiên tai để hoạt động vi phạm pháp luật.
Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam theo dõi chặt chẽ tình hình, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của thiên tai, lượng mưa, mực nước cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai hiệu quả công tác ứng phó theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Cổng Thông tin điện tử Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam và đài truyền thanh các địa phương tiếp tục tuyên truyền, đưa tin, cập nhật tình hình, hướng dẫn phương án phòng, chống bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét… để các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân chủ động ứng phó.
Các ủy viên UBND tỉnh được phân công theo dõi địa phương, có trách nhiệm chủ động sử dụng lực lượng, phương tiện của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi và ngập lụt sâu ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị.