Độc đáo mô hình nuôi cua trên cạn
(QNO) - Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Duy Nghĩa (Duy Xuyên) nên anh Lê Ngọc Đông (SN 1988) thấu hiểu những may rủi của nghề nuôi tôm, cua nơi đây. Anh đã dồn tâm trí nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình nuôi cua trên cạn.
Tìm hướng đi riêng
Dọc sông Trường Giang, từ nhiều năm nay, người dân đào ao nuôi tôm cua, lấy nguồn nước lợ do nhiễm mặn từ sông Trường Giang dẫn vào. Nhà anh Đông có một tiệm tạp hóa nhỏ chứ không nuôi tôm cua như những người xung quanh.
Nhà anh Đông ở mé sông nên anh thấu hiểu những nhọc nhằn, rủi ro của nghề nuôi tôm. Khí hậu thất thường, dòng nước thay đổi liên tục khiến tôm cua chịu nhiều dịch bệnh, khó kiểm soát. Vì lấy nước tự nhiên từ sông nên các chỉ số thường xuyên biến động gây bất lợi cho tôm cua.
"Ở miền Nam, họ nuôi thuận lợi vì thời tiết cơ bản ổn định. Miền Trung mình, khi thì nắng nóng hơn 40 độ, đến chiều tối lại lạnh dưới 20 độ. Thủy triều cũng thất thường, độ mặn, độ PH, độ kiềm mỗi lúc đo mỗi khác. Anh em, bạn bè mình nuôi tôm mà nhiều lúc mình thấy như đánh bạc... với trời. Tất nhiên vẫn có những lúc thuận trời, thuận giá làm ăn khấm khá nhưng mình thấy thất bại cũng không ít, cố gồng số lượng đàn trong ao để ít chịu bệnh thì cũng dùng thuốc tương đối nhiều, tôm cua vì vậy mà cũng không đạt chất lượng" - anh Đông nói.
[VIDEO] - Anh Đông chia sẻ về thực trạng may rủi trong việc nuôi tôm cua ở Quảng Nam:
Trong một lần tìm thấy trên internet mô hình nuôi cua trên cạn, anh thích thú nhìn những ô nhỏ, cua được nuôi trong hộp nhựa, tất cả đều được kiểm soát thông qua các thiết bị máy móc, nguồn nước liên tục được xử lý bằng công nghệ vi sinh tiên tiến. Đặc biệt, mô hình này chỉ cần diện tích nhỏ, chi phí đầu tư thấp, có thể nuôi được cua.
Sau vài tháng tìm hiểu, tận dụng ngôi nhà bỏ trống của gia đình, anh tự mua sắm ống nước, dựng bạt, đặt hàng máy móc, thiết bị đo lường về lắp ráp mô hình thử nghiệm.
"Nuôi cua trên cạn này ở Singapore với Thái Lan đã có rồi, nhưng cũng mới được chuẩn hoá thời gian gần đây. Mình thấy họ làm như thế nào thì cứ vậy làm theo, theo tinh thần cứ sai tới đâu, sửa tới đó. Tất nhiên, một số vấn đề phải điều chỉnh để phù hợp với điều kiện tự nhiên của Quảng Nam mình"
Lê Ngọc Đông
Quan trọng kiểm soát được nguồn nước
Sau khi đã lắp ráp thành công hệ thống gồm 4 hồ truyền dẫn nước để nuôi cua bao gồm: hồ chính có hơn 50 lồng nuôi với hơn 50 con cua giống; hồ xử lý cặn thức ăn bằng vi sinh; hồ khử khuẩn; hồ lắng. Những hồ này được nối mạch nước với nhau, liên tục chảy như một dòng sông nhưng qua từng bước đều được xử lý và kiểm soát các thông số.
Anh Đông bắt đầu nuôi thí điểm 50 con cua giống nhập từ tỉnh Cà Mau về từ tháng 2/2023, đến nay, sau nhiều lần khắc phục lỗi kỹ thuật, đã có 5 con chết, số còn lại, sinh trưởng và phát triển bình thường.
"Tỷ lệ chết 10% là con số mà bản thân mình không ngờ tới. Trong khoảng thời gian từ 6 tháng nuôi là có thể xuất bán rồi nuôi gối đầu thêm 1 lứa nữa. Mỗi năm có thể nuôi tối đa 2 lứa, tùy quy mô hồ và nguồn nước tại chỗ mà phát triển đàn. Theo mình, mô hình này tương đối tiềm năng ở khu vực vùng Đông Quảng Nam, bởi thức ăn cho cua là cá vặt và ốc, mỗi ngày cho ăn 2 lần. Quan trọng nhất là kiểm soát nguồn nước vì nó chiếm tới 80% tỷ lệ thành bại của mô hình, theo dõi kỹ các chỉ số kiềm, PH, mặn..." - anh Đông chia sẻ.
[VIDEO] - Anh Lê Ngọc Đông chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cua trên cạn của mình:
Anh còn cho biết, với mức đầu tư các thiết bị kỹ thuật, hồ chứa, người nuôi có thể vận hành song song 2 mô hình, vừa nuôi cua giống từ nhỏ đến lớn vừa có thể thu mua cua tự nhiên bị ốp, mềm do thiếu chất dinh dưỡng về nuôi đến khi đạt chất lượng rồi xuất bán. Với giá mua vào khoảng hơn 100 nghìn đồng/kg cua ốp mềm, sau 10 ngày nuôi ở mô hình của anh Đông, cua được bán với giá thành 300 nghìn đồng/kg, tăng cả về giá thành và số cân nặng.
"Đến thời điểm này, mô hình của mình đã tương đối kiểm soát được tất cả các chỉ số. Số cua chết do thời gian đầu chưa hiểu và từ khi nắm được phương pháp thì mọi thứ đều được xử lý triệt để. Dù phụ thuộc vào nguồn điện vận hành máy móc nhưng cua có thể sống 1 ngày không cần oxy nên vấn đề này không quá phức tạp. Sắp tới, mình sẽ mở rộng mô hình, xây thêm không gian, lợp mái, đảm bảo nhiệt độ từ 30-32 độ là ổn" - anh Đông nói.