Phan Khôi với tờ báo văn hóa độc đáo
Giỗ lần thứ 65 của học giả, nhà báo Phan Khôi (1959 - 2024), cùng nghe chuyện về một tờ báo duy nhất mà cụ Phan Khôi vừa là người sáng lập, vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút.
Dầu chỉ tồn tại ngắn ngủi (gần 8 tháng) với 32 số, song tờ báo văn hóa này đã kịp lưu danh trong làng báo nước Việt những năm 30 của thế kỷ trước.
Dấu ấn báo chí độc đáo
Tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho hay, ngày 6/3/1936, Phan Khôi có đơn gửi Toàn quyền Đông Dương xin xuất bản tuần báo quốc ngữ Sông Hương (La Rivière des parfums).
Tôn chỉ của tờ báo: “viết về các vấn đề khoa học, nghệ thuật và văn học, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến chính trị Đông Dương và Trung Kỳ”. Sở Mật thám Trung Kỳ và Bộ Lại đồng ý, Khâm sứ Trung Kỳ có công văn gửi Toàn quyền Đông Dương đề nghị xem xét cấp phép và được đồng ý sau 3 tháng.
Tòa soạn lúc đầu đóng ở số 80 phố Gia Hội, sau chuyển đến số 96 cũng trên con phố này, nay là đường Chi Lăng, chạy sát bờ Bắc sông Hương, đoạn đối diện với Cồn Hến. Sông Hương in ở nhà in riêng, mỗi số giá bán 5 xu, báo có 10 trang, ra hai khổ 40 x 32,5cm và 49 x 42,5cm.
Tuần báo Sông Hương (ra ngày thứ Bảy) là tờ báo văn hóa văn nghệ. Bài Sông Hương chào đời đăng ở số 1 nói rõ: “Một điều chúng tôi ao ước là, hiện ở xứ ta, hình như bà con đang khát khao một tờ báo chuyên về sự học vấn tri thức mà chưa có. Tờ Sông Hương này ra đời, hoặc có thể bù vào chỗ thiếu thốn ấy chăng”.
Nội dung tờ báo này đăng tải khá đa dạng: tác phẩm văn học (thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn), phê bình văn nghệ, khảo cứu ngôn ngữ, sử học, tin tức văn hóa văn nghệ.
Tài năng vượt trội của chủ bút Phan Khôi đã quy tụ được sự tham gia đông đảo tay bút đình đám đương thời của cả nước, từ các nhà nghiên cứu, phê bình: Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hồ Lê Phồn… đến các nhà văn, nhà thơ: Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Chế Lan Viên, Nam Trân, Mộng Huyền… và cả sự góp mặt của chí sĩ Phan Bội Châu.
Đáng chú ý là một số tác phẩm văn học lần đầu được công bố trên Sông Hương: tiểu thuyết “Làm đĩ” (phần đầu) của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết “Tiếng võng đưa” của Thúy Na và Tràng Kiều (sau này in lại với tên “Cô gái tân thời” của tác giả Lưu Trọng Lư) đã có tiếng vang đối với độc giả.
Trên Sông Hương, Phan Khôi còn tạo ra diễn đàn sử học với sự góp mặt của nhiều học giả. Ông cũng đưa lên mặt báo những sử liệu do chính mình thâu nhặt được, như đánh giá lại địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 (số 7); vấn đề Triệu Đà trong lịch sử (số 3, số 9)…
Đây là các bài viết mà sau này được giới sử học đánh giá là có giá trị nghiên cứu và có tư duy phản biện, lật ngược những vấn đề mà quan niệm đương thời coi như đã đồng thuận.
Mặc dù là tờ báo chuyên “viết về các vấn đề khoa học, nghệ thuật và văn học”, song từ số 7, Sông Hương bắt đầu có trang “Thời sự trong tuần lễ”, chọn lọc và viết lại thật vắn tắt những thông tin thời sự chính trị trong và ngoài nước.
Trong cuốn “Tìm hiểu tác gia Phan Khôi”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận xét: “Sông Hương đã góp phần làm giàu thêm thành quả của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20, trong đó, những điều tạo ra được ở khu vực báo chí chuyên đề văn hóa văn nghệ là phong phú, phồn tạp, rõ rệt hơn hẳn so với khu vực báo chí thời sự chính luận, do vậy, chân dung nhà báo Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 nổi bật ở tính cách nhà văn – học giả, hơn là nhà bình luận xã hội chính trị”.
Tòa soạn gia đình
t ai biết rằng, tòa soạn Sông Hương gồm toàn người nhà Phan Khôi: Ông làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút; con trai cả Phan Thao tham gia sửa in (morasse), biên tập hoặc dịch thuật một số bài ngắn từ tiếng Pháp; con thứ hai Phan Cừ giữ việc giao dịch tài chính, mua giấy, tiền công in, trả nhuận bút, gửi báo và thu tiền từ các đại lý tại Huế và các tỉnh xa, chạy quảng cáo…; một người cháu họ cùng quê Bảo An tên Lộc giúp việc đánh máy bài vở. Con gái ông là Phan Thị Thỏa và bà vợ hai là Nguyễn Thị Huệ lo việc nhà cửa, cơm nước.
Để sáng lập tuần báo Sông Hương, Phan Khôi dành dụm được khoảng một ngàn bạc (tiền đương thời). Thế nhưng, chỉ ở 3 số đầu tiên đã tiêu tốn 420 đồng. Từ số lượng in ban đầu là 5.000 bản đã rút xuống còn 3.000 bản, rồi rút xuống thêm nữa.
“Vì tài chính quẫn bách” nên Sông Hương chỉ in được đến số 32 vào ngày 27/3/1937. Thông qua sự giới thiệu của Phan Thao (lúc này đang hoạt động cộng sản bí mật), Sông Hương được chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Cửu Thạnh, một nhân sĩ dân chủ yêu nước cảm tình với những người cộng sản.
Ngày 19/6/1937, Sông Hương (tục bản) ra số 1, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phan Đăng Lưu, Xứ ủy viên Trung Kỳ. Đây là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ. Trên măng-sét báo vẫn để tên người sáng lập là Phan Khôi nhằm giữ thế hợp pháp về hình thức và khỏi phải làm thủ tục xin phép chính quyền thuộc địa ra báo mới.
Tờ báo này đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh giữa các lực lượng dân chủ và phản dân chủ ở Huế để những người cộng sản đưa bằng được người của tổ chức mình tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Cũng xin nhắc lại rằng, tuần báo Sông Hương đã ngốn của gia sản nhà Phan Khôi một khoản không hề nhỏ chút nào. Nhờ bà vợ cả Lương Thị Tuệ bán mấy sào đất ở bên ngoại (Hà Tân, Đại Lộc), đến tháng 8/1937 nhà báo Phan Khôi mới trả xong nợ nần của tờ Sông Hương!