Cuộc sống thường ngày

Hòn đất mà biết nói năng...

Phóng sự của TRUNG VIỆT 21/09/2024 14:49

Đất im lặng đã đành, nhưng càng ngày, nỗi im lặng càng mù mịt hơn. Mưa xuống, người ta phóng cái nhìn lên núi, chỉ cầu mong không cuốn gói chạy, mong tang thương không chụp xuống.

Khu vực đồi Bảo An đang được kè
Khu vực đồi Bảo An đang được kè

Anh Đào Đình Thám - cán bộ Trạm Khí tượng Trà My nói: “Em đưa anh tới chỗ này, là anh hình dung được hết”. Đó là… lời dẫn cho câu hỏi từ tôi, rằng vũ lượng, hình thái gây mưa lẫn tần suất mưa ở Bắc Trà My ảnh hưởng sao đến chuyện sạt lở, lũ quét. Anh nói, đến nay cả 13/13 thị trấn, xã ở chốn này đều có nguy cơ sạt lở với con số lên tới hơn 400 điểm.

Giữa vùng ma trận mưa

Sa bàn đặt ở ủy ban huyện, với đầy đủ các xã, thị trấn định vị trên địa hình toàn núi, đồi, sông, suối. Tôi ghi lại lời anh giảng giải: Dưới là Tiên Phước, Núi Thành, trên là Phước Sơn, Nam Trà My. Phía tây dưới xa nhất là Trà Ka giáp Quảng Ngãi, mùa hè mây đối lưu từ khu vực thấp hơn, mang hơi nước gây dông cho Trà Ka, Trà Giáp, Trà Giác.

Mùa mưa, phía đông hứng gió từ Núi Thành lên theo đường Trà Kót. Những rãnh bố trí theo các dãy đồi, núi lớn nhỏ, tạo ra sườn đón gió đông, độ ẩm nặng. Trà Nú, Trà Kót, Trà Dương, Trà Đông và thị trấn Trà My, năm nào cũng vậy, mưa rất to. Lượng mưa trung bình mỗi năm 3.500-4.000mm, có năm nhiều hơn đến 7.000mm/năm.

Còn không khí lạnh về, thì nó đi theo rãnh từ Hiệp Đức, Phước Sơn qua. Mưa ở Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân là rất lớn. Ngay cả mùa khô, từ Phước Sơn tràn xuống cũng tạo ra những “dòng thăng” gây mưa dông cho các xã này, kể cả Trà Sơn, thị trấn Trà My, Trà Tân. Riêng Trà Bui mùa mưa chịu tác động thêm của không khí kết hợp.

Chằng chịt sông suối, nên khi mưa lớn, thì lũ quét, ngập lụt là tất nhiên
Chằng chịt sông suối, nên khi mưa lớn, thì lũ quét, ngập lụt là tất nhiên.

Tôi hỏi anh: “Như vậy, hiện tượng lũ quét thường xảy ra khu vực nào, và lý do?”. Lời anh Thám: “Với Bắc Trà My, nơi nào cũng có thể xảy ra, khi địa hình sau nhiều năm, do nhiều lý do, đất đã bị phong hóa.

Ví dụ mới nhất là Trà Bui với cơn bão số 9 năm 2020, mưa cực lớn, do thượng nguồn sông Bui phía Phước Sơn khu vực Phước Thành, Phước Hiệp, nó quét khiến cầu Làng Lía và Trạm khí tượng thủy văn trôi luôn”.

Cũng lời anh, là đến bây giờ Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giang, Trà Tân và thị trấn Trà My khả năng rất cao là sạt lở, bởi nó đã từng xảy ra, rồi liên quan đến việc đất trống nhiều, khi mưa xuống khiến đất thẩm thấu lớn.

Vậy thì câu chuyện quy hoạch ảnh hưởng đến không, bởi với tôi, mở đường, bạt núi làm công trình trụ sở, là chuyện phải có và cần, như mình đào ao cho nước dồn, sau đó lấp lại, thì mưa xuống nó tràn vô nhà là cái chắc.

Anh Thám trầm tư: “Nói cái này khó, vẫn biết làm chỗ này chỗ kia tốt hơn, nhưng miền núi mà, cần tiền lớn, và cũng khó nói làm vậy là đúng hay sai, bởi có thể đúng thời điểm này, nhưng thời gian sau, nó sạt, thì sai…”.

Mong không cuốn gói chạy

Khu vực nứt là Trạm Khí tượng, kè gần xong. Tôi lên chỗ trạm, vết nứt đã hàn. Dưới chân đồi, còn một hộ chưa di dời, nhưng ông Trịnh Ngọc Sơn tổ trưởng tổ Đàng Bàu thị trấn Trà My thì nói, có phương án hết rồi, nhà đó, mưa to là họ đã tự động cuốn gói đi, không thì chính quyền cũng vận động di dời.

Còn một nhà dưới chân đồi Trạm Khí tượng chưa di dời
Còn một nhà dưới chân đồi Trạm Khí tượng chưa di dời

Tôi ghé nhà ông Sơn khi gần trưa. Bà vợ ông chen vào: “Thấy bão lụt ngoài Bắc, chừ ai cũng ớn, không cần nhắc thì cũng lo mà chạy”.
Đúng là ớn, và cảm giác lo sợ thành nạn nhân của thiên nhiên phập phồng đeo bám không riêng chi chốn núi non, khi mưa lũ đã bắt đầu.

Tôi nói ớn nhất là nửa đêm nó quất, biết chạy ngõ mô, ông Sơn từ hiên nhà bước ra sân, chỉ núi Hòn Bà, gạt liền: “Trưa tau còn sợ chứ đừng nói nửa đêm. Tau nhớ năm 2017, núi ở Trà Giác bị nước bốc chỗ ni quăng qua chỗ tê! Tau là dân Tam Thanh sợ chi sông nước, nhưng lên đây từ 1983, bị mấy trận, chừ sợ lắm rồi. Ớn nhất là núi nớ, hắn mà sạt là cả Trà Giang và Trà Giác đều bị”.

Tổ Đàng Bàu này có một địa điểm mà anh em ở huyện nói, rất ngán nó sụp sạt, là khu đồi Bảo An. Nơi đây từng có trụ sở cũ của UBND huyện, có chừng 52 hộ đang sống cạnh đó.

Tôi theo con đường dẫn lên sau lưng trụ sở cũ của Trung tâm Phát triển quỹ đất. Ngước nhìn lên, cao chót vót. Mà độ cao này đã được vạt bớt và đang kè gần xong.

Một cán bộ Ban Quản lý Dự án đầu tư huyện cho biết, dự án kè đồi kéo dài trong 3 năm, sắp xong, phạm vi kè từ Đài Truyền thanh đến nhà nghỉ Cao Nguyên dài chừng 1km. Nay thì đồi này ổn rồi.

Ngay trên ngọn đồi, sát trạm phát sóng của Viettel là nhà ông Nguyễn Tấn Sơn, đi từ ngõ ủy ban huyện cũ vào. Ký ức người già trỗi dậy từ ông, gần 10 năm trước, nó sạt bể ngói luôn. “Chừ cũng không biết mô dưới đất, sợ chớ. Nhà con Liễu là dâu tôi ở dưới kia, hễ mưa nước chảy thành suối ngay sát nhà”.

Bất an với chốn đất quen

Chừ không biết mô, ừ ai biết được đất sâu kia có chân muốn đi chậm hay chạy, khi nào. Chỉ có người sống trên đất là bất an. Chỗ nào chưa thấy nguy cơ và chưa từng xảy ra, thì có lẽ bình yên một chút, chứ nơi đã từng thì ai biết có ăn trọn chén cơm hay không.

Chị Hoàng Thị Hà. Nơi chị đứng, trước đây là nhà chị đã bị vùi nát
Chị Hoàng Thị Hà nói, nơi chị đứng, trước đây là nhà chị đã bị vùi nát.

Con số thống kê từ huyện thế này: Năm 2009 sạt lở núi tại xã Trà Giác làm 13 người chết; năm 2017, trên địa bàn đã xảy ra 7 vụ làm 13 người chết; năm 2020 xảy ra 2 vụ sạt lở đất làm 1 người chết, 2 người bị thương; năm 2021 xảy ra sạt lở tại 29 điểm, trong đó có 1 điểm nguy cơ cao, làm 1 người bị thương và 17 ngôi nhà bị thiệt hại; năm 2023 xảy ra 82 vụ sạt lở đất trong đó có 78 vị trí sạt lở thuộc tuyến giao thông, 4 vị trí sạt lở trong khu vực nhà dân (không thuộc tuyến giao thông) và 1 vị trí nứt đất có nguy cơ sạt lở rất cao (khu vực đồi Khí tượng)…

Hệ lụy của nó - những con số tự thân nói lên tất cả. Nhưng có lẽ kể về nó khi người trong cuộc lên tiếng, thì thấy mọi thứ đảo lộn như con nít xếp đồ chơi.

Chị Hoàng Thị Hà - thôn Trung Thị, tổ Đàng Nước vừa chỉ tay vừa kể cái ào chuyện sáng ngày 8/11/2021. Nhà chị ngay khu vực đồi Chim, trước mặt nhà, bên kia đường cách chừng 5m là khu đồi hõm chừng 100m2.

“Năm 2016 bị một trận, nhà quán em ở đó bị nát banh. Sau đó em mới làm cái nhà chừ. Trận 2021, trụ điện đập thẳng vô nhà làm rách mặt chồng em lúc ảnh đang bưng tô mì tôm ăn. Kinh hồn.

Nói thiệt, nhà em chừ làm đúc rồi, bão không sợ, chứ mưa lớn một ngày một đêm là mẹ con cuốn gói đi liền không cần ai vận động. Nếu biết là nó sạt nữa, thì em đã không làm nhà ở đây.

Bữa nớ có hai anh em phóng viên đang quay ở đây mà, nó sạt nhanh lắm, may mọi người chạy kịp, Facebook em còn lưu clip em quay nớ”. Chị nói mưa lớn, nước chảy dữ dằn, chị phải đào một con mương nhỏ dẫn né qua một bên, không thì nước xộc thẳng vô nhà…

Những người tôi gặp, dẫu đang bình yên, vẫn mang ánh mắt như bất lực khi nhớ những khúc đoạn mưa gió đảo điên. Sống trong vùng sạt lở, hơn ai hết, họ thấm nỗi bấp bênh của tài sản, tính mạng như trò chơi con tạo.

Bao nhiêu cảnh báo, phân tích, cả phương án ứng phó đặt ra khi mưa bão về, cũng chỉ là chuyện giải quyết… nóng, bởi “họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (Họa hay phúc đến không phải từ một ngày).

Biết làm sao được. Hòn đất mà biết nói năng ư, đừng giễu nhại nó, im lặng và bùng nổ, đó là tiếng nói của nó phản ứng thói xấu của con người đối với tự nhiên. Cũng chỉ có con người, mưa xuống thì lo sợ, còn khi nước gió bay biến, thì thản nhiên chọc giận…

Phóng sự của TRUNG VIỆT