Góc suy ngẫm

Phát huy phương châm “vàng”

NGUYỄN ĐIỆN NAM 22/09/2024 08:00

Luôn đối mặt với hiểm nguy từ thiên tai… người Việt nói chung, người Quảng nói riêng đều cần phát huy phương châm “vàng” trong phòng tránh lụt bão và cứu nạn, cứu hộ, đó là tại chỗ, tại chỗ và tại chỗ...

Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện xa vời mà đã tác động thấy rõ với cường độ mưa gió, lũ lụt, nắng hạn… ngày càng bất thường, khắc nghiệt. Người Việt, tự bao đời nay đã phải ứng phó với bao cơn thịnh nộ của đất trời, nhưng kinh nghiệm càng dày lên càng thấy bấy nhiêu cũng chưa đủ để hạn chế thiệt hại.

Vì thế luôn cần đúc kết thực tiễn, thường xuyên cảnh báo và trao gửi những phương thức ứng phó hiệu quả với thiên tai, trong đó phương châm tại chỗ có thể xem là “chìa khóa vàng”.

Trước đây đã hình thành phương châm “bốn tại chỗ” là: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Nay thì phát triển thành “năm tại chỗ”, với việc bổ sung yếu tố “tự quản tại chỗ”.

Cùng với các phương châm đó, việc ứng phó thiên tai còn đặt ra “ba sẵn sàng” là: phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Câu chuyện của anh trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) có thể minh chứng nguyên tắc vàng này vẫn đúng. Báo chí đã hết lời ca tụng anh trưởng thôn Ma Seo Chứ (SN 1991), đã có quyết định táo bạo di dời toàn bộ 115 người dân ở thôn Kho Vàng tới nơi an toàn, rời khỏi chỗ ở cũ, tránh được trận sạt lở dữ dội đã vùi chôn nhiều nhà dân ở vùng miền núi phía Bắc trong cơn bão lũ vừa qua.

Trong điều kiện liên lạc bị cắt đứt, anh Chứ đã tự mình tổ chức lực lượng thanh niên đi khảo sát quả núi sau làng, phát hiện vết nứt nguy hiểm, liền trở về vận động và cùng giúp dân di tản nên mọi người thoát nạn.

Cho đến khi cơn bão lũ đi qua thì lực lượng bên ngoài mới vào tiếp ứng được, chứng tỏ chỉ có “tự cứu mình trước khi trời cứu” bằng cách tự lực tại chỗ mới có thể tránh được tai họa.

Hiện nay, lực lượng tại chỗ vẫn đang được nhiều địa phương chú trọng, trong đó đáng chú ý là lập các đội xung kích để kịp thời ứng cứu khi có thiên tai. Thành viên đội này bao gồm lực lượng quân sự, dân quân, công an, chữ thập đỏ, thanh niên, phụ nữ…

Tuy nhiên cần củng cố, kiện toàn lực lượng trước khi vào mùa mưa bão, hỗ trợ phương tiện cứu nạn, cứu hộ bảo đảm an toàn, trong đó chú ý phương tiện cung ứng chiếu sáng (đèn pin, dầu chạy máy nổ) phòng mưa bão thường vào đêm tối không biết đường mô lần tìm để ứng cứu.

Về vật tư, hậu cần lương thực tại chỗ cần đáp ứng đủ gạo, mắm muối, thực phẩm khô… dự trữ (kinh nghiệm tổ chức các kho gạo dự trữ của đồng bào miền núi cao Quảng Nam trước đây cần phổ biến thực hiện cho các vùng sâu, vùng xa, nơi khó thể cung ứng khi mưa lũ, sạt lở núi cắt đường).

“Trời kêu ai nấy dạ” thường đúng lúc thiên tai xảy ra. Bởi không ai có thể dự lường hết đường đi của cơn bão và tác hại của nó, không thể đo lường hết mưa lũ bất thường khi diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, không biết lúc nào “họa núi đè” xuất hiện bất thần đổ ụp xuống ngôi làng đã hàng trăm năm nằm nơi tưởng yên bình.

Lại thêm địa hình Việt Nam đa dạng vừa làm nên kiệt tác thiên nhiên kỳ vĩ vừa thách thức sức chịu đựng bền bỉ của con người khi treo mình trên cheo leo núi cao vực thẳm, lên ghềnh xuống thác, rải rác sống ven suối, ven sông, đầm phá và luôn đối diện với Biển Đông ầm ào những cơn bão khi trái gió trở trời.

Vậy nên, dù có “chìa khóa vàng” là phương châm ứng phó thiên tai hiệu quả đã được đúc kết, nhưng cũng không lường hết những tình huống bất ngờ khi thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ. Cảnh báo, phòng ngừa, và triển khai chuẩn bị ứng phó từ khi chưa có hoạn nạn vẫn tốt hơn là để xảy ra rồi “mất bò mới lo làm chuồng”, cũng không thể trông đợi lực lượng nào hùng hậu đến ứng cứu bởi “nước xa không cứu được lửa gần”!

NGUYỄN ĐIỆN NAM